6 loại trà chống viêm, kéo dài tuổi thọ tốt nhất
Nhiều loại trà chứa chất chống oxy hóa có thể giúp chống viêm, nâng cao sức miễn dịch của cơ thể.
Nội dung
1. Trà đen có thể kéo dài tuổi thọ
2. Trà xanh giúp tim khỏe mạnh
3. Trà bạc hà có đặc tính chống ung thư
4. Trà gừng bảo vệ đường ruột
5. Trà nghệ có thể điều trị viêm khớp
6. Trà hoa cúc có thể làm thư giãn
Trà là đồ uống có tác dụng giảm viêm nhờ vào chất chống oxy hóa mạnh mẽ của nó. Viêm có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe mạn tính khác như đái tháo đường, tim mạch…
Tham khảo một số loại trà có tác dụng chông viêm như trà xanh, trà đen, trà gừng, trà hoa cúc… giúp cơ thể tăng cường khả năng chống lại bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
1. Trà đen có thể kéo dài tuổi thọ
Mặc dù trà đen không nổi bật về hương vị nhưng trong một nghiên cứu của Annals of Internal Medicine năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống hai tách trà đen trở lên mỗi ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn từ 9% đến 12% trong thời gian nghiên cứu kéo dài 11 năm. Quá trình lên men biến lá trà xanh thành trà đen tạo ra các flavonoid khác nhau, được gọi là theaflavin và thearubigin. Mặc dù lý do vẫn chưa được hiểu rõ nhưng flavonoid có thể làm giảm viêm, do đó cải thiện quá trình chuyển hóa glucose và chức năng insulin, có liên quan đến sức khỏe tốt hơn.
2. Trà xanh giúp tim khỏe mạnh
Với hàm lượng caffeine thấp hơn cà phê, có thể nhâm nhi trà xanh trong suốt cả ngày miễn là không uống quá nhiều. Loại trà xanh có nguồn gốc từ cây Camellia sinensis cung cấp các catechin quan trọng (hợp chất thực vật mạnh mẽ chịu trách nhiệm cho các lợi ích sức khỏe của nó). Epigallocatechin-3-gallate (EGCG) đã được nghiên cứu về tác dụng bảo vệ có thể chống lại bệnh tim và ung thư.
3. Trà bạc hà có đặc tính chống ung thư
Trà bạc hà không chỉ là thức uống hấp dẫn với menthol, mang lại cảm giác mát lạnh khi nhấp một ngụm trà bạc hà mà còn có tác dụng ngăn ngừa tình trạng viêm có thể liên quan đến ung thư (theo một bài báo nghiên cứu của Nutrients vào năm 2024). Lá bạc hà chứa các hợp chất chống viêm, chủ yếu là eriocitrin cũng như acid rosmarinic và hesperidin.
Tuy cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa, đặc biệt là các nghiên cứu lâm sàng trên người nhưng những hợp chất này được biết là có tác dụng ngăn ngừa tình trạng viêm và cho thấy một số hứa hẹn chống ung thư trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Chắc chắn, điều đó không biến trà bạc hà thành phương pháp điều trị ung thư nhưng việc đưa trà bạc hà vào chế độ ăn uống lành mạnh nói chung là có lợi.
4. Trà gừng bảo vệ đường ruột
Củ gừng chứa phenol, gồm các hợp chất như gingerol và shogaol. Ngoài việc làm dịu cơn buồn nôn và chứng khó tiêu, một bài đánh giá của Frontiers in Nutrition năm 2022 cho thấy những chất chống oxy hóa mạnh mẽ này cũng có thể bảo vệ chống lại các tình trạng thần kinh bao gồm bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa. Uống một cốc trà gừng sau khi tập luyện vất vả có thể giúp giảm viêm sau khi tập luyện.
5. Trà nghệ có thể điều trị viêm khớp
Đã có một số cơ sở khoa học nói đến việc giảm đau trong các tình trạng như viêm khớp từ nghệ. Thành phần chính trong nghệ là curcumin, hợp chất tạo nên màu vàng của gia vị này. Trong một bài đánh giá năm 2020 trên Frontiers in Pharmacology, các nhà nghiên cứu đã trích dẫn tác dụng chống viêm mạnh mẽ của curcumin.
Vấn đề duy nhất là cơ thể không dễ dàng hấp thụ curcumin và bạn cần liều lượng cao hơn (khoảng 1.000 mg curcumin) để thấy được lợi ích. Tuy nhiên, việc bổ sung nghệ làm gia vị cho món ăn hoặc thêm vào trà là một phần thông minh trong chế độ ăn chống viêm.
6. Trà hoa cúc có thể làm thư giãn
Trà hoa cúc là thức uống được khuyến khích trước khi đi ngủ, loại trà không chứa caffeine này có tác dụng làm dịu theo nhiều cách. Các hóa chất như chamazulene, alpha-bisabolol và apigenin góp phần tạo nên đặc tính chống viêm của trà hoa cúc, hoạt động như một chất ức chế COX-2 (một loại thuốc chống viêm được kê đơn để điều trị đau). Uống một tách trà cúc vào ban đêm có thể là thuốc thư giãn tuyệt vời cho cơ thể và tâm trí. Trà hoa cúc cũng giúp làm dịu tiêu chảy, loét dạ dày, buồn nôn và đầy hơi.