6 tháng chiến sự Nga – Ukraine đã thay đổi một số nước châu Âu ra sao?
6 tháng xảy ra xung đột Nga – Ukraine đã khiến hàng chục nhìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải sơ tán và gây ra nhiều hệ quả trên toàn thế giới. Đặc biệt, cuộc xung đột đã tác động đáng kể tới một số quốc gia châu Âu.
Bỉ: Trì hoãn việc loại bỏ điện hạt nhân
Bỉ đã trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân do lo ngại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine có thể gây ra tình trạng thiết hụt năng lượng.
Bỉ hiện có 7 lò phản ứng hạt nhân. Nước này có ý định loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân vào năm 2025, tuy nhiên giá khí đốt tăng và nguy cơ Nga cắt nguồn cung sang châu Âu đã khiến quốc gia này thay đổi kế hoạch.
Bỉ cho biết sẽ trì hoãn việc loại bỏ điện hạt nhân trong 10 năm, cho đến năm 2035.
Bulgaria: Suy yếu mối quan hệ với Nga
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến mối quan hệ giữa Nga và Bulgaria xấu đi nhanh chóng.
Bulgaria không chỉ ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến hoạt động quân sự ở nước láng giềng, mà còn từ chối yêu cầu thanh toán nhập khẩu khí đốt của Moscow bằng đồng rúp.
Điều này đã khiến Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria, nơi gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Vào tháng 7, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov và người đồng cấp Hy Lạp đã mở một đường ống dẫn khí đốt mới giữa hai nước, vận chuyển năng lượng từ Azerbaijan.
Cộng hòa Séc: Chào đón người tị nạn Ukraine
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), hơn 413.000 người tị nạn Ukraine đã tới Cộng hòa Séc. Con số này chiếm khoảng 4% dân số 10,7 triệu người của Cộng hòa Séc.
Theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 3, 85% người Séc được hỏi ủng hộ chính phủ trong việc mở cửa đón người tị nạn Ukraine.
Đan Mạch: Châm ngòi cho sự thay đổi lịch sử
Trong khi Thụy Điển và Phần Lan gây chú ý khi tuyên bố muốn gia nhập NATO để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine, thì Đan Mạch cũng đưa ra quyết định mang tính lịch sử.
Dù là thành viên sáng lập của NATO, Đan Mạch đã từ chối tham gia vào các chính sách quốc phòng của EU trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi, sau một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6, trong đó 66,9% người Đan Mạch ủng hộ việc nước này tham gia chính sách phòng thủ chung của EU.
“Đan Mạch đã gửi một tín hiệu rất quan trọng tới các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu, NATO, và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng tôi cho thấy rằng khi Nga tấn công một quốc gia và đe dọa sự ổn định ở châu Âu, chúng tôi sẽ sát cánh với nhau. Đan Mạch giờ đây có thể tham gia vào hợp tác châu Âu về quốc phòng và an ninh. Tôi rất hạnh phúc vì điều này”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố.
Estonia: Hỗ trợ lớn cho Ukraine
Estonia là một trong những quốc gia châu Âu cung cấp hỗ trợ lớn cho Ukraine nhằm đẩy lùi lực lượng Nga. Estonia đã viện trợ quân sự 250 triệu euro cho Ukraine, tương đương 1/3 ngân sách quốc phòng hàng năm của Tallinn.
Estonia đã tiếp nhận 50.000 người tị nạn Ukraine, tương đương 4% dân số nước này. Estonia cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga và gần đây đã cấm người Nga nhập cảnh vào nước này.
Tallinn đã cam kết ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga và đang xây dựng một trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi ở Paldiski.
Pháp: Nỗ lực độc lập về năng lượng
Cũng như ở nhiều nước châu Âu, việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân Pháp.
Pháp ít phụ thuộc hơn vào Nga về nguồn cung khí đốt so với các quốc gia châu Âu khác. Theo Viện thống kê Pháp, nước này nhập khẩu 17% khí đốt Nga vào năm 2020, nhưng chi phí năng lượng tăng, bao gồm cả xăng và điện, đã đẩy lạm phát lên 6,1% trog tháng 7.
Chính phủ Pháp đã duy trì “lá chắn thuế quan” để hạn chế việc tăng hóa đơn tiền điện lên 4% và đóng băng giá khí đốt ở mức hồi tháng 10/2021. Chương trình này sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2022. Ngoài ra, Pháp cũng chi 230 triệu euro cho các hộ gia đình có thu nhập thấp sử dụng dầu để sưởi ấm.
Ngoài ra, Pháp quyết định quốc hữu hóa EDF, công ty điện lực lớn nhất của đất nước, nhằm mục đích bảo vệ sự độc lập về năng lượng của Pháp.
Phần Lan và Thụy Điển: Từ bỏ trung lập
Vào đầu năm 2022, ít ai nghĩ rằng cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.
Phần Lan và Thụy Điển, vốn có truyền thống trung lập, đã quyết định gia nhập NATO sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nga đã chỉ trích động thái này, cho rằng đây là mối đe dọa đối với an ninh của Moscow và sẽ đưa ra biện pháp đáp trả thích hợp.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm 17/5 chính thức ký đơn xin gia nhập NATO, tuyên bố đây là quyết định có lợi nhất cho nước này.
“Phần Lan hiện nay hướng tới an ninh nhiều hơn. Chúng tôi luôn chú ý đến sự an toàn của xã hội và trên thực tế, chúng tôi là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã khiến vấn đề an ninh trở thành cuộc tranh luận công khai ở Phần Lan mạnh mẽ hơn trước. Người Phần Lan rất buồn và bị sốc trước cuộc tấn công và muốn tăng cường an ninh”, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Krista Mikkonen cho biết
Moldova: Xin gia nhập EU
Chỉ một tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moldova chính thức nộp đơn xin gia nhập EU.
Brussels sau đó đã đưa Moldova trở thành ứng cử viên cho tư cách thành viên EU, dấu mốc đầu tiên trên con đường dài gia nhập liên minh gồm 27 thành viên.
Tuy nhiên, không chỉ định hướng chiến lược của Moldova đã thay đổi khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
“Cuộc chiến ở Ukraine đã có tác động tàn khốc đối với nền kinh tế Moldova. Giá năng lượng, các sản phẩm khác nhau và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản đã tăng vọt”, Igor Munteanu, nhà phân tích chính trị và cựu Đại sứ Moldova tại Washington, nói.
Lạm phát ở Moldova đã tăng từ 18,52% trong tháng 2 lên 33,55% trong tháng 8, tác động mạnh đến ngân sách của quốc gia vốn đã nghèo nhất châu Âu.
Moldova, giống như các quốc gia láng giềng khác của Ukraine, chứng kiến một dòng người tị nạn sau khi chiến sự bùng nổ. Hơn nửa triệu người Ukraine đã di tản, với khoảng 70.000 người đang sống ở Moldova.
Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita cho biết, “đối phó với dòng người tị nạn là một trong những thách thức lớn nhất mà Moldova nào phải đối mặt trong ba thập kỷ qua”.
Ngoài ra, Moldova lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga sau Ukraine, khi Moscow tăng đà tiến ở phía Đông và phía Nam Ukraine, gần biên giới Moldova - Ukraine.
“Hiện tại đó chỉ là kịch bản giả định, nhưng nếu các hành động quân sự tiến xa hơn về phía Tây Nam Ukraine và về phía Odessa, tất nhiên chúng tôi sẽ lo lắng”, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita cho biết vào cuối tháng 7./.