6 trẻ tử vong do virus Adeno: Biến chứng nguy hiểm sao?
Một số chủng virus Adeno có thể khiến người bệnh gặp triệu chứng nặng, thậm chí gây tử vong.
Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) có cảnh báo về số lượng trẻ nhập viện do mắc virus Adeno trong thời điểm giao mùa gia tăng đột biến. Tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm virus Adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, trong đó có 6 bệnh nhân tử vong có nhiễm virus này.
Adenovirus là gì?
Adenovirus là những virus chứa DNA chuỗi kép, kích thước đường kính của virus trung bình từ 70 đến 90 nm, không có vỏ bọc bên ngoài, capsid có đối xứng hình khối và virus hình đa giác đều tạo nên bởi 252 capsome.
Danh pháp của virus này xuất phát từ nguồn gốc phân lập trên con người từ năm 1953. Adenovirus có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại trong vòng 30 ngày.
Ở người, hơn 50 loại huyết thanh Adenovirus khác nhau đã được tìm thấy gây ra một loạt bệnh. Một số loại Adenovirus gây ra các bệnh tương tự như đường hô hấp, chẳng hạn như viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, bệnh đa cơ quan đe dọa tính mạng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu; có loại gây nhiễm trùng mắt,...
Giống như bệnh cúm, virus này rất dễ lây lan và phổ biến hơn khi thời tiết lạnh. "Các đợt bùng phát phổ biến hơn vào cuối mùa đông, mùa xuân và đầu mùa hè nhưng có thể xảy ra quanh năm", Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết.
Adenovirus rất dễ lây lan và có thể lây qua tiếp xúc gần với nguồn bệnh. Chúng phát tán trong không khí khi người bệnh ho và hắt hơi,...
Trẻ nhỏ có thể nhiễm virus này khi chạm vào tay hoặc đồ vật của người bệnh sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Virus này thường lây nhanh ở trẻ em bởi trẻ thường cho tay lên mặt. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhiễm virus trong bể bơi song điều này không phổ biến,...
Adenovirus có thể tồn tại trên bề mặt nhựa và kim loại trong một tháng. Một số chất khử trùng không dễ dàng tiêu diệt được loại virus này. Chúng có thể bám vào thiết bị y tế như máy thở, làm tăng thêm nguy cơ bùng phát dịch trong bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Biến chứng nguy hiểm
Mặc dù ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh, người có sức đề kháng kém. Thời gian ủ bệnh trung bình là 3 đến 8 ngày.
Ở hầu hết trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, Adenovirus chỉ gây khó chịu, bệnh sẽ khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, trẻ có hệ miễn dịch yếu cần điều trị trong bệnh viện.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng,...
Cần làm gì khi trẻ mắc bệnh?
Để giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng, cha mẹ có thể thực hiện những việc sau:
- Cho uống nhiều chất lỏng: Trẻ bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Nước lọc hoặc nước trái cây 100% là những lựa chọn tốt nhất để giữ nước cho trẻ.
- Thông mũi: Giúp trẻ xì mũi thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh, hãy nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi, sau đó hút ra chất nhầy.
- Bật máy phun sương tạo ẩm: Hơi ẩm sẽ làm dịu triệu chứng nghẹt mũi và giúp trẻ dễ thở hơn.
- Hạ sốt: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể cho trẻ dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau nhức và hạ sốt hay không? Không cho trẻ dùng sản phẩm có chứa aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye hiếm gặp.
Cách phòng ngừa
- Cố gắng giữ trẻ tránh xa người bệnh
- Rửa tay cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là trước bữa ăn.
- Lau sạch các bề mặt để loại bỏ mầm bệnh
- Không để trẻ bơi trong những hồ bơi không được bảo dưỡng tốt.