6 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư gan

Ung thư gan là bệnh ung thư nguy hiểm có thể gặp ở cả nam và nữ do nhiều yếu tố khác nhau gây ra như nhiễm virus viêm gan B hoặc C mạn tính, uống nhiều rượu, nhiễm aflatoxin trong thực phẩm mốc, di truyền từ người thân trong gia đình…

NỘI DUNG

1. Đông y hỗ trợ điều trị ung thư gan

2. Những ai cần tầm soát ung thư gan sớm?

3. Cách chăm sóc người bệnh ung thư gan tại nhà

4. Ung thư gan có chữa khỏi được không?

5. Lưu ý với người béo phì, đái tháo đường mắc ung thư gan

6. Chi phí điều trị ung thư gan tại Việt Nam

Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư.

1. Đông y hỗ trợ điều trị ung thư gan

Mặc dù Tây y là phương pháp được chỉ định đầu tay trong điều trị ung thư gan nhưng y học cổ truyền cũng góp phần hỗ trợ điều trị. Ung thư gan theo Đông y gọi là Can ái, là tình trạng phát triển quá mức các tế bào ung thư tại gan chèn ép phần bình thường gây rối loạn chức năng, hoại tử và hư hỏng gan.

Theo y học cổ truyền, bản chất của Can ái là tình trạng "bản hư" và "tiêu thực" gây ra đau vùng gan, gan to, sốt, vàng da, rối loạn tiêu hóa. Do đó, những bài thuốc chữa ung thư gan bằng Đông y chủ yếu để điều trị các triệu chứng này. Tuy nhiên, các bài thuốc này cần phối hợp với phương pháp Tây y nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng bệnh, ngăn chặn ung thư gan phát triển.

Ung thư gan theo Đông y gọi là Can ái, là tình trạng phát triển quá mức các tế bào ung thư tại gan.

Ung thư gan theo Đông y gọi là Can ái, là tình trạng phát triển quá mức các tế bào ung thư tại gan.

Các bài thuốc của y học cổ truyền có mục tiêu làm giảm tác hại của hóa xạ trị, tăng cường thể trạng, tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật; Hỗ trợ giảm bớt các tác dụng phụ của phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hạn chế di căn xa, kiểm soát khối u rất tốt; Cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân ăn ngon miệng, ngủ tốt hơn, giảm đau nhức và mệt mỏi.

Sau khi điều trị hóa trị, xạ trị, người bệnh ung thư gan có thể tìm đến y học cổ truyền để điều trị củng cố sức khỏe, phối hợp với y học hiện đại giúp đẩy lùi bệnh một cách tốt nhất.

Việc sử dụng Đông y cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bệnh nhân ung thư nên tìm đến những thầy thuốc, lương y, bác sĩ có kiến thức về y học cổ truyền, được đào tạo, được công nhận, chứng nhận, cấp phép. Tuyệt đối không sử dụng các loại lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh "tiền mất tật mang".

2. Những ai cần tầm soát ung thư gan sớm?

PGS.TS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tỷ lệ các bệnh về gan mật như ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng. Nhiều bệnh nhân ung thư gan không có triệu chứng gì nhưng đến viện thì đã ở giai đoạn rất nặng. Vì thế, vấn đề sàng lọc trên các đối tượng nguy cơ cao hết sức quan trọng.

Tầm soát ung thư gan là biện pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm, kịp thời và đưa ra lựa chọn phương hướng và phác đồ điều trị phù hợp, tăng khả năng điều trị bệnh tận gốc. Đặc biệt là những trường hợp bị viêm gan mạn hoặc xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào. Thông thường chia làm 2 nhóm đối tượng có khả năng mắc ung thư gan cao lần lượt như sau:

Người đang nhiễm virus và các bệnh liên quan đến gan

Tiền sử gia đình có người bị ung thư gan.
Nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.
Viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác: như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,....
Gan nhiễm mỡ không do rượu.

Người mắc các bệnh khác nhưng có nguy cơ bị ung thư gan như các bệnh béo phì, đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị ung thư gan. Người bệnh xơ gan do sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều.

