6 tháng đầu năm, TP.HCM xử phạt hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Chiều nay (10/6), Ban An toàn Giao thông TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn.
Theo Ban An toàn Giao thông TP.HCM, chiến dịch kéo dài từ nay đến 31/7/2022, với các hoạt động truyền thông và cưỡng chế diễn ra song song. Chiến dịch nhằm mục đích làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông “không lái xe sau khi uống rượu, bia”.
Tại buổi họp báo, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng phòng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) – Công an TP.HCM cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT đã xử phạt hơn 18.000 trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người lái xe khi tham gia giao thông trên địa bàn.
Hiện nay chế tài, mức xử phạt hành chính về vi phạm nồng độ cồn tương đối cao, từ 7 triệu – 35 triệu đồng/trường hợp vi phạm đối với người điều khiển xe ô tô; đối với người lái xe hai bánh mức phạt từ 2,5 triệu - 7 triệu đồng/trường hợp. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 11 - 23 tháng/tùy trường hợp. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn vẫn còn những bất cập.
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng phòng PC08 – Công an TP.HCM nói: “Trong quá trình xử phạt đối với những xe có giá trị thấp, khoảng 2 – 3 triệu đồng/xe khi áp dụng chế tài này thì đa số người vi phạm bỏ xe hết. Chưa tính tới biện pháp tịch thu thì họ đã bỏ xe luôn rồi. Nhất là đối với xe cà tàng, xe mù, xe mờ họ sẵn sàng bỏ”
Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông TP.HCM cho biết, hiện nay người dân trên địa bàn TP.HCM hoàn toàn có nhiều giải pháp lựa chọn để không vi phạm nồng độ cồn: “Phải nói là cái vui của người Việt mình, có những lúc chúng ta không thể không uống rượu, bia nhưng đã uống rồi thì chúng ta phải có giải pháp an toàn. Chúng ta có thể đi xe ôm công nghệ - đây là phương tiện khá phổ biến, hoặc nhờ người thân đưa về. Chúng ta phải có giải pháp để chính mình được về nhà an toàn và mọi người xung quanh cũng được an toàn”.
Để chiến dịch đạt hiệu quả, Ban An toàn Giao thông TP.HCM đề nghị lực lượng CSGT Công an TP.HCM cùng công an các quận huyện, TP.Thủ Đức tăng cường, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn. Đồng thời yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban ngành, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bằng các hình thức phù hợp thực hiện hoặc phối hợp vận động, tuyên truyền thông điệp “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” đến quần chúng nhân dân trên địa bàn./.