6 ngày làm bạn với kẻ bắt cóc

Haskell Bohn là con trai triệu phú bang Minnesota (Mỹ). Trong 6 ngày bị bắt cóc, anh ta đã nhanh trí làm bạn với kẻ thù để giữ tính mạng.

Verne Sankey (ngoài cùng bên trái) thành lập băng đảng chuyên bắt cóc giới thượng lưu.

Verne Sankey (ngoài cùng bên trái) thành lập băng đảng chuyên bắt cóc giới thượng lưu.

Biến cố ập tới

Vào những năm 1930 của thế kỷ 20, tại bang Minnesota (Mỹ), không ai là không biết đến triệu phú Gebhard Bohn, chủ sở hữu Công ty Điện lạnh Bohn (Bohn Refrigeration). Đây là công ty sản xuất ra những chiếc máy lạnh tốt nhất lúc bấy giờ.

Ông bà Gebhard có một cậu con trai, tên là Haskell Bohn. Sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 20, Haskell đầu quân cho công ty gia đình và đi lên từ vị trí thấp nhất là nhân viên sản xuất. Sở hữu vẻ ngoài bảnh bao và sự giàu có, “cậu ấm” nhà Bohn đã lọt vào tầm ngắm của Băng đảng Sankey, tổ chức tội phạm khét tiếng tại Mỹ lúc bấy giờ.

Sáng 30/6/1932, Haskell bước ra khỏi nhà để đến làm việc tại nhà máy của gia đình. Khi anh đến gần gara ô tô, nơi tài xế riêng đang đợi, hai kẻ bắt cóc là Verne Sankey và Gordon Alcorn, thành viên của Băng đảng Sankey, đột ngột lao đến, dí súng vào Haskell và áp tải anh lên một chiếc xe 4 chỗ.

Haskell Bohn (trái) và cha giành chiến thắng trong một trận đua thuyền

Haskell Bohn (trái) và cha giành chiến thắng trong một trận đua thuyền

Cùng lúc đó, một trong hai người đàn ông chĩa súng trường về phía tài xế và ra lệnh cho anh này im lặng. Trước khi bỏ đi, chúng ném cho người tài xế một tờ giấy đòi tiền chuộc với nội dung: “Không được phép báo tin cho cảnh sát. Nếu muốn con trai được trả tự do còn sống và khỏe mạnh, hãy làm theo đúng hướng dẫn. Chúng tôi cần 35.000 USD”.

Về phần Haskell, anh ta cố gắng giữ bình tĩnh và hình dung những gì đang xảy ra khi nằm bẹp trên sàn ở phía sau. Dù bị bịt mắt bằng băng dính, Haskell vẫn cảm nhận được những kẻ bắt cóc đang cố tình lái xe lòng vòng, lạng lách để anh không thể đoán được phương hướng chúng di chuyển.

Sau khoảng 5 phút, Haskell thu hết can đảm và hỏi những kẻ bắt cóc rằng họ định làm gì anh ta. Trái với lo lắng của Haskell, giọng điệu của bọn chúng tương đối hòa hoãn. Chúng chỉ dặn anh đừng lo lắng và nói anh sẽ trở về nhà ngay tối hôm đó, khi bọn chúng đạt được mục đích.

Nhưng cùng lúc đấy, nỗi sợ hãi dâng lên, choán hết tâm trí Haskell. Anh đã xem qua nhiều vụ bắt cóc và thường nạn nhân không có kết cục tốt đẹp. Anh cũng không biết bọn bắt cóc dẫn mình đi đâu, làm thế nào để thoát ra hay làm sao để sống sót.

Không lâu sau, chiếc xe dừng lại. Một trong hai tên bắt cóc rời xe ô tô rồi lập tức trở lại cùng một miếng vải bịt mắt thay cho miếng băng dính. Trong lúc chúng thay bị mắt, Haskell kịp liếc mắt qua đồng hồ trên ô tô, hiển thị thời gian là 9 giờ 30 phút sáng. Sau này, điều đó trở thành chi tiết quan trọng giúp cảnh sát áng chừng về quãng đường bọn bắt cóc đã đi trước khi đến nơi ẩn náu.

Ngôi nhà nơi Haskell Bohn bị giam giữ trong 6 ngày.

Ngôi nhà nơi Haskell Bohn bị giam giữ trong 6 ngày.

Ứng xử khôn ngoan

Trong khi đợi vào nhà, Haskell đã trao đổi ngắn với một trong hai tên bắt cóc. Kẻ này cho biết bọn chúng đòi gia đình 35.000 USD tiền chuộc nhưng Haskell thành thật nói rằng khoản tiền này là quá cao, bởi kinh doanh rơi vào khó khăn, phải chạy vạy khắp nơi để duy trì hoạt động.

