5G là 'tên lửa' đẩy kinh tế số Việt Nam bay cao

Nền kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỉ đô la Mỹ năm 2019 và sẽ bứt phá lên 43 tỉ đô la vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực, như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

(SGTT) – Nền kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỉ đô la Mỹ năm 2019 và sẽ bứt phá lên 43 tỉ đô la vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực, như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Người dùng trải nghiệm robot điều khiển từ xa qua kết nối 5G của Viettel.

Người dùng trải nghiệm robot điều khiển từ xa qua kết nối 5G của Viettel.

Theo bản báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây, nền kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019, dẫn đầu khu vực cùng với Indonesia. Việt Nam cùng Indonesia được nhận định là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực.

Dẫn đầu khu vực Đông Nam Á

Bản báo cáo đánh giá ngành công nghệ Internet Đông Nam Á đang bùng nổ. Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và có mức tăng trưởng nhanh nhất. Hơn 150 triệu người dân Đông Nam Á hiện đang mua những thứ họ cần qua mạng. Giá trị của ngành TMĐT hiện tại đã đạt đến 35 tỉ đô la, so với chỉ 5 tỉ đô la vào năm 2015 và đang trên đà chạm đến 150 tỉ đô la vào năm 2025.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế số của khu vực vừa đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỉ đô la lần đầu tiên vào năm nay, tăng 72 tỉ đô la so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20 đến 30% hằng năm. Trong khi đó, hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.

Như minh chứng cho báo cáo trên, đầu tháng 10 này, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức lễ động thổ và công bố dự án thành phố thông minh, đánh dấu sự khởi đầu trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh của Hà Nội.

Dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỉ đô la áp dụng nhiều công nghệ thông minh với sáu yếu tố, như năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Dự án cũng sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của thành phố Hà Nội.

Trước đó, tại buổi sơ kết về chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020 với UBND TPHCM hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chậm nhất đến năm 2022, TPHCM cần phủ sóng 5G toàn bộ thành phố.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết thành phố đang tập trung triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, nhằm đạt được bốn mục tiêu là: phát triển nhanh và bền vững, nhất là về kinh tế; người dân được cung cấp các dịch vụ toàn diện tốt hơn; chính quyền phục vụ người dân hiệu quả hơn; và người dân cùng tham gia quá trình quản lý.

Với hai “đầu tàu” Hà Nội và TPHCM nằm trong bảy thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực, Việt Nam đang trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực với 600 triệu đô la đầu tư từ 2018 đến nửa đầu 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư.

Tên lửa đẩy 5G

Cuối tháng 9 vừa qua, nhà mạng Viettel công bố đã hoàn thành việc phủ sóng 5G tại phường 12, quận 10, TPHCM và cho người dùng được trải nghiệm miễn phí một số ứng dụng trên nền tảng công nghệ 5G. Còn trong hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ này cho biết đã triển khai cấp giấy phép thử nghiệm 5G cho ba doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT và MobiFone) và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm 5G.

Theo sách trắng định vị các ứng dụng 5G, các nhà hoạch định đã đưa ra kịch bản ứng dụng 5G trong các lĩnh vực băng thông rộng tăng cường, truyền thông và giải trí, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và giao thông thông minh. Theo đó, 5G sẽ mở ra hàng nghìn tỉ không gian thị trường và các cơ hội đầu tư trong tương lai. Vào năm 2035, 5G sẽ tạo ra 12.300 tỉ đô la sản lượng kinh tế trên toàn cầu, 80% trong số đó có liên quan đến 5G. Với sự tiến bộ của quy trình thương mại 5G, các ứng dụng sáng tạo 5G xuất hiện như vô tận, bao gồm băng thông rộng di động tăng cường, giải trí dựa trên phương tiện truyền thông, sản xuất công nghiệp, giao thông thông minh…

Mạng 5G có thể cung cấp cho người dùng mạng tốc độ Gigabit, hiệu suất mạng và trải nghiệm người dùng tối ưu. Số hóa và trí thông minh nhân tạo là những dấu hiệu quan trọng của kỷ nguyên 5G, những yếu tố sẽ giúp phát huy đầy đủ các lợi thế của công nghệ 5G, hỗ trợ phát triển hàng ngàn ngành, lĩnh vực và nâng cao hiệu quả xã hội.

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng nhiều quốc gia xem 5G là cơ hội để họ tạo ra những ngành nghề mới, dịch vụ mới, cơ hội việc làm mới. Những quốc gia có kế hoạch đi vào 5G đầu tiên sẽ phải nghĩ đến việc có những ngành công nghiệp mới xuất hiện để phục vụ 5G, có ứng dụng mới như thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh… để triển khai trên nền tảng 5G.

Trung Thanh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/5g-la-ten-lua-day-kinh-te-so-viet-nam-bay-cao/