6 dấu hiệu về đêm cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề

Nếu nhận thấy mình có 1 trong 6 hoặc cả 6 dấu hiệu này, bạn nên cẩn trọng và thăm khám nếu các triệu chứng kéo dài.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình trạng sức khỏe có thể được tiết lộ qua một số triệu chứng về đêm. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể xuất hiện khi bạn đang ngủ nên khó nhận biết.

Dưới đây là 6 dấu hiệu về đêm cảnh báo sức khỏe bạn đang có vấn đề:

1. Ngủ ngáy

Ngáy là một tình trạng phổ biến có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nó xảy ra khi không khí không thể lưu thông dễ dàng qua mũi hoặc miệng của bạn. Ngáy nhẹ hoặc thỉnh thoảng thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Nhưng ngáy mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe như đột quỵ và đau tim.

Đặc biệt, ngáy to và chói tai có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ - một tình trạng khiến bạn ngừng thở khi ngủ. Nếu chứng ngáy xảy ra kết hợp với các cơn ngưng thở (thở hổn hển khi ngủ) và các triệu chứng khác như mệt mỏi hoặc khó chịu thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến tăng huyết áp. Mỗi khi một người ngừng thở trong vài giây, hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể sẽ hoạt động và làm tăng huyết áp. Nghiêm trọng hơn, ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây ra tình trạng đột tử khi ngủ.

Cách kiểm soát tình trạng ngủ ngáy

Ngủ ngáy không những gây khó chịu cho người ngủ cùng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Nếu bạn ngáy thường xuyên và tiếng ngáy rất to, bạn nên có những thay đổi để kiểm soát tình trạng này:

- Thay đổi lối sống: Thay đổi tư thế ngủ, tránh đồ uống có chứa cồn và duy trì cân nặng cân đối có thể làm giảm chứng ngáy.

- Đeo miếng dán mũi: Có thể giúp giữ cho đường mũi của bạn luôn thông thoáng.

- Đeo thiết bị chống ngáy ở miệng: Giúp hàm của bạn ở đúng vị trí để không khí có thể lưu thông.

Ngoài ra, còn tùy vào các nguyên nhân khác, bạn có thể cần sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị chứng ngáy.

2. Đi tiểu nhiều

Tiểu đêm đôi khi có thể do bạn uống quá nhiều nước hoặc rối loạn giấc ngủ hay do tuổi già. Nhưng nếu trước khi đi ngủ bạn uống ít nước và tình trạng này kéo dài, đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn như:

- Đa niệu (cơ thể bạn sản xuất quá nhiều nước tiểu mà bàng quang không thể giữ được)

- Bệnh tiểu đường

- Huyết áp cao

- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc tắc nghẽn tuyến tiền liệt

- Bệnh tim hoặc suy tim sung huyết

- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc các rối loạn giấc ngủ khác

- Sa cơ quan vùng chậu

- Hội chứng chân tay bồn chồn

- Phù nề

Không chỉ cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, tiểu đêm làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, nếu kéo dài có thể khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi và kéo theo nhiều tình trạng khác.

Cách điều trị tiểu đêm

Để điều trị chứng tiểu đêm, bạn cần phải tìm ra nguyên nhân và điều trị nguyên nhân đó. Một số biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm chứng tiểu đêm:

- Hạn chế uống nước vào buổi tối (đặc biệt là đồ uống có chứa caffeine).

- Dùng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng hoặc ít nhất sáu giờ trước khi đi ngủ.

- Ngủ trưa. Những giấc ngủ ngắn cho phép máu hấp thụ chất lỏng, nghĩa là bạn sẽ cần đi vệ sinh sau một giấc ngủ ngắn. Điều này có thể làm giảm số lần bạn phải đi vệ sinh vào ban đêm.

- Nâng cao chân khi bạn đang ngồi ở nhà. Điều này giúp phân phối chất lỏng.

- Vật lý trị liệu sàn chậu để tăng cường cơ sàn chậu của bạn.

- Mang vớ nén cũng giúp phân phối chất lỏng.

3. Đổ mồ hôi

Bạn có thể đổ mồ hôi vào ban đêm vì một trong nhiều lý do, bao gồm cả việc nằm ngủ quá nhiều hoặc bị sốt. Hầu hết những người bị đổ mồ hôi ban đêm có thể không có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng - đặc biệt nếu tình trạng đổ mồ hôi ban đêm của họ ở mức độ nhẹ, xảy ra ít và không đi kèm với các triệu chứng ban ngày.

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đổ mồ hôi vào ban đêm, điều này có thể do một số tình trạng tiềm ẩn như:

- Bệnh truyền nhiễm: lao hoặc HIV

- Nhiễm trùng: cảm lạnh, cảm cúm,...