Vì vậy, Haskell một mực khẳng định cha anh sẽ không kiếm được đủ 35.000 USD. Kẻ bắt cóc nói rằng đã cố gắng thuyết phục đồng bọn để giá thấp hơn nhưng bây giờ đã quá muộn. Giá tiền chuộc đã được định sẵn và gửi qua thư yêu cầu.

Bọn bắt cóc cảnh cáo Haskell rằng trong thời gian đợi tiền chuộc, anh hãy khôn hồn mà cư xử cho đúng đắn nếu không muốn nhận “kết đắng”. Vì vậy, Haskell hiểu rằng anh ta không nên cố gắng tìm cách trốn thoát mà phải ngoan ngoãn phối hợp với bọn chúng để bảo toàn tính mạng. Phần lớn thời gian bị bắt cóc, Haskell tỏ ra rất nghe lời và phối hợp với kẻ xấu.

Những kẻ bắt cóc mời Haskell uống rượu nhưng anh từ chối. Sau đó, chúng mời anh một ly sữa lạnh và một chiếc bánh mì kẹp. Chúng hỏi anh có tiền mặt trong người không, Haskell chìa ra 7 USD và đưa cho họ tất cả. Một kẻ trong nhóm bắt cóc hứa sẽ trả lại cho cậu tiền sau khi nhận được 35.000 USD.

Đây cũng là người đàn ông đã đồng cảm với Haskell khi đồng bọn của hắn đòi quá nhiều tiền chuộc. Nhờ vậy, Haskell có thêm dũng cảm để trò chuyện nhiều hơn với người đàn ông này và nhận ra cả hai có sở thích về bóng chày, cưỡi bò. Cũng chính người này đã cho phép Haskell tháo khăn bịt mắt nhưng không được phép nhìn thẳng vào hắn để tránh bị nhận dạng.

Qua một thời gian quan sát ngôi nhà và nghe ngóng xung quanh, Haskell nhận ra nơi trú ẩn nằm trong khu vực đông dân cư. Bên ngoài nơi anh bị giam giữ là âm thanh của trẻ em chơi đùa và tiếng chó sủa. Căn nhà này có thể có 4 gara, ngoài gara mà Haskell bị giam giữ. Trong đây, Haskell được cho một cái giường, một cái gối và ba cái chăn.

Tạm gác lại căng thẳng trong suốt một ngày, Haskell đặt lưng xuống giường và ngủ ngon lành. Những ngày tiếp theo, bọn bắt cóc đối xử với Haskell khá tử tế. Anh không phải bịt mắt, không bị trói, được chuẩn bị ba bữa ăn đầy đủ. Nhưng Haskell không được phép rời khỏi gara, tạo ra tiếng động hay la hét.

Sang ngày thứ 2, một thành viên của băng đảng cho biết hắn ta đã nói chuyện qua điện thoại với cha Haskell. Ông Gebhard chỉ chấp nhận trả 5.000 USD tiền chuộc. Đúng như dự đoán của Haskell, gia đình anh đang lâm vào cảnh khó khăn.

Biết tin, bọn bắt cóc tỏ ra thất vọng, chưa biết sẽ phải làm gì với Haskell. Thấy chúng dao động, Haskell chớp lấy thời cơ khuyên nhủ. Anh nói rằng vì gia đình họ quá nổi tiếng nên việc anh bị bắt cóc không dễ che đậy. Cảnh sát có thể đã vào cuộc nên dù cha anh muốn giấu cũng không thể giấu. Chưa kể, cha anh không đủ khả năng trả khoản tiền chuộc như chúng mong muốn.

Bị Haskell thuyết phục, bọn bắt cóc dần chấp nhận thực tế rằng gia đình Bohn thực sự không thể trả được khoản tiền chuộc. Chúng cũng lo sợ rằng cảnh sát có thể đã tìm ra bọn chúng và đang quan sát từ xa. Đối lập với trạng thái bồn chồn của bọn bắt cóc, Haskell đã có những ngày khá dễ chịu. Anh tiếp tục bầu bạn với thành viên của băng đảng, nói về chuyện thời thơ ấu và về mẹ. Anh ăn đầy đủ ba bữa mỗi ngày, ngủ ngon giấc và chờ đợi vận mệnh của mình.

