6 lý do dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa bạn đã biết chưa?
Rối loạn tiêu hóa là biểu hiện bất thường, xảy ra phổ biến ở đường tiêu hóa và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều người.
Rối loạn tiêu hóa xảy ra do sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa, làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, rối loạn các chức năng đại tiện,...
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý nguy hiểm mà là hậu quả của một số nguyên nhân trong đó thường gặp là:
Do mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột
Hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm lợi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình tiêu hóa và lên men trong ruột. Mất cân bằng hệ vi sinh vật này dẫn đến rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Lạm dụng kháng sinh là một nguyên nhân thường gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, người cao tuổi.
Do chế độ ăn uống
Thức ăn và đồ uống không đảm bảo vệ sinh, chất lượng không tốt có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Do sử dụng nhiều thức uống có cồn
Uống quá nhiều bia rượu là một nguyên nhân phổ biến ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, làm giảm men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
Viêm đại tràng, dạ dày
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn tiêu hóa. Có thể do lỵ amip, shigella và các tác nhân khác gây ra hội chứng ruột kích thích.
Bệnh lý liên quan đến dạ dày cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bởi viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng và các bệnh lý tương tự ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Do stress kéo dài
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người có áp lực cao, nếu stress kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu ở ruột sẽ bị cản trở, gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày.
Do tác dụng phụ của thuốc trị bệnh
Một số loại thuốc điều trị dài ngày như: thuốc chống viêm không steroid, kháng sinh, thuốc điều trị bệnh mạn tính ... có thể gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy,...
Dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có nhiều triệu chứng, có thể ảnh hưởng đến nhiều phần khác nhau trong hệ tiêu hóa hoặc chỉ tác động đến một phần cụ thể.
Khi mắc người bệnh có thể có các biểu hiện:
Chướng bụng;
Buồn nôn, nôn mửa;
Ợ hơi, ợ nóng;
Đau bụng âm ỉ;
Đại tiện bất thường;
Chán ăn…
Những triệu chứng này thường đi kèm với rối loạn tiêu hóa, việc nhận biết chúng sẽ giúp đối phó với tình trạng này một cách hiệu quả.
Cần làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?
Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân của bệnh mà các bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống khoa học và hợp lý sẽ góp phần cải thiện các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.
Người bệnh cần bổ sung đủ nước và chất điện giải khoảng 1,5 - 2 lít mỗi ngày.
Ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ, tăng cường ăn các loại hoa quả để tăng sức đề kháng, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh và phục hồi các vết viêm loét.
Không dùng các loại thức ăn ôi thiu, đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, các loại đồ ăn tái sống (như gỏi, tiết canh…).
Hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có gas,...
Thực hiện đúng nguyên tắc, ăn chậm – nhai kỹ, ăn chín – uống sôi.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt
Cần đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, căng thẳng.
Hình thành thói quen đi vệ sinh đúng giờ giúp hệ tiêu hóa hoạt động theo chu kỳ thông minh.
Không ăn quá no hoặc để quá đói và không nằm ngay sau khi ăn.
Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tăng cường hoạt động thể chất và duy trì tập luyện thể dục thể thao đúng cách, vừa phải mỗi ngày để hệ tiêu hóa được khỏe mạnh.
- Sử dụng thuốc
Khi người bệnh có các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần, đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, nôn mửa,... thường được kê đơn thuốc bao gồm: thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu, thuốc chống tiêu chảy,…
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung chất điện giải cho cơ thể. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được thăm khám và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Không tự ý mua thuốc, tự chữa trị bệnh.
Đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt cao, đại tiện ra máu, tiêu chảy… người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.