Theo PGS. TS Nguyễn Công Long, viêm gan virus B là yếu tố, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Vì thế, những trường hợp bị viêm gan virus B cần được theo dõi định kỳ, tùy từng đối tượng, mức độ xơ của gan mà cách 3-6 tháng sàng lọc một lần. Bệnh nhân viêm gan B mà có biểu hiện xơ gan mức độ nặng thì cần theo dõi sát hơn, sàng lọc 3 tháng một lần. Với các trường hợp viêm gan virus có xơ gan, thời gian khám sàng lọc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện các tổn thương ung thư gan sớm, từ đó giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh.

Ngoài ra còn những nguyên nhân tự phát gây ung thư gan mà khoa học chưa thể nghiên cứu và giải thích. Do đó, khi có những biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu có màu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da thì cũng nên khám thường xuyên để nhận được lời khuyên của bác sĩ.

3. Cách chăm sóc người bệnh ung thư gan tại nhà

Chăm sóc bệnh nhân ung thư gan tại nhà đòi hỏi sự kiên nhẫn, yêu thương, hỗ trợ từ người thân và người chăm sóc. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng để giúp bệnh nhân ung thư gan cảm thấy thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống:

Tạo môi trường sống thoải mái và an toàn cho bệnh nhân

Người bệnh ung thư cần nghỉ ngơi. Người nhà và những người thân nên ở cạnh bệnh nhân ung thư để cho người bệnh không cảm thấy đơn độc.

Giữ cho nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh.
Đảm bảo nhà cửa an toàn, loại bỏ các nguy cơ gây té ngã hoặc va đập.
Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho bệnh nhân trong sinh hoạt cá nhân.

Bệnh nhân cần nghỉ ngơi nhiều và sẽ dành nhiều thời gian trong phòng riêng, vì vậy hãy mua cho họ sách, tivi hoặc bất cứ thứ gì người bệnh có thể thích; để giữ cho họ bận rộn và có điều kiện tốt để giải trí, thư giãn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có tâm trạng tốt hơn trong quá trình hồi phục.

Người bệnh ung thư gan cần sự chăm sóc của người nhà để không cảm thấy đơn độc.

Người bệnh ung thư gan cần sự chăm sóc của người nhà để không cảm thấy đơn độc.

Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư gan

- Cung cấp cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa. Tăng cường các loại thực phẩm lành mạnh giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe tổng thể như:

Rau xanh và trái cây cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể.
Cung cấp protein cho cơ thể, giúp duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, cung cấp năng lượng chống lại tác dụng phụ của điều trị và phục hồi sau phẫu thuật. Nên chọn thịt gà, cá, thịt nạc hoặc các loại đậu.
Ngũ cốc nguyên hạt giúp cung cấp năng lượng, chất xơ và vitamin B. Nên chọn gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám thay vì ngũ cốc tinh chế.
Trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa: Cung cấp protein, canxi và vitamin D.
Chất béo lành mạnh: Cung cấp năng lượng, vitamin E và giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu. Nên chọn dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt và quả hạch.

- Nên cho bệnh nhân ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, khoảng 5-6 bữa mỗi ngày để dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Chế biến thức ăn mềm, nhừ, dễ tiêu hóa. Nên chế biến thức ăn bằng phương pháp hấp, luộc, nướng thay vì chiên rán. Khuyến khích bệnh nhân uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2 lít.

- Tránh cho bệnh nhân ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Ăn chậm nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa tốt hơn. Tránh ăn quá no hoặc bỏ bữa.

Theo dõi việc dùng thuốc của bệnh nhân

Các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị phải tuân thủ theo một lịch trình. Tất cả các loại thuốc cần được sử dụng đúng liều lượng, đúng lúc theo hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng đơn thuốc của bác sĩ và lập biểu đồ ghi rõ thời gian dùng mỗi loại thuốc, số lượng viên mỗi loại. Lên lịch để ghi lại tất cả các lần điều trị sắp tới, cuộc hẹn với bác sĩ và các ngày khám quan trọng khác.

