5K+VACCINE: TỪ PHƯƠNG CHÂM ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư có đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phòng, chống dịch là "5K+vaccine" và kết hợp giải pháp công nghệ. Với các mũi tấn công chủ động, Việt Nam sẽ tạo ra những "lá chắn thép" để tự tin đương đầu với dịch Covid-19.
ĐỢT DỊCH KHỐC LIỆT VÀ NHIỀU THÁCH THỨC
Chưa đầy 40 ngày, Việt Nam phải đối mặt với con số mắc Covid-19 tăng kỷ lục, lên tới 4.876 ca trong nước. Con số này tăng gấp năm lần so với đợt dịch thứ 3, gấp 10 lần so với đợt dịch thứ 2 và gấp 40 lần so với đợt dịch đầu tiên. Riêng Bắc Giang, Bắc Ninh là hai địa phương có xu hướng diễn biến rất phức tạp do xuất hiện hình thái lây nhiễm trong khu công nghiệp.
Virus đột biến, lây nhiễm chéo gia tăng, vòng lây truyền rút ngắn lại… và dịch đã lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố là thách thức với ngành y tế.
Đã có nhiều kỷ lục buồn đã được xác lập trong đợt dịch này. Đầu tiên là kỷ lục số ca mắc cao nhất trong ngày lên tới 444 ca vào ngày 25-5. Bắc Giang đang giữ con số ca mắc cao kỷ lục, tới 2.620 ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca của cả nước.
Sự khốc liệt của đợt dịch này là cùng lúc virus tấn công vào nơi trọng yếu nhất như cơ sở y tế và nơi tập trung đông người như khu công nghiệp. Đã có 10 cơ sở y tế phải đóng cửa, tạm thời phong tỏa. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K cũng đã có gần một tháng thực hiện cách ly y tế, với hàng nghìn bệnh nhân trong khu cách ly.
Các khu công nghiệp tại Bắc Giang và Bắc Ninh đang bị SARS-CoV-2 cho một trận đòn chí mạng. Nhiều nhà máy bị tê liệt, hàng trăm nghìn công nhân phải thực hiện cách ly tập trung hoặc giãn cách xã hội. Tình hình lây nhiễm chéo liên tục gia tăng, có tới 50-70% F1 đã trở thành F0 chỉ trong thời gian rất ngắn.
Thách thức lớn nhất của đợt dịch này, theo Bộ Y tế, đó là sự xuất hiện của biến chủng Ấn Độ tại những tâm dịch, trong đó có Bắc Giang. Bộ Y tế nhận định, đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái, đa chủng lây nhiễm. Trong đợt dịch từ ngày 26-4 đến nay, Việt Nam ghi nhận hai biến chủng đáng lo ngại là biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2) và biến chủng Anh (B.1.1.7).
Biến chủng Ấn Độ được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại”. Biến chủng B.1617.2 có khả năng lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng ở Anh (B.1.1.7). Biến chủng Ấn Độ này đã được ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh thành khác. Tốc độ lây lan của biến chủng Ấn Độ rất nhanh, đặc biệt trong các môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người như đám cưới, đám ma, quán karaoke, khu công nghiệp. Có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng và đã có khả năng lây lan cho người khác.
Đặc biệt, trong quá trình giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm. Đây là đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.617.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh). Đặc điểm của chủng này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng cao nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn. Độc lực của biến chủng virus tại Việt Nam gây ra tình trạng tỷ lệ người mắc có triệu chứng cao hơn so với các đợt dịch trước.
ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, trong đợt nhiễm virus lần này, biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân khác với đợt dịch có các biến chủng trước. Những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, chỉ cần từ khi có triệu chứng sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi.
Do đó, nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi chứ không chỉ ở người cao tuổi và có bệnh nền như trước. Vì vậy, công tác điều trị cũng đòi hỏi phải đáp ứng được các tình huống có thể xảy ra.
BS Nguyễn Thanh Linh, BV Chợ Rẫy - người từng trải qua các chiến trường điều trị nóng bỏng nhất, trong đó có điều trị thành công cho Bệnh nhân 91 và các trường hợp tại Đà Nẵng cũng nhận định, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Trường hợp một nữ công nhân còn trẻ tuổi, không có bệnh lý nền đã tử vong chỉ sau vài ngày mắc Covid-19 là hồi chuồng cảnh tỉnh cho những người trẻ, không thể chủ quan với sự biến đổi khôn lường của virus.
SỰ LINH HOẠT TRONG CHIẾN DỊCH CHỐNG "GIẶC COVID-19" TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Bộ Y tế đã dồn tổng lực để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch. Hơn 2.000 cán bộ y tế đã được tung vào tuyến đầu trên mọi mặt trận xét nghiệm, truy vết, điều trị… thế nhưng, tốc độ lây lan của virus còn đi nhanh hơn rất nhiều và hậu quả của nó vô cùng khó lường.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly – khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã có những thay đổi về phòng, chống dịch trong cách ly, xét nghiệm và điều trị.
Trước việc dịch xâm nhập vào khu công nghiệp, tỷ lệ F1 thành F0 rất lớn, có những ngày phát hiện tới gần 400 ca bệnh tại Bắc Giang, Bộ trưởng Y tế yêu cầu Bắc Giang ngay lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; bảo đảm cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng có đông công nhân sinh sống; áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung. Tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người, đặc biệt khu vực nhà trọ công nhân giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong công nhân tại các khu nhà trọ. Bên cạnh đó chúng ta còn thực hiện giãn cách, cách ly công nhân trong sản xuất để bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất”, Bộ trưởng cho hay.
