6 nhiệm vụ để bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam

Ngày 18-7, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp trực tuyến với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, cục quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố phía Nam để bàn các giải pháp, phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn dân cư.

Hình ảnh cuộc họp từ đầu cầu Hà Nội.

Sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho thành phố Hồ Chí Minh

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, giá hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại được niêm yết công khai. Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.

Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn do chi phí vận chuyển, nhân công tăng, lại thêm chi phí xét nghiệm, thuê chỗ ở cho nhân viên để hạn chế di chuyển…

Còn Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian đầu, một số bà con ở chợ truyền thống nâng giá hàng, một số trường hợp mua hàng ở siêu thị để bán bên ngoài, Cục đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền. Bên cạnh đó, Cục cũng làm việc với các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng để vận động cam kết không tăng giá, tạo mọi điều kiện cung ứng hàng hóa cho người dân.

Tại đầu cầu phía Nam, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năng lực chợ truyền thống chỉ đáp ứng 50-60% sức mua hàng tươi sống của thành phố, còn lại là các cửa hàng tiện ích, siêu thị. Ông Vũ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.

Các địa phương tham gia cuộc họp cam kết, sẵn sàng phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh để cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đại diện Sở Công Thương các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, An Giang, kiến nghị phân bổ vắc xin để tiêm phòng cho lao động thương mại.

Hình ảnh cuộc họp tại các đầu cầu.

Tập trung triển khai 6 nhiệm vụ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị thành phố Hồ Chí Minh nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Có thể thành lập các bộ phận thống kê, hằng ngày gửi thông tin về hai bộ để cùng nhau tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ quan điểm chỉ đạo. Đó là, trong mọi tình huống, hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước, nhân dân các địa phương, không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Tổ công tác tiền phương của hai bộ cùng Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải phối hợp với nhau, tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời tuân thủ sự chỉ đạo, khuyến cáo của hai bộ.

Các ngành, lực lượng ở địa phương thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự điều phối của tổ công tác tiền phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, lãnh đạo hai bộ thống nhất 6 nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới. Đó là, các địa phương khẩn trương khảo sát, nắm bắt, dự báo nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ, kịp thời thông báo cho tổ công tác tiền phương.

Chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa.

Đối với những vùng trồng rau, củ, quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang thiếu lao động, bị cách ly, phong tỏa, cần báo cáo ngay về tổ công tác tiền phương để có phương án giải quyết kịp thời.

Lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi.

Các địa phương và tổ công tác tiền phương phối hợp truyền thông, thông tin hằng ngày, kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1006112/6-nhiem-vu-de-bao-dam-cung-ung-hang-hoa-thiet-yeu-cho-cac-tinh-phia-nam