6 dấu hiệu cho thấy bạn có thể là người hướng nội hướng ngoại

Theo các chuyên gia, kiểu tính cách vừa hướng nội vừa hướng ngoại có những điểm mạnh riêng và có những thói quen quan trọng cần tuân theo để có sức khỏe cảm xúc tối ưu.

Dù nhiều người thường nghĩ hướng ngoại gắn với sự cởi mở và hướng nội đồng nghĩa với tính nhút nhát, thực tế, hai loại tính cách này không chỉ đơn giản như vậy. (Nguồn: Vietnam+)

Dù nhiều người thường nghĩ hướng ngoại gắn với sự cởi mở và hướng nội đồng nghĩa với tính nhút nhát, thực tế, hai loại tính cách này không chỉ đơn giản như vậy. (Nguồn: Vietnam+)

Có lẽ bạn từng được hỏi rằng mình là người hướng ngoại hay hướng nội. Thậm chí, bạn có thể đã tự xếp mình vào một trong hai nhóm này.

Dù nhiều người thường nghĩ hướng ngoại gắn với sự cởi mở và hướng nội đồng nghĩa với tính nhút nhát, thực tế, hai loại tính cách này không chỉ đơn giản như vậy.

Heather Duncan, một cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép tại Thriveworks ở Lynchburg, Virginia (Mỹ) giải thích: “Điều đó phụ thuộc vào nơi chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi. Nếu bạn cảm thấy được nạp lại năng lượng khi ở một mình hoặc dành thời gian cho bản thân, đó là dấu hiệu bạn có thể nghiêng về hướng nội. Ngược lại, nếu bạn lấy lại năng lượng từ việc ở bên người khác, bạn có thể thiên về hướng ngoại hơn.”

Tuy nhiên, các nhà trị liệu chia sẻ với HuffPost rằng hiếm ai hoàn toàn là hướng ngoại hay hướng nội tuyệt đối. Theo Duncan, hầu hết mọi người nằm đâu đó trên quang phổ giữa hai tính cách này, hoặc là sự pha trộn của cả hai. Nếu bạn không hẳn thuộc nhóm hướng ngoại mà cũng chẳng hoàn toàn hướng nội, bạn có thể là một “người hướng nội hướng ngoại.”

Duncan mô tả: “Tôi xem người hướng nội hướng ngoại là kiểu người vừa mang đặc điểm hướng nội, vừa có nét hướng ngoại. Một số người gọi đó là hướng nội hướng ngoại - sự kết hợp giữa hai tính cách.”

Marcus Berley, cố vấn sức khỏe tâm thần được cấp phép và giám đốc tại Self Space Therapy ở Seattle (Mỹ), bổ sung: “Đây là người thích giao lưu nhưng cũng cần thời gian một mình để nạp lại năng lượng. Họ có thể tỏ ra hướng ngoại trong một số tình huống, nhưng cuối cùng, họ cần cân bằng giữa việc giao tiếp xã hội và thời gian riêng tư.”

Bạn có thấy mình giống như vậy không? Dưới đây là những hành vi và thói quen phổ biến của người hướng nội hướng ngoại, cùng cách họ chăm sóc sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mình.

1. Bạn cảm thấy thoải mái khi các kế hoạch bị hủy bỏ

Dù ai cũng có thể thấy nhẹ nhõm khi kế hoạch bị hủy vào một ngày mưa, với người hướng nội hướng ngoại, cảm giác này thường xuyên hơn.

Berley, người tự nhận mình thuộc nhóm này, chia sẻ: “Tôi có vẻ rất hướng ngoại, nhưng khi kế hoạch bị hủy, tôi thường cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi nghĩ, ‘Không sao, ai đó đã hủy, vậy là ổn.’ Tôi sẵn sàng ra ngoài, nhưng ở nhà mặc đồ thể thao, chơi với vợ và chú chó lại khiến tôi thực sự vui.”

2. Bạn thích giao lưu, nhưng chọn lọc sự kiện tham dự

Berley cho biết: “Bạn sẽ muốn giao lưu ở mức độ nào đó, thường theo cách của riêng mình.”

 (Nguồn: Vietnam+)

(Nguồn: Vietnam+)

Khác với người hướng ngoại thuần túy, sẵn sàng nhận lời mời bất kỳ, người hướng nội hướng ngoại có những nhu cầu giao tiếp cụ thể.

Họ thường đồng ý tham gia khi sự kiện có quy mô nhỏ hoặc mang một mục đích rõ ràng. Chẳng hạn, nếu bạn yêu nhạc sống, bạn có thể hào hứng đến một lễ hội âm nhạc đông đúc, nhưng lại từ chối một buổi lễ hội bia ồn ào với bạn bè.

3. Bạn thích những cuộc trò chuyện sâu sắc

Không phải ai cũng thoải mái nói về những chủ đề lớn như bài học cuộc sống hay nỗi sợ thầm kín, nhưng với người hướng nội hướng ngoại, đây là kiểu trò chuyện họ yêu thích.

Berley giải thích: “Họ thường thích những cuộc đối thoại sâu hơn là chuyện phiếm.” Ví dụ, tại một bữa tiệc, họ có thể ngồi lại với vài người để bàn luận chuyện ý nghĩa, thay vì đi khắp phòng bắt chuyện với tất cả.

Duncan bổ sung: “Nói chuyện sâu sắc tốn ít năng lượng hơn cho họ so với chuyện phiếm. Dù vậy, họ vẫn có thể giỏi chuyện phiếm, vì họ biết đó là cách dẫn đến những trao đổi chân thực hơn.”

4. Bạn cần thời gian nạp lại năng lượng

Người hướng ngoại dường như không bao giờ hết năng lượng khi giao tiếp, nhưng người hướng nội hướng ngoại lại khác.

Duncan nói: “Họ thích gặp gỡ người mới, nhưng khả năng chịu đựng giao tiếp rộng rãi của họ thấp hơn. Điều này liên quan đến mức năng lượng và cách họ nạp lại nó.”

 (Nguồn: Vietnam+)

(Nguồn: Vietnam+)

Berley thêm vào: “Bạn có thể hòa nhập tốt trong các tình huống xã hội, nhưng sau đó cần thời gian để tái thiết lập.” Họ không phải người kéo dài bữa tiệc mà sẽ về nhà khi cần không gian riêng để hồi phục.

5. Bạn có những mối quan hệ sâu sắc, không hời hợt

Theo Duncan, người hướng nội hướng ngoại thường xây dựng mối quan hệ sâu sắc với bạn bè và gia đình, thay vì duy trì một nhóm người quen rộng lớn. Họ chọn lọc người để gắn bó, vì không phải ai cũng đáng để họ bỏ năng lượng tìm hiểu. Duncan nói: “Họ có thể thích giao lưu, nhưng họ thường nghĩ là thà ở một mình còn hơn tham gia những tương tác không đầy đủ.”

6. Bạn có thể từng bị nhầm là người hướng ngoại

Berley cho biết người hướng nội hướng ngoại thường bị hiểu lầm là hướng ngoại thuần túy, bởi họ năng động trong các tình huống xã hội, thích tụ tập và dễ dàng trò chuyện.

Tuy nhiên, ông lưu ý: “Tôi không xuất hiện trong các bối cảnh xã hội thường xuyên như người hướng ngoại. Và bạn không thấy tôi trong lúc hồi phục, vì tôi ở một mình.” Điều này khiến người khác dễ hiểu sai về tính cách của họ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/6-dau-hieu-cho-thay-ban-co-the-la-nguoi-huong-noi-huong-ngoai-post1023985.vnp