- Bệnh nội tiết: Cường giáp, khối u nội tiết và tiểu đường

- Rối loạn thần kinh: Bao gồm chứng khó phản xạ tự chủ, bệnh lý thần kinh tự chủ (tổn thương dây thần kinh tự chủ), bệnh rỗng tủy (u nang ở tủy sống) và đột quỵ

- Ung thư: Bao gồm bệnh bạch cầu (ung thư máu và tủy xương) và ung thư hạch (ung thư tế bào máu)

- Rối loạn giấc ngủ: chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

- Bệnh tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Cách kiểm soát chứng đổ mồ hôi về đêm

Cách điều trị đổ mồ hôi về đêm tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Nhưng một số biện pháp có thể giúp bạn giảm mồ hôi, cảm thấy dễ chịu và dễ ngủ hơn:

- Uống một chút nước trước khi đi ngủ

- Sử dụng gối và vỏ nệm có chứa gel làm mát

- Mặc bộ đồ ngủ rộng rãi, nhẹ, bằng vải cotton hoặc vải lanh khi đi ngủ

- Tập thể dục hàng ngày bằng cách đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe,...

- Sử dụng ga trải giường nhẹ, nhiều lớp mà bạn có thể tháo ra khi cần vào ban đêm

- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách sử dụng các kỹ thuật thở sâu, thư giãn và thiền định

- Sử dụng quạt trong phòng ngủ, mở cửa sổ khi ngủ hoặc bật điều hòa

- Tránh các tác nhân gây đổ mồ hôi ban đêm thông thường như rượu, thức ăn cay, caffeine và thuốc lá hoặc tập thể dục ngay trước khi đi ngủ

4. Nghiến răng

Nghiến răng khi ngủ là tình trạng phổ biến, nghiến răng hầu hết đều không phải do nguyên nhân nghiêm trọng nhưng một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra triệu chứng này. Tuy nhiên, nghiến răng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề khớp thái dương hàm, mòn răng,...

Nghiến răng thường do căng thẳng hoặc lo lắng, thói quen sinh hoạt nhưng những người nghiến răng khi ngủ cũng có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Như đã đề cập, chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, đột tử,...

Cách kiểm soát chứng nghiến răng khi ngủ

Không phải tất cả mọi người mắc chứng nghiến răng khi ngủ đều cần điều trị, nhưng khi thường xuyên có các triệu chứng đau đầu vào buổi sáng và đau hàm, ngủ không ngon giấc hoặc có nguy cơ gây tổn thương răng lâu dài, bạn có thể cần điều trị và kiểm soát bằng một số biện pháp như:

- Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng

- Giảm căng thẳng

- Thay đổi lối sống

- Sử dụng thuốc

5. Chảy nước dãi

Chảy nước dãi khi ngủ có thể là do tiết quá nhiều nước bọt, thở bằng miệng và nước bọt thoát ra ngoài hoặc khó nuốt. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc, cũng như một số tình trạng sức khỏe như:

- Nghẹt mũi

- Ngưng thở khi ngủ

- Tình trạng thần kinh: đột quỵ, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson, bại não

- Trào ngược dạ dày thực quản

- Vấn đề răng miệng: sâu răng, viêm nướu,...

Cách kiểm soát tình trạng chảy nước dãi

Nếu không bị chảy nước dãi thường xuyên thì bạn không cần điều trị. Nhưng nếu bị chảy nước dãi quá mức bạn nên:

- Thay đổi tư thế ngủ và ngủ ngửa

- Hỏi ý kiến của bác sĩ về về việc dùng thuốc nếu chảy nước dãi là tác dụng phụ của thuốc

- Điều trị dị ứng để bạn có thể thở dễ dàng hơn bằng mũi

- Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng các thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp và có thể là phẫu thuật

- Sử dụng thuốc uống theo ₫ơn và miếng dán theo đơn để giúp kiểm soát tình trạng chảy nước dãi nếu bạn có bệnh lý thần kinh tiềm ẩn

- Kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày thực quản - GERD bằng cách thay đổi lối sống và có thể là phẫu thuật

6. Tỉnh giấc giữa đêm

Tỉnh giấc giữa đêm hầu hết đều do môi trường ngủ, lo lắng, sử dụng caffeine hoặc do lối sống. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan nếu như thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, đây có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe như:

- Hội chứng ngưng thở khi ngủ

- Các vấn đề đường hô hấp trên

- Tiểu đường

- Bàng quang hoạt động quá mức

- Hội chứng chân không yên

Cách kiểm soát tình trạng tỉnh giấc giữa đêm

Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến bạn tỉnh giấc trong đêm để có những hướng điều trị phù hợp. Dưới đây là một vài biện pháp giúp bạn kiểm soát và phòng ngừa thường tình trạng thường xuyên tỉnh giấc trong đêm:

- Giữ cho phòng ngủ thoáng đãng, mát mẻ và tránh để đèn ngủ quá sáng

- Giữ cho tinh thần thoải mái trước khi đi ngủ bằng cách thiền, yoga, nghe nhạc nhẹ nhàng,...

- Tránh sử dụng rượu bia và caffein, đặc biệt vào buổi chiều và tối

- Không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ

- Điều trị các tình trạng bệnh lý gây ra tình trạng thức giấc giữa đêm.

Nguồn: Tổng hợp

Vân Anh - Ảnh: SKHN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/6-dau-hieu-ve-dem-canh-bao-suc-khoe-dang-co-van-de-20240504101510411.htm