6 dự án 'giải cứu' giao thông cảng biển TP.HCM

TP.HCM cần hơn 27.000 tỉ đồng để thực hiện sáu tuyến đường giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển.

Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét, bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông trục chính kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển TP.

Trong đó, TP.HCM có sáu dự án giao thông kết nối cảng biển nhằm giảm ùn tắc giao thông và đồng bộ với việc thu phí hạ tầng xung quanh khu vực cảng từ đầu tháng 7 năm nay.

Nút giao Mỹ Thủy là một trong sáu dự án được Sở GTVT đề xuất cấp bách đầu tư để kết nối cảng biển TP. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Nút giao Mỹ Thủy là một trong sáu dự án được Sở GTVT đề xuất cấp bách đầu tư để kết nối cảng biển TP. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Ba nhóm dự án cần được ưu tiên

Theo Sở GTVT, hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Qua rà soát tính cấp thiết đầu tư các dự án, Sở GTVT cho rằng có sáu dự án giao thông phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển. Sáu dự án cần số vốn khoảng 27.488 tỉ đồng để đầu tư xây dựng và chia thành ba nhóm.

Cụ thể, nhóm đang triển khai thi công có dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức). Dự án đã hoàn thành các công trình thuộc giai đoạn 1. Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai các công trình thuộc giai đoạn hoàn thiện theo quy hoạch. Dự án đang có vướng mắc do dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập, tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Nhóm đề xuất chủ trương đầu tư có hai dự án (đoạn 1, 2) của tuyến vành đai 2 (TP Thủ Đức). Dự án đã được UBND TP cho phép lập, trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Các đoạn này sẽ giúp kết nối các tuyến đường vành đai phía đông, trục đường xa lộ Hà Nội với đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 1A.

Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao Bình Thái có tổng mức đầu tư 9.047 tỉ đồng, quy mô xây dựng hai đường song hành hai bên cho sáu làn xe. Đoạn 2 từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 5.569 tỉ đồng, quy mô sáu làn xe.

Nhóm dự án đề xuất mới có ba dự án gồm: Xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm) với tổng mức đầu tư 7.013 tỉ đồng; dự án xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía đông (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức), tổng mức đầu tư 1.219 tỉ đồng; dự án xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía đông (từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - vành đai 2, TP Thủ Đức), tổng mức đầu tư 1.018 tỉ đồng.

Cần hạch toán vào chi phí logistics

Theo Sở GTVT, việc ưu tiên các tuyến đường giao thông trục chính kết nối cảng biển nhằm sớm triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. Từ đó tạo sự đồng thuận, chấp hành của các cá nhân, đơn vị thuộc đối tượng thu phí trong quá trình triển khai.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá: “Việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường kết nối vào cảng ở TP.HCM là rất quan trọng. Điều này tạo điều kiện để phát huy vai trò của cảng và giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến cảng. Sáu tuyến đường mà Sở GTVT kiến nghị là phù hợp, tuy nhiên về phát triển cảng Cát Lái thì cần nhanh chóng làm các tuyến đường vành đai 2, 3 để hướng đến cấm xe tải vào xa lộ Hà Nội.

Theo TS Cương, tương ứng với sự phát triển của đô thị hiện đại TP Thủ Đức thì xa lộ Hà Nội là tuyến đường xuyên tâm, nếu để tình trạng xe tải lưu thông quá nhiều thì không hợp lý. TP cần tính toán thêm việc sớm làm cầu Cát Lái nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai) để giải quyết nguồn hàng từ cảng Cát Lái theo hướng tránh xe vào trung tâm TP Thủ Đức.

TS Cương cho biết việc làm đường kết nối phải tính hạch toán vào chi phí logistics. Hiện nay chi phí logistics ở TP.HCM khá cao, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu, cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, TP cần tìm cách hạ giá, trong đó có hạ giá thu phí cảng.

“Nếu tưởng thu phí cao thì phục vụ tốt cho việc xây đường nhưng coi chừng ảnh hưởng đến giá thành của logistics. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng và sự phối hợp chặt chẽ giữa kinh tế biển và kinh tế cảng để phát triển ngành logistics” - ông Cương nhận định.

Ngược lại, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng vấn đề đồng bộ các tuyến đường kết nối vào cảng đúng ra phải làm từ lâu, để đến bây giờ đã chậm. Nếu làm cảng mà không có giao thông thì cảng không có tác dụng gì.

Theo kiến trúc sư Sơn, khi làm cảng và các tuyến giao thông kết nối phải nằm trong một dự án không thể tách rời. Không chỉ làm đường giao thông nối cảng mà TP nên lập dự án những kết nối với cảng theo hướng logistics (từ các kho hàng, bến, cảng hạ tầng đầu mối). Kế hoạch này cần được nghiên cứu từ logistics thì mới đầy đủ, vì làm giao thông cắt khúc mà không thông suốt thì sẽ giống như mắt xích bị đứt giữa chừng.

Giãn tiến độ các dự án giai đoạn 2016-2020

Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT ưu tiên cân đối bố trí vốn đối với các dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Đồng thời, Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP giao nhiệm vụ Sở GTVT lập đề xuất chủ trương đầu tư công theo quy định đối với nhóm các dự án đề xuất mới.

Trong trường hợp khả năng cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 khó khăn, Sở GTVT kiến nghị TP giao Sở KH&ĐT tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan đề xuất UBND TP quyết định ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 (trường hợp các dự án này chưa được quyết định đầu tư, chưa mang tính cấp bách để xem xét ưu tiên đầu tư).

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/6-du-an-giai-cuu-giao-thong-cang-bien-tphcm-978927.html