6 đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử
Cho đến nay, con số người nhiễm COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Bệnh dịch viêm đường hô hấp này có liên quan với SARS và MERS đã lan rộng khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia khác bao gồm cả Hoa Kỳ khiến nhiều người lo lắng và lo sợ một đại dịch có thể xảy ra giống như nhiều đại dịch trong quá khứ...
Đại dịch hạch Luân Đôn
Bệnh dịch hạch đã xuất hiện lần đầu tiên ở cấp độ đại dịch vào thế kỷ 14. Đến năm 1665, dịch này xuất hiện lần thứ hai tại Luân Đôn và giảm dần vào năm 1666. Đại dịch hạch Luân Đôn đã giết chết 20% dân số của nước này.
Mặc dù vậy, dịch bệnh này vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, phổ biến hơn ở châu Phi và châu Á nhưng thi thoảng xuất hiện ở các vùng nông thôn ở miền Tây Hoa Kỳ.
Đây là bệnh lý truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn Yersinia pestis. Bệnh diễn tiến cấp tính với biểu hiện nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân nặng nề. Người nhiễm vi khuẩn gây bệnh từ các loại động vật gặm nhấm như thỏ, chuột... thông qua vật trung gian là bọ chét nhiễm khuẩn. Các triệu chứng của bệnh dịch hạch bao gồm sốt khởi phát đột ngột, nhức đầu, ớn lạnh, yếu, có một hoặc nhiều hạch bạch huyết sưng và đau. May mắn thay, các thuốc kháng sinh hiện có có thể điều trị được.
Cúm Tây Ban Nha
Cúm Tây Ban Nha là đại dịch cúm lan rộng khắp thế giới từ năm 1918 - 1919. Nó được gây ra bởi virus H1N1 có nguồn gốc từ chim. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có khoảng 500 triệu người (1/3 dân số thế giới) đã bị nhiễm virus này. Dịch cúm này đã gây ra ít nhất 50 triệu cái chết trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 675.000 người Hoa Kỳ.
Cúm Tây Ban Nha năm 1918 gây tổn thương phổi rất nhanh và nghiêm trọng. Năm 2005, các nhà khoa học đã tái tạo virus cúm năm 1918 để đánh giá khả năng gây bệnh của virus hoặc khả năng gây bệnh, gây hại cho vật chủ. TS. Terrence Tumpey - tác giả nghiên cứu cho hay, virus cúm năm 1918 là sản phẩm độc nhất vô nhị của tự nhiên.
Cúm châu Á
Cúm châu Á bắt đầu ở Đông Á vào năm 1957. Virus cúm này là một chủng H2N2, được phát hiện lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 2/1957. Tháng 4/1957, virus này đã lây lan sang Hồng Kông và các thành phố ven biển ở Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1957. Ước tính có khoảng 1,1 triệu người chết vì cúm châu Á trên toàn thế giới, trong đó có 116.000 người ở Hoa Kỳ.
Đại dịch cúm năm 1968
Đại dịch cúm năm 1968 cũng được gọi là dịch cúm Hồng Kông có nguồn gốc từ Trung Quốc vào tháng 7/1968. Nguyên nhân do virus cúm A/H3N2 gây ra. Đây là đợt dịch cúm thứ ba xảy ra vào thế kỷ 20, giết chết 1 triệu người trên toàn thế giới, trong đó chỉ riêng Hoa Kỳ đã có khoảng 100.000 người.
Người ta tin rằng đại dịch cúm châu Á năm 1957 có thể là nguồn gốc gây ra đại dịch năm 1968 thông qua một quá trình gọi là dịch chuyển kháng nguyên, trong đó có những thay đổi nhỏ đối với gene của virus cúm có thể dẫn đến những thay đổi trên bề mặt các protein của một loại virus HA (hemagglutinin) và NA (neuraminidase) đã kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Đây là lý do tại sao mọi người có thể bị cúm nhiều hơn 1 lần và tại sao tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cần thiết để bảo vệ tốt nhất chống lại virus cúm.
Đại dịch cúm năm 2009
Đại dịch cúm gần đây nhất xảy ra ở Hoa Kỳ. Ban đầu được gọi là cúm lợn xảy ra vào năm 2009 với một loại virus cúm mới, H1N1 - một loại virus chưa được xác định trước đây ở cả động vật và người. Virus này được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ và nhanh chóng lây lan ra cả thế giới. Theo CDC, trong khoảng thời gian từ ngày 12/4/2009 đến ngày 10/4/2010, đã có 60,8 triệu trường hợp nhiễm loại virus này với 274.304 ca nhập viện và 12.469 người chết tại Hoa Kỳ. Ước tính có tới 575.400 người chết trên toàn thế giới.
Theo CDC, đại dịch cúm năm 2009 ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em và người trung niên (người lớn tuổi có khả năng miễn dịch từ một lần phơi nhiễm trước đó với một loại virus tương tự). Đại dịch cúm 2009 kết thúc vào ngày 10/8/2010 nhưng loại virus H1N1 này vẫn tiếp tục lưu hành dưới dạng virus cúm theo mùa, gây bệnh khiến nhiều người nhập viện và tử vong hàng năm trên toàn thế giới.
HIV/AIDS
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) lần đầu tiên được phát hiện vào đầu những năm 1980. AIDS được phát hiện lần đầu tiên trong các cộng đồng đồng tính nam ở Mỹ nhưng nó được cho là đã phát triển từ một loại virus ở tinh tinh từ châu Phi vào những năm 1920. HIV/AIDS đã phát triển thành đại dịch. Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 65 triệu ca nhiễm và 25 triệu ca tử vong vì đại dịch này. Tuy nhiên, hiện nay, với các phương pháp điều trị mới, nhiều người có thể sống chung với HIV. Theo thống kê, có khoảng 1,1 triệu người Mỹ hiện đang mắc bệnh và khoảng 38.000 ca nhiễm HIV mới vẫn xảy ra ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Ngọc Nguyễn
((Theo health.com))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-dai-dich-toi-te-nhat-trong-lich-su-n169337.html