6 nhiệm vụ cho Thủy điện Bản Vẽ và Nậm Nơn
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã đề nghị chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ và Nậm Nơn thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo an toàn đập và công trình.
Huy động toàn bộ lực lượng ứng phó
Như Báo Công Thương đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, tối 23/7, Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương (Đoàn kiểm tra) đã có buổi làm việc với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An).

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra. Ảnh: Thanh Tuấn
Tiếp tục chuyến công tác, sáng 24/7, Đoàn kiểm tra có buổi làm việc với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn (trực thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na).
Tham gia Đoàn kiểm tra có: Lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Trưởng đoàn); Lãnh đạo Cục Điện lực; các phòng chức năng thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đại diện Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO); đại diện Sở Công Thương Nghệ An.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên lưu vực Thủy điện Bản Vẽ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa quan trắc được tại một số trạm như: Ban Mon 477,2mm, Hữu Khuông 412,4mm, Thằm Thẩm 381mm, Mường Lống 363,2mm, Pha Tec 335,2mm, Kẻo Nam 314,6mm, Keo Bon 332,4mm, Đọng Kun 310,8mm...

Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ báo cáo với Đoàn kiểm tra. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo ông Tạ Hữu Hùng, bão số 3 đã gây ra trận lũ đặc biệt lớn, với lưu lượng đỉnh lũ lên đến 11.800m3/s cao hơn lũ kiểm tra tần suất 0,02% (10.500m3/s). Tại thời điểm xảy ra đỉnh lũ, lưu lượng xả qua công trình chỉ ở mức 3.285m3/s, tỷ lệ đã cắt, giảm lũ lên đến 74%.
“Trong bối cảnh vùng hạ du đang xảy ra ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng việc hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ cắt, giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế thiệt hại cho người và tài sản ở hạ du”, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ nhấn mạnh.
Ông Tạ Hữu Hùng thông tin thêm, trong suốt quá trình vận hành hồ chứa, công trình luôn vận hành an toàn, tin cậy, tuân thủ các quy định về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa.
Cũng tại buổi làm việc, ông Đoàn Văn Trường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na đã báo cáo về tình hình Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn.

Ông Đoàn Văn Trường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na báo cáo về tình hình Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo đó, Công ty đã ban hành chỉ thị về việc sẵn sàng khẩn trương ứng phó bão Wipha. Bên cạnh đó, các vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được chuẩn bị đầy đủ theo phương án được duyệt. Trước mùa mưa lũ, Công ty đã thực hiện kiểm tra, rà soát các vật tư, trang thiết bị đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”. Đồng thời, huy động 100% cán bộ công nhân viên tham gia trực phòng chống lụt bão khi nhận được bản tin dự báo về cơn bão số 3.
Ông Đoàn Văn Trường cho biết, sau khi Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn nhận được thông tin lưu lượng về hồ chứa Bản Vẽ, Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhận viên có mặt tại nhà máy thực hiện triển khai các biện pháp chống ngập cho nhà máy bao gồm kiểm tra hệ thống điện dự phòng, thực hiện đóng bao cát để che chắn tất cả các điểm có nguy cơ gây ngập nhà máy...
“Lưu lượng nước về hồ Bản Vẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh lúc 2h00 ngày 23/7 với lưu lượng 12.751m3/s và xả về hạ lưu với lưu lượng khoảng 4.200 m3/s, cùng thời điểm này Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn đã thực hiện mở hoàn toàn các cửa van xả”, ông Đoàn Văn Trường nói.
Đến 6h30 nước bắt đầu tràn vào Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn từ phía hạ lưu do mực nước hạ lưu tăng lên trên 81,3m, phía Công ty đã liên hệ với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Bản Ang; Trực ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương để đề nghị phối hợp cắt giảm xả lũ để tránh ngập cho Thủy điện Nậm Nơn.
Đến 17h00 phút ngày 23/7, Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng 3.730m3/s. Lưu lượng về hồ Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn được xả qua các cửa van và qua tràn tự do với lưu lượng tương đương lưu lượng đến hồ.
Không để bất ngờ trong mưa lũ lớn
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đều ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của đơn vị vận hành nhà máy thủy điện trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão.
Các thành viên Đoàn kiểm tra cũng thống nhất kiến nghị các đơn vị cần: Rà soát lại toàn bộ thiết bị cơ điện liên quan đến xả lũ, đặc biệt là van cửa xả; kiểm tra, hiệu chỉnh lại hệ thống cảnh báo hạ du; bố trí lực lượng thường trực ứng phó thiên tai 24/7 trong suốt mùa mưa bão…

Ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tuấn
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Trưởng Đoàn kiểm tra) đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc của các đơn vị trong việc triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa thủy điện, đặc biệt là trong cao điểm mùa mưa bão.
“Quy trình vận hành, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được xây dựng bài bản, cập nhật đầy đủ theo quy định. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan cũng được thực hiện tương tốt”, Phó Cục trưởng Trịnh Văn Thuận nhấn mạnh.
Trưởng Đoàn kiểm tra đề nghị Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn thực hiện các công việc trọng tâm sau:
Một là thực hiện việc báo cáo kết quả vận hành giảm lũ, trạng thái làm việc sau đợt lũ của hồ ngay sau khi kết thúc đợt lũ.
Hai là nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Kịp thời rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền khi quá trình vận hành không còn phù hợp.
Ba là rà soát, xây dựng phương án ứng phó để chủ động bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa thủy điện nhất là khi đã xuất hiện tình huống mưa lũ vượt mức thiết kế như cơn bão số 3 vừa qua (bao gồm giải pháp công trình và phi công trình).
Bốn là tiến hành ngay việc tổng kiểm tra, đánh giá tình trạng thiết bị thủy công, các hạng mục công trình, các vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở sau đợt lũ để triển khai khắc phục khiếm khuyết, sự cố (nếu có).
Năm là đầu tư ngay thiết bị liên lạc vệ tinh và cung cấp số điện thoại vệ tinh cho các cấp thẩm quyền, các đơn vị liên quan để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành ứng phó mưa, lũ, bão, giảm tối đa thiệt hại cho hạ du.
Sáu là rà soát, cập nhật các quy định về an toàn đập, phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự mới ban hành (như Luật Điện lực, Nghị định 62/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực) để triển khai thực hiện đầy đủ quy định pháp luật.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng An toàn điện và đập, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Lê Thế Phong, Phó Ban Kỹ thuật và An toàn, EVN. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Kim Thắng, Phó phòng Thị trường điện, NSMO. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Huy Thiết, đại diện Sở Công Thương Nghệ An. Ảnh: Thanh Tuấn
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, đến thời điểm này tình hình tại các công trình thủy điện đã cơ bản được kiểm soát, đảm bảo an toàn công trình, góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/6-nhiem-vu-cho-thuy-dien-ban-ve-va-nam-non-412129.html