Trao đổi thường xuyên với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Theo dõi và báo cho bác sĩ về các triệu chứng của bệnh nhân như đau đớn, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa. Nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi họ có bất kỳ thay đổi nào trong tình trạng sức khỏe.

4. Ung thư gan có chữa khỏi được không?

Giai đoạn phát hiện bệnh đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tiên lượng ung thư gan.

Giai đoạn phát hiện bệnh đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tiên lượng ung thư gan.

Tiên lượng của ung thư gan thường xấu, nhất là những trường hợp phát hiện bệnh muộn. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ của y học nên nếu phát hiện sớm ung thư gan thì việc điều trị có nhiều kết quả tốt hơn. Người bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm, chữa bệnh kịp thời.

Khả năng chữa khỏi ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn phát hiện bệnh, kích thước và vị trí của khối u, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và phương pháp điều trị được áp dụng. Khi được phát hiện sớm ở giai đoạn 1 hoặc 2, khả năng chữa khỏi ung thư gan có thể lên tới 70-80%. Tuy nhiên, ở giai đoạn 3 và 4, tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 10-20%.

PGS.TS. Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai

Với những trường hợp phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa được bằng các phương pháp điều trị triệt căn như phẫu thuật, đốt vi sóng, đốt sóng cao tần...

5. Lưu ý với người béo phì, đái tháo đường mắc ung thư gan

Người béo phì, đái tháo đường mắc ung thư gan nguy hiểm hơn nhiều so với người bình thường. Ở người béo phì, do các triệu chứng của ung thư gan thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, người béo phì có thể bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và khiến bệnh phát hiện muộn, dẫn đến tiên lượng xấu hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể nhầm lẫn các triệu chứng của ung thư gan với các biến chứng của bệnh đái tháo đường, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị ung thư gan muộn hơn, gây nguy hiểm tính mạng.

Việc điều trị ung thư gan ở người béo phì, đái tháo đường có thể gặp nhiều khó khăn hơn do họ thường có sức khỏe yếu hơn và dễ gặp các biến chứng trong quá trình điều trị ung thư gan, chẳng hạn như nhiễm trùng, loét da và rối loạn đường huyết. Do đó, người béo phì cần kiểm soát cân nặng tốt vì duy trì cân nặng hợp lý là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa ung thư gan. Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ để giảm nguy cơ biến chứng, bao gồm cả ung thư gan. Cả 2 đối tượng này nên tầm soát ung thư gan định kỳ ít nhất mỗi năm một lần để sớm phát hiện ung thư gan và có phương pháp điều trị kịp thời.

6. Chi phí điều trị ung thư gan tại Việt Nam

Chi phí điều trị ung thư gan tại Việt Nam có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, cơ sở y tế điều trị, các xét nghiệm đi kèm và một số chi phí khác.

Khi bệnh nhân được phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm thì chi phí điều trị thường thấp hơn do các phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn có thể được áp dụng. Các phương pháp như phẫu thuật cắt bỏ khối u nhỏ, xạ trị, hóa trị ở giai đoạn sớm thường rơi vào khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị thường cao hơn do cần áp dụng các phương pháp điều trị phức tạp hơn và các đợt điều trị kéo dài hơn. Khi bệnh nhân sử dụng liệu pháp đích để điều trị ung thư gan thì chi phí cao hơn. Phương pháp cấy ghép gan là tốn kém nhất, lên tới vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.

PGS.TS Nguyễn Công Long lưu ý: Chi phí điều trị ung thư gan khá tốn kém do thuốc đắt đỏ. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt nhưng khi đến viện khám bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, sàng lọc trên đối tượng nguy cơ cao là chìa khóa giải quyết nguy cơ trở nặng, tử vong của bệnh ung thư gan, xơ gan. Để phòng các bệnh về gan, nên tiêm vaccine phòng viêm gan B, thay đổi lối sống tránh thừa cân béo phì, hạn chế bia rượu, tăng cường luyện tập thể dục thể thao...

*Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nên đến gặp trực tiếp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về phương pháp cũng như chi phí điều trị ung thư gan theo từng giai đoạn cụ thể.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-cau-hoi-thuong-gap-ve-benh-ung-thu-gan-169240604165928748.htm