'6 hơn' trong quan hệ Việt -Trung dưới góc nhìn mở lối thương mại: Bài 1 - Đột phá lịch sử

Từ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối, Bộ Công Thương Việt Nam đã nỗ lực mở lối phát triển thương mại Việt -Trung đạt được đột phá lịch sử

Lời tòa soạn: Quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển sâu sắc, toàn diện và đi vào thực chất như hiện nay. Sự hợp tác, thực chất, đi vào chiều sâu giữa hai nước càng được phản ánh sinh động thông qua phương châm "6 hơn" và 16 văn kiện hợp tác được các Bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8/2024 vừa qua.

Đáng chú ý, trong số 16 văn kiện hợp tác ký kết vừa qua, tại Trung Quốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc là nhằm triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc và thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền các địa phương Trung Quốc. Đây cũng được coi là mô hình điểm trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, mở ra những cơ hội mới, mang lại lợi ích to lớn cho các địa phương hai nước.

Để làm rõ hơn về mô hình hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với các Bộ ngành, địa phương Trung Quốc, Nhóm Phóng viên Báo Công Thương đã thực hiện loạt bài viết với chủ đề: “'6 hơn trong quan hệ Việt -Trung dưới góc nhìn mở lối thương mại” để làm nổi bật những vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước theo chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước.

Từ tầm nhìn chiến lược mang tính thời đại

Sinh thời, trong quá trình đi tìm con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành suy nghĩ về vấn đề mở cửa, hội nhập quốc tế. Trên báo L’Humanite (ngày 2/8/1919), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "... Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ đã dành thời gian suy nghĩ đến việc mở rộng quan hệ quốc tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tư tưởng chiến lược kinh tế mở được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tập trung, đầy đủ và rõ ràng nhất trong bức thư "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" (tháng 12/1946), với những nội dung chính: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Bác Hồ thăm hữu nghị Trung Quốc, ngày 25/6/1955. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Bác Hồ thăm hữu nghị Trung Quốc, ngày 25/6/1955. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Đối với Trung Quốc, một nước láng giềng lớn có vị trí vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm xây dựng: "Mối tình thắm thiết Việt – Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”. Những năm 60 của thế kỷ 20, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhiều mâu thuẫn, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng, đề cao chính sách “thân thiện, hợp tác”, “đồng chí, anh em” với Trung Quốc.

Chính vì thế mà trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu nhắc lại, nhấn mạnh những năm tháng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nên “mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”. Hai nhà lãnh đạo cũng một lần nữa khẳng định phương hướng “6 hơn” nổi bật trong thành tựu quan hệ hợp tác giữa hai nước, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng.

Đến vai trò hợp tác kinh tế thương mại trong "6 hơn"

Trong 6 hơn ấy, nội dung "hợp tác thực chất sâu sắc hơn" có một nội hàm quan trọng, bao trùm, chính là hợp tác kinh tế - thương mại, một điểm sáng nổi bật, một mô hình tiêu biểu, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt dòng chảy lịch sử chủ lưu của quan hệ hai nước suốt nhiều thập kỷ qua. Mô hình ấy được đơm hoa, kết trái từ những chủ trương, đường lối và giải pháp phát triển kinh tế, thương mại của hai Đảng, hai nước và ngành Công Thương hai nước.

Trong một bài viết ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ đã phân tích rất rõ tư duy mới về đường lối hội nhập của Đảng với "tư duy về không gian và các trọng điểm chiến lược của đất nước cũng được thể hiện rất rõ, đó là các nước láng giềng, khu vực tiểu vùng Mekong, ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, các nước lớn và các đối tác quan trọng…".

Tinh thần đó tiếp tục được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định gần đây: "Phát triển quan hệ với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam".

Trong cuộc hội đàm giữa hai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gần đây, vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục được nhắc đến như một trong những chủ điểm quan trọng nhất, có nhiều điểm nhấn và giải pháp thiết thực nhất.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới, tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, mở rộng các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc. Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong bản tuyên bố chung giữa hai nước đã có rất nhiều nội dung khẳng định sự tăng cường hợp tác kinh tế thương mại như: "Tích cực nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cùng xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định.

Phát huy tốt vai trò của “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); sử dụng tốt các nền tảng về thương mại điện tử, hội chợ triển lãm; tăng cường hợp tác hải quan, mở rộng xuất khẩu hàng hóa thế mạnh của nước này sang nước kia. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc. Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định, tích cực hoan nghênh đề nghị gia nhập RCEP của Khu hành chính đặc biệt Hồng Công thuộc Trung Quốc...".

