6 bị can lập hồ sơ khống chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng
Để tiếp tục kinh doanh và trả nợ, sáu lãnh đạo của năm công ty đã lập 100 hồ sơ khống vay và chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của ngân hàng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố sáu bị can về tội lừa chiếm đoạt tài sản.
Các bị can gồm Lưu Bách Thảo (56 tuổi, nguyên tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt An), Ngô Văn Thu (50 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (61 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (52 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (45 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (46 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc).
Các bị can bị cáo buộc lừa đảo hơn 600 tỉ đồng của ngân hàng Vietcombank Chi nhánh An Giang (VCB An Giang).
Lập 100 hồ sơ khống rút 601 tỉ đồng của ngân hàng
Theo kết luận điều tra, từ 2010 đến 2014, các Công ty Việt An, Bình Minh và Minh Giàu đã lập ra nhiều hồ sơ xin vay vốn tại Ngân hàng VCB An Giang với số tiền hơn 3.161 tỉ đồng. Tổng số tiền còn nợ đến ngày 21-12-2020 là hơn 1.148 tỉ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 601 tỉ đồng).
Theo lời khai của bị can Thu, Công ty Việt An được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 27-02-2007, người đứng tên đại diện theo pháp luật là Lưu Bách Thảo - Tổng Giám đốc.
Đến ngày 12-11-2014 thì thay đổi lại cho Thu đứng tên trong pháp nhân chức danh Tổng Giám đốc điều hành hoạt động công ty cho đến nay.
Năm 2010, Công ty Việt An có ký Hợp đồng tín dụng Số 245 và các hợp đồng sửa đổi bổ sung với Ngân hàng VCB An Giang tổng số tiền đã nhận nợ là hơn 2.255 tỉ và 82 triệu USD.
Lúc đầu khi ký kết Hợp đồng tín dụng thì Công ty Việt An đã sử dụng bộ hồ sơ vay vốn thật. Tuy nhiên đến năm 2013 – 2014 do công ty hoạt động không hiệu quả, không còn nguồn kinh phí và không còn hạn mức để tiếp tục vay vốn nên Thảo chỉ đạo Thu và bộ phận kế toán lập nhiều bộ hồ sơ vay vốn khống.
Trong đó có 67 hồ sơ rút vốn khống hiện còn nợ tiền gốc ngân hàng gồm các chứng từ gồm hóa đơn GTGT, phiếu chi, ủy nhiệm chi, hợp đồng mua bán cá tra và thức ăn, hợp đồng xuất khẩu, phiếu nhập kho, bảng kê thu mua hàng hóa, biên nhận. Tất cả chứng từ đều là giả mạo và ghi khống số lượng mua cá.
Cách thức vay là sau khi Công ty Việt An hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, được VCB An Giang giải ngân thì Công ty Việt An đã ủy nhiệm chi vào tài khoản của Công ty Việt Hưng An Giang, Công ty Bách Phúc và tài khoản cá nhân của các nhân viên trong công ty để rút tiền.
Toàn bộ số tiền rút được giao lại hết cho Công ty Việt An sử dụng vào mục đích trả tiền nợ cá cho các hộ dân, chi vào các hoạt động kinh doanh, trả tiền nợ gốc và nợ lãi quay vòng cho các ngân hàng và sử dụng chi phí khác...
Ngoài nợ tiền của VCB An Giang, Công ty Việt An còn vay tiền sáu ngân hàng khác, tính đến ngày 21-12-2020 còn nợ tiền gốc tổng cộng là hơn 470 tỉ đồng và hơn 3,7 triệu USD; nợ tiền các hộ dân bán cá, nợ thuế và các khoản nợ khác với số tiền rất lớn nhưng chưa xác định được.
Các bị can khác cũng khai làm theo chỉ đạo của Thảo. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Thảo các bị can đã lập khống 100 hồ sơ vay hơn 601 tỉ đồng của VCB An Giang, các bị can không hưởng lợi gì.
Không xác định được thiệt hại?
Kết luận giám định số 6551 ngày 30-8-2018 của Giám định viên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, xác định VCB An Giang chưa tuân thủ đầy đủ tác nghiệp so với quy định nội bộ của VCB.
Cụ thể như thông báo tác nghiệp đủ điều kiện rút vốn cho mỗi lần giải ngân không ghi nhận đầy đủ giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; chưa thực hiện đầy đủ quy định nội bộ của VCB trong việc lập kế hoạch kiểm tra, giám sát tín dụng, trong đó xác định lịch kiểm tra, phương thức kiểm tra và văn bản, giấy tờ cần thiết lập hoặc sao chụp theo quy định. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, lãnh đạo Phòng khách hàng và Phòng quản lý nợ
Ngoài ra kết luận giám định cho rằng không có văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy định nội bộ của VCB quy định về cách xác định số tiền thiệt hại.
Vì vậy, không xác định được thiệt hại mà chỉ xác định được tình trạng nợ quá hạn của VCB An Giang chưa thu hồi được của khách hàng theo Thông tư 02 và 09 của NHNN.
Quy định của pháp luật và quy định nội bộ của VCB trong hoạt động tín dụng chỉ quy định trách nhiệm từng khâu trong quá trình cho vay mà không quy định trách nhiệm khi không thu hồi được nợ vay.
Cơ quan CSĐT tra cho rằng việc kết luận giám định sai phạm đối với nhóm cán bộ ngân hàng là chưa rõ ràng nên sẽ tiếp tục điều tra, xử lý đối với nhóm cán bộ ngân hàng sau.
Liên quan đến sai phạm trên, năm 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc VCB Việt Nam, Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang, Đảng ủy khối doanh nghiệp đã ra Quyết định xử lý kỷ luật với hình thức “Cách chức, cảnh cáo, kéo dài thời hạn nâng lương” đối với các ông/bà: Nguyễn Văn Lập - nguyên Giám đốc, Trương Thị Thanh Xuân - nguyên Phó Giám đốc, Liệt Lâm - nguyên Trưởng phòng, Quách Bảo Nguyên - nguyên Phó phòng và Bùi Hữu Quốc - cán bộ Phòng khách hàng thuộc VCB An Giang.
Còn Nguyễn Hữu Tính – nguyên giám đốc phụ trách phòng khách hàng, Nguyễn Tấn Triều – nguyên phó trưởng phòng khách hàng và Võ Đan Vân – cán bộ phòng khách hàng chưa bị xử lý.