6 lời khuyên cho mẹ bầu mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ

Kiểm soát không tốt bệnh đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. 6 lời khuyên sau giúp mẹ bầu quản lý tốt bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là một loại bệnh đái tháo đường phát triển trong thời kỳ mang thai ở những phụ nữ chưa mắc bệnh đái tháo đường từ trước. Hàng năm, ở Việt Nam có khoảng 20% trường hợp mang thai bị ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường thai kỳ. Kiểm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ giúp đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ an toàn và thai nhi khỏe mạnh.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện vào giữa thai kỳ và thường được các bác sĩ kiểm tra trong khoảng từ 24 đến 28 tuần của thai kỳ.

Thông thường bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể được kiểm soát thông qua ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên hoặc cũng có khi mẹ bầu phải dùng thuốc điều trị đái tháo đường insulin.

1. Các vấn đề của bệnh đái tháo đường thai kỳ

Mẹ bầu kiểm soát tốt đái tháo đường thai kỳ giúp đảm bảo có một thai kỳ an toàn và thai nhi khỏe mạnh.

Mẹ bầu kiểm soát tốt đái tháo đường thai kỳ giúp đảm bảo có một thai kỳ an toàn và thai nhi khỏe mạnh.

Lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt ở phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến các vấn đề cho mẹ bầu và thai nhi.

Thai quá to

Bệnh đái tháo đường thai kỳ không được kiểm soát tốt khiến lượng đường trong máu của thai nhi cao. Em bé phát triển quá to gây khó chịu cho mẹ bầu trong vài tháng cuối của thai kỳ, và có thể dẫn đến các vấn đề trong quá trình sinh nở cho cả mẹ và bé. Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh hoặc mẹ không thể sinh thường mà cần phải sinh mổ. Em bé có thể được sinh ra với tổn thương thần kinh do áp lực trong khi sinh.

Mổ lấy thai

Mẹ bầu mắc bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có nhiều khả năng phải sinh mổ. Khi sinh mổ, mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau sinh.

Tiền sản giật

Đái tháo đường type 1 hoặc type 2 là một trong những nguyên nhân gây tiền sản giật. Tiền sản giật còn được gọi là nhiễm độc thai nghén, thường gặp ở thai phụ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đặc trưng nhất của hội chứng này là cao huyết áp, tăng mức protein trong nước tiểu, phù mặt, tay và chân.

Tiền sản giật nếu không được kiểm soát sớm thì hậu quả có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sinh non, trẻ chào đời thiếu cân, tính mạng của thai nhi và thai phụ bị đe dọa, tổn thương thận, bệnh thận mạn, tai biến mạch máu não, tử vong,...

Đường huyết thấp (hạ đường huyết)

Nếu mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ dùng insulin hoặc các loại thuốc trị đái tháo đường khác không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ có thể khiến lượng đường trong máu quá thấp. Lượng đường trong máu thấp có thể rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng. Có thể tránh được lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng nếu mẹ bầu được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và điều trị sớm lượng đường trong máu thấp,

Bệnh đái tháo đường của mẹ bầu không được kiểm soát tốt trong thời kỳ mang thai, em bé có thể bị hạ đường huyết rất nhanh sau khi sinh. Lượng đường trong máu của em bé sẽ phải được theo dõi sát sao trong vài giờ sau khi sinh.

Phát triển bệnh đái tháo đường type 2 sau này trong cuộc sống

Lượng đường trong máu thường sẽ trở lại bình thường sau khi sinh con. Tuy nhiên, khoảng 50% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2. Mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ có thể giảm nguy cơ bằng cách đạt được trọng lượng cơ thể khỏe mạnh sau khi sinh. Do đó, phụ nữ nên đến bệnh viện để kiểm tra lượng đường trong máu từ 6 đến 12 tuần sau khi sinh con và sau đó cứ sau 1 đến 3 năm kiểm tra lại để đảm bảo mức đường huyết ở mức mục tiêu.

2. Lời khuyên dành cho mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ

Dưới đây là 6 lời khuyên giúp mẹ bầu quản lý tốt bệnh đái tháo đường thai kỳ:

Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe

Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo tốt cho mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ.

Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo tốt cho mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ.

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ nên có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, làm sao vừa đảm bảo đủ dưỡng chất cho các hoạt động thể chất của mẹ bầu, vừa đảm bảo dinh dưỡng để thai nhi phát triển mà vẫn ổn định đường huyết.

Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần một chuyên gia dinh dưỡng giúp tư vấn, lập kế hoạch bữa ăn lành mạnh, có lợi cho sức khỏe để kiểm soát lượng đường trong máu. Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.

Uống đủ nước

Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ thường xuyên cảm thấy khát nước, đi tiểu nhiều. Vì vậy, đồ uống an toàn nhất để cung cấp đủ nước và giúp tăng đào thải lượng đường dư thừa trong máu đó là nước lọc.

Bên cạnh đó, đối với mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ, nước lọc giúp điều hòa lưu thông máu, làm loãng nồng độ đường huyết. Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ nên uống ít nhất 1.6 lít nước (khoảng 8 ly nước) mỗi ngày.

Luyện tập thể dục đều đặn

Tập yoga là cách vận động giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Tập yoga là cách vận động giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Tập thể dục là một cách khác để kiểm soát lượng đường trong máu. Vận động giúp cân bằng lượng thức ăn. Sau khi đi khám, tư vấn, kiểm tra đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tập thể dục cho phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ.

Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ nên tập thể dục đều đặn trong và sau khi mang thai. Hoạt động thể chất cường độ vừa phải ít nhất 30 phút ít mỗi ngày, 5 ngày/ tuần. Mẹ bầu có thể đi bộ, bơi lội, tập yoga bầu… Mẹ bầu cũng có thể làm các công việc nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi.

Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên

Bởi vì mang thai khiến nhu cầu năng lượng của cơ thể thay đổi, lượng đường trong máu có thể thay đổi rất nhanh. Kiểm tra lượng đường trong máu của mẹ bầu thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu không thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên tại nhà, trước và sau bữa ăn 1 - 2 giờ. Việc làm này nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.

Dùng insulin nếu cần

Đôi khi phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ phải dùng insulin. Nếu bác sĩ yêu cầu sử dụng insulin, hãy dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp kiểm soát lượng đường trong máu an toàn.

Kiểm tra bệnh đái tháo đường sau khi mang thai

Đi xét nghiệm bệnh đái tháo đường từ 6 đến 12 tuần sau khi sinh con và sau đó từ 1 đến 3 năm một lần. Đối với hầu hết phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bệnh đái tháo đường sẽ mất ngay sau khi sinh. Khi bệnh không biến mất được gọi là bệnh đái tháo đường type 2.

Ngay cả khi bệnh đái tháo đường biến mất sau khi em bé được sinh ra, thì một nửa số phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2 sau đó. Điều quan trọng đối với phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ là tiếp tục tập thể dục và ăn uống lành mạnh sau khi mang thai để ngăn ngừa hoặc hạn chế việc mắc bệnh đái tháo đường type 2.

ThS. BS Lê Quang Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-loi-khuyen-cho-me-bau-mac-benh-dai-thao-duong-thai-ky-169230704091253273.htm