Giảm 15 kg sau 2 tháng phẫu thuật thu nhỏ dạ dày

Nữ bệnh nhân 65 tuổi, béo phì độ ba, không thể giảm cân theo cách thông thường, bác sĩ phẫu thuật thu nhỏ dạ dày và giảm 15 kg sau hai tháng.

Theo lời nữ bệnh nhân, bà cân nặng 97 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) gần 42, béo phì ở mức cao nhất.

Bà thừa cân nhiều năm, gần đây tăng cân mất kiểm soát. Bà còn bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ và lưng, mất ngủ, khiến đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đây là lý do bà không thể chọn được môn thể thao phù hợp để giảm cân.

Theo phân loại với người châu Á, một người có thể trọng bình thường (không phải người mang thai) khi BMI ở mức từ 18,5 đến 23.

Theo phân loại với người châu Á, một người có thể trọng bình thường (không phải người mang thai) khi BMI ở mức từ 18,5 đến 23.

TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thu nhỏ, tạo hình ống dạ dày.

Sau khi gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày thông qua những vết rạch nhỏ ở bụng. Kíp mổ cắt bỏ 80% dạ dày theo dáng đã được xác định bởi ống bougie (dụng cụ định hình thể tích mới của dạ dày), cắt bỏ phình vị chứa ghrelin (hormone kích thích ăn uống), khâu vết thương.

Bác sĩ Hùng giải thích mục đích của thu nhỏ dạ dày là tạo ra sự thâm hụt năng lượng trong cơ thể, cắt bớt thể tích dạ dày giúp người bệnh sau phẫu thuật giảm nhu cầu tiêu thụ thức ăn. Loại bỏ ghrelin để người bệnh kiểm soát cơn thèm ăn hiệu quả.

Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn uống, đi lại bình thường, xuất viện. Hậu phẫu bà phải tuân theo chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp vận động để đạt số cân nặng lý tưởng, cải thiện các chỉ số sức khỏe đi kèm. Một tuần sau, bệnh nhân giảm được 7 kg, sau hai tháng giảm 15 kg, sức khỏe cải thiện rõ rệt.

Tình trạng đau xương khớp giảm, bà có thể đi bộ và ngủ ngon hơn mà không cần đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ. Theo tư vấn của bác sĩ, mục tiêu của bà Hiền là giảm 20 kg trong 6 tháng, 12 tháng khoảng 30 kg.

Bác sĩ Minh Hùng cho biết điều trị béo phì có nhiều kỹ thuật, trong đó phẫu thuật cắt tạo hình ống dạ dày là phương pháp được thực hiện nhiều trên thế giới.

Bệnh nhân thường giảm được 75% lượng cân thừa sau một năm. Đây là phương pháp sau cùng, chỉ định cho người có chỉ số BMI từ 40 trở lên hoặc từ trên 35 và có kèm theo ít nhất một bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, xương khớp… Bác sĩ một số nước châu Á chọn BMI là 37 hoặc 32 kèm bệnh lý chuyển hóa để chỉ định phẫu thuật.

Trước đó, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, cơ sở vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.D, 31 tuổi, cao 1,53m nhưng nặng tới 100 kg. Với thân hình “quá khổ” D., luôn có cảm giác mặc cảm, tự ti, căng thẳng, lo âu và thường xuyên mất ngủ, rất dễ cáu gắt.

Bệnh nhân cho biết từ nhỏ cô đã mũm mĩm hơn các bạn cùng trang lứa, đến tuổi dậy thì cô càng không thể kiểm soát được cân nặng của mình.

Thân hình béo phì khiến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của D. gặp nhiều khó khăn nên D. đã tìm tới nhiều biện pháp giảm cân như luyện tập, ăn kiêng nhưng không hiệu quả. Với chỉ số BMI 43, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức các bác sĩ chẩn đoán cô bị béo phì độ 3.

Theo TS.Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, N.T.D là một trong gần 300 trường hợp béo phì tìm đến các bác sĩ Việt Đức khi không thể kiểm soát được cân nặng, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái tự ti, trầm cảm vì thừa cân, béo phì.

Bệnh nhân D.đến bệnh viện khi béo phì đã ở độ 3, tiểu đường cao (định lượng glucose 9,68 mmol/L), kèm theo bệnh lý đái tháo đường, kinh nguyệt rối loạn.

Với sự tư vấn của các bác sĩ, bệnh nhân D. đã lựa chọn phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng để giảm hấp thu thức ăn vào cơ thể. Phẫu thuật điều trị béo phì đang được xem là phương pháp khá bền vững.

Tình trạng béo phì có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, tâm lý của người bệnh mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiều bệnh tim mạch, các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, tiểu đường type 2, ngưng thở khi ngủ, xương khớp. Béo phì càng lâu nguy cơ cao ảnh hưởng đến cột sống, gây thoái hóa cột sống và đĩa đệm.

Cải thiện cân nặng, các chỉ số sức khỏe đi kèm cũng thay đổi theo hướng tích cực. Bác sĩ Minh Hùng khuyến cáo phòng ngừa béo phì bằng cách điều chỉnh lối sống, duy trì vận động thể lực, cân đối các nhóm dưỡng chất, tính toán năng lượng cung cấp hàng ngày. Nên chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe, mục tiêu và sở thích cá nhân.

Người bệnh cần can thiệp điều trị béo phì nên chọn cơ sở y tế có uy tín, bác sĩ giỏi chuyên môn để phẫu thuật suôn sẻ, phòng biến chứng.

Được biết, theo phân loại với người châu Á, một người có thể trọng bình thường (không phải người mang thai) khi BMI ở mức từ 18,5 đến 23.

Nếu có BMI trong khoảng 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân, tiền béo phì; BMI từ 25 đến 30 được xem là béo phì độ 1; từ 30-35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (năm 2010), lên 19% (năm 2020).

Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Để hạn chế hệ lụy do béo phì gây ra các bác sĩ khuyến cáo, do đây là bệnh lý mãn tính nên cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…

Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.

Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam, theo các bác sĩ là do đời sống của người dân Việt tăng lên hơn trước. Mức sống của người Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn người Việt.

Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt... những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, béo phì là căn bệnh thời hiện đại ngày càng tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo một loạt hệ lụy về các bệnh lý khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, vô sinh, ung thư…

Điều trị các bệnh lý thừa cân, béo phì là một điều trị đa chuyên khoa: Dinh dưỡng, hoạt động thể lực, điều trị thuốc giảm cân, phẫu thuật, tư vấn điều trị tâm lý. Với những bệnh nhân trẻ tuổi cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến chế độ vận động và sức khỏe sinh sản sau này.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-15-kg-sau-2-thang-phau-thuat-thu-nho-da-day-d218962.html