6 nguyên tắc thanh toán Dự án BT bằng tài sản công
Ngày 15/8/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra 06 nguyên tắc sử dụng tài sản công thanh toán Dự án BT. Đây là bước đột phá, đổi mới quan trọng so với các quy định trước đây.
Theo quy định trước đây về cơ chế thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT) tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính thì chỉ có một hình thức thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì ngoài việc thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (Điều 117), nhà nước cho phép sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (khoản 1 Điều 44).
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao theo quy định trước đây có phát sinh vướng mắc.
Tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định nguyên tắc sử dụng tài sản công thanh toán Dự án BT, cụ thể:
Thứ nhất, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải đảm bảo: Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán.
Theo đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; Giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Thứ ba, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Thứ tư, thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư; Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Thứ năm, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Thứ sáu, việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.