6 sai lầm khi dùng thuốc dễ gặp trong ngày Tết

Lịch trình dày đặc, các bữa tiệc liên miên, thói quen sinh hoạt đảo lộn trong dịp Tết khiến nhiều người bệnh mạn tính vô tình mắc những sai lầm trong việc uống thuốc trị bệnh…

1. Quên uống thuốc

Trong những ngày Tết, việc di chuyển nhiều, ăn uống, tiệc tùng kéo dài mất nhiều thời gian… khiến nhiều người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính, rất dễ quên uống thuốc.

DS. Phạm Quỳnh Như (Bệnh viện trung ương Huế) cho hay, đây là một trong những nguyên nhân mà nhiều bệnh nhân mắc phải. Không chỉ có người già mới hay quên thuốc mà ngay cả những người trẻ, đôi khi cũng không nhớ thời gian uống thuốc của mình. Điều này có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc, khó kiểm soát bệnh, gia tăng các cơn bùng phát bệnh… khiến người bệnh gặp nguy hiểm.

Để khắc phục, đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính nên có người thân, người chăm sóc nhắc nhở thường xuyên, hoặc dùng các hộp chia thuốc theo ngày, theo liều, hẹn giờ uống thuốc qua điện thoại, tin nhắn...

Nên sử dụng hộp chia liều thuốc để tránh quên thuốc.

Nên sử dụng hộp chia liều thuốc để tránh quên thuốc.

2. Nhầm lẫn giữa các thuốc

Việc nhầm lẫn giữa các thuốc với nhau cũng thường dễ xảy ra khi người bệnh cùng lúc phải uống nhiều loại thuốc trong cùng thời điểm, đặc biệt là với người cao tuổi hoặc bệnh nhân có bệnh liên quan đến trí nhớ.

Hãy đọc kỹ tên thuốc, tờ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc. Với người cao tuổi, khi uống thuốc cần có người thân hoặc người chăm sóc bên cạnh.

Nhầm lẫn giữa các loại thuốc rất dễ xảy ra…

Nhầm lẫn giữa các loại thuốc rất dễ xảy ra…

3. Tăng liều lượng

Có nhiều trường hợp quên uống một liều thuốc đã lựa chọn tăng gấp đôi liều trong lần uống tiếp theo. Tuy nhiên, đây là sai lầm nghiêm trọng. Việc tăng liều thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ bất lợi. Chẳng hạn, việc tăng gấp đôi liều thuốc chẹn beta theo đơn được kê có thể khiến huyết áp giảm xuống quá thấp.

Để tránh mắc sai lầm này, hãy uống thuốc ngay sau khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và chỉ dùng liều tiếp theo vào đúng thời gian đã định.

Việc tăng liều thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ bất lợi.

Việc tăng liều thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ bất lợi.

4. Không uống thuốc hết đơn

Khi thấy các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm, nhiều người bệnh đã tự ý ngừng dùng thuốc khi đơn thuốc chưa uống hết.

Tuy nhiên, khi đã được bác sĩ kê đơn, đặc biệt là các thuốc kháng sinh, cần tuân thủ liều lượng và uống thuốc hết thời gian trị liệu. Nên nhớ, tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc ngừng dùng thuốc đột ngột có thể gây một số hiệu ứng ngược: Bệnh bùng phát trở lại, gây khó khăn cho điều trị, thậm chí bệnh có thể nặng hơn, làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

5. Lo ngại tác dụng phụ của thuốc

Bất kỳ một loại thuốc nào khi uống cũng có thể xảy ra các tác dụng phụ. Điều này khiến cho nhiều người sau khi tìm hiểu về thuốc lại lo ngại các tác dụng phụ nên đã bỏ không dùng thuốc. Tuy nhiên, việc bỏ thuốc do tâm lý lo ngại tác dụng phụ của thuốc khiến cho bệnh nặng lên và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người bệnh, đặc biệt là với những bệnh nhân mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, hen phế quản…

Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc để hiểu về các tác dụng phụ của thuốc và cách khắc phục. Với các trường hợp gặp tác dụng phụ kéo dài, khó chịu hoặc triệu chứng bất thường… bác sĩ có thể cân nhắc đổi loại thuốc khác.

6. Dùng thuốc của người khác

Mỗi loại thuốc được kê đơn là để điều trị một tình trạng bệnh cụ thể, tương ứng với độ tuổi và cơ thể của từng bệnh nhân. Do đó, việc dùng thuốc của người khác không bao giờ là an toàn.

Hãy mang theo thuốc điều trị bệnh của riêng mình khi du Xuân để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trà Ly

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-sai-lam-khi-dung-thuoc-de-gap-trong-ngay-tet-169230117103415826.htm