Xét nghiệm kháng nguyên nhanh trở thành phương pháp ưu thế trong sàng lọc tại cộng đồng. Các trường hợp test nhanh dương tính sẽ được sàng lọc cách ly riêng và xét nghiệm khẳng định lại bằng Rt-PCR. Ngành y tế cũng tiến tới bước tập huấn cho công nhân nhà máy có thể tự lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm để bảo vệ cho các nhà máy khi quay lại sản xuất bảo đảm an toàn, làm việc bình thường.
PGS, TS Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đánh giá, việc test nhanh định kỳ ba ngày/lần tại những điểm nóng về dịch là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch, cần kiên trì thực hiện mới mong sớm thành công.
Bộ Y tế cũng nhanh chóng chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở Bắc Giang. Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền bắc với 100 giường đã được thiết lập thần tốc tại địa phương này tại BV Tâm thần Bắc Giang, được coi là trung tâm ICU lớn nhất miền bắc.
Để hỗ trợ hai địa phương này chống dịch, không đứt gãy chuỗi sản xuất, Bộ Y tế đã quyết định chuyển 240 nghìn nhiều vaccine cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, những người có nguy cơ mắc bệnh tại hai tỉnh. Điều này góp phần bảo đảm vấn đề an toàn khi trở lại sản xuất bình thường.
THÔNG ĐIỆP CHỐNG DỊCH: 5K+VACCINE
Trước sự biến đổi khôn lường của virus, đợt dịch sau khốc liệt hơn đợt dịch trước, Việt Nam phải chuyển từ thế dự phòng sang tấn công. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phòng, chống dịch là “5K+vaccine" và kết hợp giải pháp công nghệ. Ngoài duy trì biện pháp 5K từ đầu đợt dịch, vaccine và công nghệ được coi là vũ khí để Việt Nam chủ động tấn công với Covid-19.
Về mặt trận vaccine, trong các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên mặt trận này. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. Ba mũi tấn công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra là: Xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine quyết định.
Trước tình hình số ca nhiễm gia tăng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là rất cần thiết để tăng miễn dịch cộng đồng. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.
Mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng Covid-19 được rút gọn tối đa. Nhiều doanh nghiệp tích cực hỗ trợ, tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất bảo đảm nguồn vaccine phòng Covid-19 trong nước.
Đến sáng 3-6, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó ngoài nguồn của Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vaccine khác. Ngoài vaccinie AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V. Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Vaccine Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên cũng sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 – giai đoạn quan trọng để xem có đạt về tính miễn dịch cộng đồng, sớm được cấp phép để tiêm trong tình hình đại dịch căng thẳng.
Mới đây, trong buổi làm việc với tổ chức COVAX, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mua công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để chủ động nguồn vaccine cho người dân Việt Nam. Đồng thời cam kết với COVAX, WHO trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy và mong muốn được nhượng quyền sản xuất nhằm cung ứng vaccine cho COVAX và cho các nước cũng như cho Việt Nam.
Việt Nam cũng đã thành lập Thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam (Quỹ) và dự kiến ra mắt ngày 5-6 tới đây sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực tài chính để mua và sản xuất vaccine, đa dạng hóa các nguồn vaccine, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức có điều kiện chủ động tìm kiếm nguồn vaccine... Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, “mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi”.
"Phải phòng, chống từ sớm, từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm 5K + vaccine và kết hợp giải pháp công nghệ; tăng cường áp dụng công nghệ cao vào công tác truy vết, kiểm soát an toàn Covid-19"
Thủ tướng yêu cầu việc tuyên truyền tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả cho các lực lượng và các địa bàn trọng điểm như: Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, TPHCM. Đồng thời, phải giải thích cho nhân dân đây là biện pháp phòng ngừa tốt nhất, một biện pháp chủ động tấn công phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay.
Về áp dụng công nghệ, theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, có bốn điều kiện tiên quyết để bảo đảm thành công. Thứ nhất, một số công nghệ chủ chốt thì phải bắt buộc, tỷ lệ người dùng phải đủ cao. Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều dữ liệu, càng nhiều nguồn dữ liệu thì truy vết càng nhanh và càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ. Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng để dễ dùng và dùng chung. Thứ tư, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ thì xóa để người dân yên tâm tuân thủ.
Trong đối phó với tình hình mới của dịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được nâng lên thêm một bước, hiệu quả việc thần tốc truy vết F0, lập danh sách F1, F2. Bộ “vũ khí” công nghệ như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19); NCovi (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhân người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19… tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất trong phát hiện, truy vết ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Ngoài những ứng dụng khai báo y tế, truy vết, xét nghiệm, ngày 29-5, Bộ TT-TT thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác hiệu quả ứng dụng của công nghệ trong phòng, chống dịch. Theo đó, các ứng dụng công nghệ đã kết nối tập trung, đã liên thông dữ liệu.
“5K” vẫn là lá chắn thép chống dịch thành công của Việt Nam kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020. Việt Nam đã duy trì nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh và hiện nay vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” với “5K” như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc và khai báo y tế.
Cùng với “5K”, Việt Nam đang gấp rút triển khai tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Đây cũng là tinh thần "chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với chủ trương này của Chính phủ hy vọng sẽ giúp chúng ta vượt qua được đợt dịch thứ tư khốc liệt này, và sẽ đủ kinh nghiệm đối đầu với những thách thức tiếp theo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: NGUYỄN ĐĂNG
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tieu-diem/5k-vaccine-tu-phuong-cham-den-hanh-dong-649051/