Cuối cùng, sau 6 ngày Haskell bị bắt cóc, cuộc đàm phán giữa băng đảng và cha anh có vẻ đã thành công. Không thể kiếm được 35.000 USD, nhưng lũ bắt cóc đã thương lượng được khoản tiền chuộc là 12.000 USD. Tối hôm đó, bọn chúng đưa Haskell lên xe ô tô, đưa đi lòng vòng qua những con đường gập ghềnh, quanh co để anh không thể xác định được vị trí căn nhà trú ẩn. Sau khoảng một giờ, chiếc xe dừng lại.

Những kẻ bắt cóc ra lệnh cho Haskell ra khỏi xe, nằm úp mặt xuống đất và đợi khoảng 10 phút chờ xe đi khỏi mới được nhổm dậy. Trước khi bỏ đi, chúng đưa cho Haskell một tờ 10 USD theo đúng lời hứa sẽ trả lại 7 USD sau khi thả cậu. Đợi đến khi tiếng xe ô tô xa dần rồi tắt hẳn, Haskell mới ngồi dậy và nhận thấy mình bị bỏ lại giữa một trang trại.

Anh đi bộ men theo con đường mòn và tìm thấy một ngôi nhà nhỏ đang sáng đèn. Haskell mạnh dạn tiến lên gõ cửa. Một người phụ nữ ló ra sau cánh cửa, hỏi Haskell cần gì. Anh vội vàng trả lời: “Tôi là Haskell Bohn. Tôi bị bắt cóc và được trả tự do gần đây”.

Người phụ nữ vội vàng mời Haskell vào nhà, cho anh mượn điện thoại để liên lạc với gia đình. Ngay tối đó, Haskell được đoàn tụ cùng gia đình trong khi cảnh sát rốt ráo truy lùng băng đảng bắt cóc. Lúc bấy giờ, cơ quan điều tra không hay biết bọn chúng đã lái xe đến bang Colardo và tiếp tục hành vi bắt cóc.

Nhà máy sản xuất Điện lạnh Bohn thuộc sở hữu của nhà Bohn.

Nhà máy sản xuất Điện lạnh Bohn thuộc sở hữu của nhà Bohn.

Đường dây bắt cóc

Hơn hai năm sau, Verne Sankey và Gordon Alcorn bị bắt tại Chicago với cáo buộc bắt cóc doanh nhân giàu có Charles Boettcher. Giống như Haskell, hai kẻ bắt cóc cũng theo dõi Charles một thời gian dài. Đợi lúc doanh nhân sơ hở, cả hai lao ra, chĩa súng vào lưng và yêu cầu ông ta lên xe.

Charles cũng bị bịt mắt bằng băng dính. Bọn chúng để lại cho vợ ông một lá thư đòi tiền chuộc lên tới 60.000 USD. Vợ của Charles cũng có mặt vào thời điểm chồng bị bắt cóc và bà đã đứng ra nhận dạng nghi phạm. Điều đó đã giúp cảnh sát liên kết được hai vụ bắt cóc với nhau và tìm ra thủ phạm.

Sankey, xuất thân là công nhân đường sắt, đã chiêu mộ một số người lao động gốc Canada và thành lập băng đảng chuyên bắt cóc những nhân vật giàu có. Cảnh sát xác định hắn ta là tội phạm chính trong vụ án nhưng chưa tìm ra được vai trò của Alcorn trong đường dây này.

Sau vụ án con trai 20 tháng tuổi của phi công nổi tiếng Charles Lindbergh bị bắt cóc vào năm 1932, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật trấn áp các vụ bắt cóc do các băng đảng thực hiện trên khắp đất nước.

Do đó, các vụ bắt cóc và đưa con tin vượt qua biên giới tiểu bang đều trở thành tội ác liên bang, được tòa án liên bang đưa ra xét xử. Sankey và Alcorn sau đó nhận mức án tù chung thân. Tuy nhiên, vào đêm đầu tiên thi hành án, Sankey đã tự tử trong phòng giam tại nhà tù bang Nam Dakota. Còn Alcorn thụ án ở nhà tù Bán đảo Leavenworth, Colorado.

Về phần Haskell, anh tiếp tục cuộc sống tại bang Minnesota. Nhưng sau đó, công việc kinh doanh của gia đình anh ngày càng ảm đạm và đi đến phá sản. Sau cuộc Đại suy thoái, Haskell trở thành Giám đốc Công ty Điện lực Illinois. Anh kết hôn, sinh con và định cư ở một vùng nông thôn tại bang Illinois. Cho đến nay, câu chuyện về vụ bắt cóc ly kỳ của Haskell vẫn được con cháu anh nhắc lại.

Nguyễn Minh (t/h)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/6-ngay-lam-ban-voi-ke-bat-coc-post657679.html