Tại Trung Quốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tại Trung Quốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Được biết, Trung Quốc là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm. Trong 72 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Ba văn kiện và chặng đường dài mở lối thương mại của Ngành Công Thương

Theo đánh giá, quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển sâu sắc, toàn diện và đi vào thực chất như hiện nay. Sự hợp tác, thực chất, đi vào chiều sâu giữa hai nước càng được phản ánh sinh động thông qua 16 văn kiện hợp tác được các Bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8/2024 vừa qua.

Đáng chú ý, trong số 16 văn kiện hợp tác ký kết vừa qua, tại Trung Quốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các văn kiện hợp tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký kết bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Có thể nói, việc ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc là nhằm triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc và thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền các địa phương Trung Quốc.

Đây cũng được coi là mô hình điểm trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, mở ra những cơ hội mới, mang lại lợi ích to lớn cho các địa phương hai nước và đúng như tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu ngành Công Thương “sự gần gũi về mặt địa lý là một thuận lợi, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh là những rào cản đối với doanh nghiệp hai nước trong quá trình xây dựng quan hệ kinh doanh tin cậy và bền vững, vì vậy điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên”.

Đặc biệt, thông qua các bản ghi nhớ hợp tác với các địa phương nêu trên, Bộ Công Thương đang là một trong những Bộ, ngành đi đầu cả nước trong việc tiên phong thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước, đúng với mục tiêu về hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nỗ lực của hai Bộ trưởng và những con số lịch sử

Hiện nay, trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, bảo đảm những nguyên tắc trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho việc mở rộng kinh tế đối ngoại. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, Bộ đã liên tục ban hành những công văn chỉ đạo đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hội nhập. Gần đây nhất, đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-BCT về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.

Mục tiêu chung của Quyết định này là tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030. Đồng thời, cụ thể hóa và phân công nhiệm vụ cho các Cục, Vụ, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết.

Bước sang năm 2024, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) diễn ra tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Ảnh: Nguyên Minh

Bước sang năm 2024, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) diễn ra tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Ảnh: Nguyên Minh

Xác định Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực, quan trọng hàng đầu của Việt Nam, từ đầu nhiệm kỳ năm 2021 đến nay, với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này.

Nhớ lại năm 2021, khi mới đảm nhiệm trọng trách Tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng phải đối diện với bài toán khó, làm sao để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn Trung Quốc đang bị đóng băng bởi đại dịch Covid-19. Một trong những cuộc làm việc đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc - Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào chính là cuộc điện đàm đầu tháng 6/2021. Trong điện đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi thông quan cho các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, nhất là những mặt hàng chuẩn bị vào cao điểm thu hoạch; cùng đó, đề nghị cơ quan chức năng hai nước tại các cửa khẩu xem xét thực hiện một số biện pháp như rút ngắn thời gian thông quan, mở "luồng xanh", thực hiện "hẹn giờ thông quan từ xa" 24h/24h...

Tiếp đến, năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Tại đây, Bộ trưởng đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sang thị trường Trung Quốc, góp phần cải thiện tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Liên tiếp trong tháng 11 và 12/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tiếp đó, trực tiếp chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, nhằm đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.

Bước sang năm 2024, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) diễn ra tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Tại đây, hai Bộ trưởng đã cùng chung suy nghĩ và tâm huyết, viết chung câu chuyện: Thúc đẩy kinh tế thương mại hai nước.

Hai Bộ trưởng cùng khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã có những bước cải thiện tích cực trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.

Từ cuộc gặp gỡ này, hai Bộ trưởng đã trực tiếp trao đổi, thống nhất nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc. Đặc biệt là những giải pháp hiện thực hóa Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc…

Ấn tượng nhất phải kể đến tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Ủy ban) ngày 27/11/2023 tổ chức ở Việt Nam, hai Bộ trưởng đã có nhiều chia sẻ, phối hợp sâu sắc.

Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Từ những chỉ đạo, quyết liệt của Tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và người đồng cấp - Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào có thể nói, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay. Hợp tác giữa hai nước duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu.

Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt kim ngạch 38,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, đây cũng là mức kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng sang Trung Quốc cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2024, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 1 đạt 11,88 tỷ USD, tăng 63,64% (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,62 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD). Có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc năm qua là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm…

Còn nữa...

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/6-hon-trong-quan-he-viet-trung-duoi-goc-nhin-mo-loi-thuong-mai-bai-1-dot-pha-lich-su-348100.html