6 'Bức tường Berlin' và nỗi lo chia cắt nội bộ EU
Các bức tường biên giới tạo thành một lá chắn bằng bê tông và dây thép gai ngày càng dày xung quanh Liên minh châu Âu (EU), thông điệp mang tính biểu tượng này đang chia cắt nội bộ liên minh.
Trong nhiều năm qua, EU rõ ràng đã phản đối việc xây dựng các bức tường biên giới, luôn coi cách tiếp cận này như một giải pháp khắc phục ngắn hạn không phù hợp với các giá trị của châu Âu. Ngay cả khi một số quốc gia thành viên bắt đầu dựng hàng rào biên giới, bản thân EU vẫn giữ vững lập trường: các thành viên của EU có thể làm điều đó nếu họ muốn, nhưng EU sẽ không hỗ trợ.
Những ký ức về những cuộc chiến gay gắt nổ ra khi hơn một triệu người tị nạn đến bờ biển của châu Âu, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và gần đây nhất là những hành động quá khích của Belarus đẩy hàng nghìn người di cư đến rìa phía Đông của EU đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về vấn đề biên giới.
Câu hỏi đặt ra là liệu EU có nên ủng hộ các rào cản biên giới hay không? Liệu các rào cản biên giới có phải là cách hiệu quả nhất để kiểm soát biên giới của châu Âu hay không? Trong tương lai, châu Âu sẽ thể hiện họ là một lục địa mở hay đóng?
Những câu hỏi này cần có câu trả lời. Các rào cản biên giới đang tăng lên và áp lực ngày càng lớn đối với Ủy ban châu Âu (EC). Tháng 10 vừa qua, 12 quốc gia EU đã thúc giục EC hỗ trợ tài chính để dựng các hàng rào biên giới “như một vấn đề ưu tiên”.
Bức thư gửi EC
Số lượng các quốc gia thúc đẩy EU hỗ trợ tài chính để xây hàng rào biên giới đã tăng lên trong những năm gần đây.
Sau làn sóng người tị nạn từ Syria năm 2015, Hungary và Thủ tướng nước này Viktor Orbán, người ủng hộ lập trường cứng rắn đối với vấn đề người di cư, đã đi đầu trong việc thúc giục Brussels cung cấp tài chính cho kế hoạch xây hàng rào ở biên giới phía Nam Hungary với Serbia và Croatia.
Hiện nay, Hungary chỉ là một trong số rất nhiều quốc gia ủng hộ việc này, ngay cả những nước không được biết đến với các chính sách di cư hà khắc.
Litva, nước dẫn đầu trong nhóm 12 quốc gia gửi thư kiến nghị lên EC, đang xây một hàng rào dài 502 km trên đường biên giới dài 678 km với Belarus. Nước này muốn EU duyệt chi ngân sách 152 triệu Euro cho việc xây dựng hàng rào biên giới.
Các quốc gia khác cũng đã nhóm họp về vấn đề tài trợ này, cho dù vẫn mâu thuẫn về các vấn đề khác liên quan đến người di cư. Ví dụ, Hy Lạp đã ký vào thư kiến nghị trên, mặc dù họ ủng hộ việc bắt buộc phân phối lại con số người xin tị nạn trong toàn khối-một cách tiếp cận mà Hungary phản đối quyết liệt.
Đáng chú ý, trong bức thư gửi EC, nhóm 12 quốc gia đã đề cập nhu cầu “phải điều chỉnh khuôn khổ pháp lý hiện tại cho phù hợp với thực tế mới”.
Tuy nhiên, cho đến nay, EC vẫn giữ vững lập trường với Nghị viện châu Âu (EP) khi từ chối nhượng bộ.
Một quan chức EU cho biết có “một thỏa thuận về nguyên tắc” giữa hai thể chế này để tránh phải cung cấp tài chính xây hàng rào biên giới.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định: “Sẽ không có chuyện tài trợ kinh phí xây bức tường biên giới hay dựng hàng rào thép gai. Các quan chức của ủy ban này nhấn mạnh hiện đã có rất nhiều quỹ hỗ trợ quản lý biên giới, cũng như các công cụ quản lý công nghệ cao như camera giám sát".
Tuy nhiên, giọng điệu của EP có thể đang thay đổi. Nhóm lớn nhất trong cơ quan lập pháp EU, Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP), đã công khai ủng hộ việc yêu cầu EU tài trợ xây hàng rào biên giới. Chủ tịch EPP Manfred Weber tuyên bố: “Chúng tôi, EPP, cũng yêu cầu rằng trong một tình huống bất thường, các quỹ của EU phải có sẵn để chi cho các hoạt động tương tự”. Tuy nhiên, nhóm lớn thứ hai trong EP, Đảng Xã hội Dân chủ, lại phản đối cách tiếp cận này.
Tranh cãi chính trị và pháp lý
Bất chấp điều đó, châu Âu vẫn đang tiếp tục xây các bức tường biên giới. Một báo cáo mới đây cho thấy kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, các nước châu Âu đã dựng khoảng 1.000 km hàng rào trên bộ - tương đương với 6 Bức tường Berlin.
Khi quá trình xây dựng này được đẩy nhanh, EC đã "xuống giọng". Trên thực tế, ủy ban này thậm chí ngầm chấp thuận việc này trong các tình huống cụ thể.
Ngoài những tranh cãi về chính trị, tài chính, các hàng rào biên giới cũng gây tranh cãi về mặt pháp lý.
Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thu hút sự chú ý khi tuyên bố Cố vấn Dịch vụ Pháp lý của Hội đồng đã xác định rằng việc EU tài trợ xây các hàng rào biên giới “có thể là hợp pháp”, miễn là các hàng rào đó được quản lý theo luật của EU.
Tôn trọng luật pháp là nguồn gốc gây ra xích mích cho nhiều quốc gia EU, từ Croatia đến Hy Lạp. Hy Lạp là một trong số những thành viên EU bị cáo buộc có các hành động ngăn cản người di cư, vốn là hành vi bất hợp pháp theo các quy tắc quốc tế như Công ước Geneva.
Đối mặt với những cáo buộc tương tự, Ba Lan mới đây đã thông qua một đạo luật làm cho hoạt động này trở nên hợp pháp. Warszawa cũng từ chối cho Cơ quan kiểm soát biên giới EU, Frontex tiếp cận biên giới với Belarus, nơi chính quyền Ba Lan đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để đẩy lùi người di cư.
Gerald Knaus, Chủ tịch Tổ chức Sáng kiến Ổn định châu Âu, lập luận: “Vấn đề không phải là bức tường mà là luật của EU được áp dụng ở biên giới”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/6-buc-tuong-berlin-va-noi-lo-chia-cat-noi-bo-eu-165720.html