6 người chết, hơn 330 nhà bị hư hỏng, hơn 550 ha lúa hoa màu bị thiệt hại do bão số 4
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến trưa 19/8, bão số 4 đã làm ít nhất 6 người chết, hơn 330 ngôi nhà hư hỏng, gần 600 ha hoa màu thiệt hại.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: Mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 6 người chết (Vĩnh Phúc 2 người, Lào Cai 1 người, Sơn La 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 1 người). Trong đó có trường hợp người dân tử vong do đất đá sạt lở vùi lấp khi trông lán trên nương tại huyện Tam Đường (Lai Châu) hay bị nước cuốn trôi khi đi qua cống tại TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Mưa lũ cũng khiến 334 nhà bị hư hỏng hoặc phải di dời khẩn cấp (Sơn La 48 nhà, Thái Nguyên 33 nhà, Hà Giang 97 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Lào Cai 30 nhà, Điện Biên 142 nhà); 556 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở với tổng chiều dài 1.960 m, khoảng 65.100 m3 đất đá sạt lở.
Mặc dù khi đổ bộ, bão số 4 không gây gió lớn, nhưng lại gây mưa lớn trên diện rộng, cần khẩn trương ứng phó bởi mưa lớn gây nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ này càng lớn bởi mưa lớn trong 3 ngày qua đã khiến đất tại các tỉnh miền núi ngậm “no” nước, có thể bục vỡ bất cứ lúc nào.
Để ứng phó với bão số 4 và các hình thái thiên tai nguy hiểm, Tổng cục Phòng, Chống thiên tai yêu cầu Trung tâm Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi và thông tin kịp thời.
Đối với các tỉnh ven biển, lực lượng chức năng cần tập trung kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24 giờ để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Trong đó, công tác quan trọng là triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn.
Các địa phương cũng cần cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Các địa phương xác định những vị trí có thể xảy ra ngập úng cục bộ khu đô thị, sản xuất nông nghiệp và thông báo đến người dân, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa.