6 tháng đầu năm 2022, Lâm Đồng có 42 nhân viên y tế nghỉ việc

Sáng 15/7, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Ban Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì hội nghị

Ban Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành y tế tỉnh tiếp tục chỉ đạo và triển khai quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid -19. Đến ngày 13/7, toàn tỉnh ghi nhận 134.200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; đã điều trị khỏi cho 133.983 bệnh nhân, đang tiếp tục điều trị cho 55 bệnh nhân (trong đó, hiện đang điều trị tại các cơ sở điều trị tập trung là 1 bệnh nhân, tại nhà là 54 bệnh nhân). Phần lớn các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ; đã có 146 bệnh nhân tử vong.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến ngày 12/7, tỉnh Lâm Đồng đã nhận tổng số 3.843.236 liều vắc xin. Tổng số liều đã tiêm 3.784.312 liều, đạt tỷ lệ 98,46%. Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm liều bổ sung đạt 92,18%; tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 59,6%; tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 32,8%. Tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đủ 2 mũi đạt 97,88%; tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 46,6%. Tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi 1 mũi đạt 77,64% và 2 mũi đạt 40,39%.

Sở Y tế Lâm Đồng chủ động chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác giám sát, phát hiện và tích cực triển khai các biện pháp dự phòng, khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm đầu tiên; đảm bảo đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch; đảm bảo chế độ thông tin báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh Lâm Đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A H5N1, H7N9 và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, không phát hiện ca bệnh lạ, bệnh dịch mới nổi; tình hình dịch bệnh lưu hành tại địa phương ổn định, khống chế không để tử vong do dịch bệnh.

Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được phát hiện 250 trường hợp, giảm 127 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021, không có trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.

Phát hiện 724 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 415 trường hợp so với cùng kỳ, không có trường hợp sốt xuất huyết nặng và không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; phát hiện 313 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ và đã tổ chức xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch lớn.

Ông Đỗ Hoàng Hải – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng ý kiến về nguy cơ không đạt các chỉ tiêu về dân số nếu ngành không tập trung quyết liệt cho công tác dân số - KHHGĐ

Ông Đỗ Hoàng Hải – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng ý kiến về nguy cơ không đạt các chỉ tiêu về dân số nếu ngành không tập trung quyết liệt cho công tác dân số - KHHGĐ

Trước tình hình sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng vào mùa mưa, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, giám sát chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, không để xảy ra tử vong do sốt xuất huyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đảm bảo thực hiện quy chế chuyên môn và quyền lợi của bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh. Thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao y đức phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành; thực hiện tốt chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề, chỉ đạo tuyến năm 2022 và Đề án bệnh viện vệ tinh…

Kết quả thực hiện công tác khám chữa bệnh toàn tỉnh tổ chức khám bệnh cho 864.001 lượt bệnh nhân, giảm 114.621 so với cùng kỳ, đạt 37,12% so với kế hoạch năm. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 82,9%. Các đơn vị có công suất sử dụng giường bênh > 100% gồm: Khu điều trị phong 106,4%; Trung tâm Y tế Đơn Dương 117%; Trung tâm y tế Di Linh 125,7%; Trung tâm Y tế Đạ Tẻh 116,5%.

Về công tác hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Y tế tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh xin hỗ trợ cho 541 trường hợp người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo đợt 6 năm 2022 với tổng kinh phí 3.604 triệu đồng và thực hiện thông báo cho các đơn vị có bệnh nhân hưởng thụ theo quy định.

Hội nghị cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn tại về nhân lực ngành y tế hiện nay như: Khối lượng công việc quá lớn; hệ thống văn bản quá nhiều, thay đổi nhanh và chồng chéo, hành lang pháp lý chưa đủ để bảo vệ nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ; dịch bệnh ngày càng phức tạp, kéo dài làm cán bộ y tế kiệt sức; chế độ đãi ngộ thấp, thời gian đào tạo dài, công việc đặc thù nhưng mức lương không tương xứng, đời sông vật chất của một số cán bộ viên chức còn gặp nhiều khó khăn nên vẫn chưa an tâm công tác, đã có nhân viên y tế xin nghỉ việc nên rất đáng báo động.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 42 nhân viên y tế nghỉ việc (9 bác sĩ, 3 điều dưỡng đại học; 16 điều dưỡng, hộ sinh; 3 y sĩ, 1 dược sĩ và 10 người khác). Thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thiếu bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến huyện và tại các trạm y tế cơ sở các bác sĩ chưa có chứng chỉ siêu âm, điện tim, xét nghiệm... để thực hiện cận lâm sàng tại trạm nên hiệu quả khám, chữa bệnh chưa cao.

Tình hình dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu kế hoạch các hoạt động thuộc chương trình y tế dự phòng - dân số, một số chỉ tiêu chưa đạt. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 151 người mắc và 2 người tử vong.

Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, hóa chất vật tư phục vụ cho công tác điều trị, đặc biệt là dung dịch cao phân tử còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu (hiện nay theo thông báo của Cục Quản lý dược dung dịch cao phân tử đặc biệt là dung dịch dextran đã hết hàng).

Trong quá trình xây dựng kế hoạch đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế… rất nhiều mặt hành chưa có kết quả kê khai giá trên trang của Bộ Y tế, vì vậy, các đơn vị không thể có căn cứ để xây dựng danh mục đấu thầu trong kế hoạch. Đề nghị Bộ Y tế có biện pháp hướng dẫn, tạo điều kiện để các công ty kê khai giá đầy đủ, kịp thời để các đơn vị mua có căn cứ xây dựng danh mục của kế hoạch theo quy định.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành hướng dẫn việc đấu thầu thuốc qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; hợp đồng cung ứng đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương đã hết hiệu lực từ tháng 4 năm 2022 và phần mềm đấu thầu qua mạng chưa áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định.

Mặt khác, việc lựa chọn đấu thầu chọn gói trong đó một số mặt hàng có số lượng thấp, giá trị nhỏ nhưng lại là thuốc điều trị đặc hiệu cho một số bệnh thì ít có nhà thầu tham gia nên ảnh hưởng đến cả gói thầu dẫn đến không có thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sớm ban hành hướng dẫn việc đấu thầu thuốc qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và hoàn thiện phần mềm đấu thầu qua mạng áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định đồng thời điều chỉnh lại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch về lộ trình lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ngành y tế tập trung các hoạt đông chính: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh tật, an toàn thực phẩm, các dịch bệnh lưu hành tại địa phương, đặc biệt là phòng chống bệnh Covid-19, triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 đạt tiến độ, phòng chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi… Tập trung triển khai thực hiện các hoạt động y tế dự phòng - Dân số đảm bảo tiến độ; chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ < 1 tuổi.

Đảm bảo công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ người dân gắn với đảm bảo phòng, chống dịch Covid -19. Triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao y đức phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành. Thực hiện tốt chế độ luân phiên có thời hạn đối với hành nghề y và Đề án bệnh viện vệ tinh theo kế hoạch để triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đồng thời thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo phân cấp. Tiếp tục cải thiện kỹ năng giao tiếp ứng xử, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế nhằm tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh.

Đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu cho các đơn vị đến các vùng sâu, vùng xa và trong các tình huống thiên tai, thảm họa, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý phục vụ cho nhân dân. Thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch, dự toán đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, vắc xin... cho các đơn vị y tế trong ngành năm 2022 – 2023.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202207/6-thang-dau-nam-2022-lam-dong-co-42-nhan-vien-y-te-nghi-viec-3125538/