6 nhóm cơ quan, đơn vị có đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng khi tham gia công tác xây dựng pháp luật

Theo Nghị quyết số 197/2025/QH15 vừa được Quốc hội ký ban hành thì có 6 nhóm cơ quan, đơn vị có đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng khi tham gia công tác xây dựng pháp luật.

Các nhóm cơ quan, đơn vị có đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng bao gồm: Vụ Pháp luật thuộc Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; Các Vụ chuyên môn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội thuộc Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổ chức pháp chế thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao; Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp.

Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 01 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật).

Theo Điều 7 của Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật thì người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp), bao gồm: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách;

Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ;

Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định;

Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định;

Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng tại các điểm d, đ và e khoản này phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều này được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.

Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/6-nhom-co-quan-don-vi-co-doi-tuong-duoc-huong-ho-tro-hang-thang-khi-tham-gia-cong-tac-xay-dung-phap-luat-post548816.html