6 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Campuchia
Lần đầu tiên thăm chính thức Vương quốc Campuchia trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính được Chính phủ và người dân Campuchia chào đón trọng thể.
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, tại cung Hòa Bình, Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam. Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến Lễ ký kết 11 văn kiện, trong đó tập trung vào lĩnh vực thương mại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chào Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni và Hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk. Quốc vương Norodom Sihamoni nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức Campuchia; nhấn mạnh chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng trong “Năm Hữu nghị Campuchia - Việt Nam, Việt Nam -Campuchia 2022” kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin...
4 ngày dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao có liên quan sau đó (từ 10- 13/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp, sáng kiến quan trọng. Trước những khó khăn, thách thức, phức tạp của tình hình thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh: càng đối mặt với khó khăn, thách thức, ASEAN càng cần phát huy tinh thần “Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng”, kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức.
Thủ tướng đề nghị ASEAN cần mở cửa mạnh mẽ thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, cùng nhau tạo ra các động lực tăng trưởng mới để bắt kịp xu hướng chuyển đổi lớn hiện nay; đề nghị tăng cường phối hợp đào tạo nghề, nhất là trong các ngành kinh tế mới nổi để nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt và hiệu quả.
Với Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25, Thủ tướng nhấn mạnh việc tạo thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống và thông qua thúc đẩy đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, góp phần duy trì ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất, thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững.
Còn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10, Thủ tướng nhất trí thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN- Mỹ, đóng góp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ đối phó hiệu quả với thách thức toàn cầu, vì một ASEAN tự lực, tự cường, phồn vinh và thịnh vượng. Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN và Mỹ cần ưu tiên đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi bền vững sau đại dịch; đề nghị hỗ trợ ASEAN để hàng hóa được rộng mở vào thị trường Mỹ, đồng thời giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 17 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các Lãnh đạo tham dự Hội nghị, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các đối tác, mở ra các cơ hội mới đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân…
Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước; nhất trí tăng cường trao đổi, đối thoại ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao, bằng nhiều hình thức linh hoạt. Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp chuẩn bị tốt cho điện đàm sắp tới giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden, và tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép.
Tổng thống Joe Biden đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả các dư địa hợp tác nhằm đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trên những lĩnh vực hai bên cùng có lợi, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thái Lan đẩy nhanh việc cấp phép cho hoa quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường, trước mắt là bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo. Còn gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Indonesia.
Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, đặc biệt là duy trì giao thương thông suốt tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, tích cực tháo gỡ các khó khăn còn tồn đọng trong một số dự án hợp tác như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định sẽ mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản; bảo đảm tạo thuận lợi cho việc thông quan, không để tái diễn tình trạng hàng nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, hư hỏng tại cửa khẩu.
Đối với việc giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng trong một số dự án hợp tác, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, đề nghị hai bên thành lập Nhóm công tác để phối hợp tháo gỡ.
Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, sớm triển khai cung cấp ODA thế hệ mới; hợp tác ứng phó chống biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với khoản hỗ trợ 10 tỷ USD mà Thủ tướng Kishida đã cam kết tại Hội nghị COP 26, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Chính phủ Nhật Bản có các chính sách hỗ trợ cộng đồng hơn 400 nghìn người Việt Nam, trong đó có nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa cho công dân Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng hàng đầu trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực. Nhật Bản mong muốn làm sôi động lại hợp tác ODA với Việt Nam, sẽ thúc đẩy để sớm triển khai khoản vay ODA thế hệ mới, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thái Lan đẩy nhanh việc cấp phép cho hoa quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường, trước mắt là bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo. Còn gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Indonesia.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và lãnh đạo nhiều nước đến tham dự Hội nghị...