60 năm bài ca Xuân 61
'Dã từ năm cũ bâng khuâng/Đã nghe Xuân mới lâng lâng lạ thường'.
Thời đó! Mỗi độ Tết đến, Xuân về, lòng người xao xuyến, bồi hồi, lâng lâng nhiều cảm xúc. Trong cái hồi hộp đón chờ, có việc đón thơ chúc Tết của Bác Hồ, của nhà thơ Tố Hữu những năm đó… Bây giờ hồi tưởng lại, vẫn cứ thấy tươi mới đến lạ… Trong kho tàng cả nghìn bài thơ của nhà thơ lớn Tố Hữu, có khoảng 50 bài viết về Xuân, về Tết… "Tiếng hát sang Xuân", "Xuân sớm", "Chào Xuân 67", "Bài ca xuân 71”… Nhưng hơn tất cả, đó là trường ca - "Bài ca Xuân 61". Xuân này -Xuân Tân Sửu, tác phẩm thơ đi cùng năm tháng này cũng đã tròn 60 tuổi… Tố Hữu - nhà thơ cách mạng với Thái Nguyên là vô cùng sâu đậm. Những “Sáng tháng 5”, "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”, “Ta đi tới”, đặc biệt là trường ca “Việt Bắc”… mang hồn cốt, tình cảm của nhà cách mạng, thi sỹ với mảnh đất này… Nhân 60 năm tuổi một thi phẩm bất hủ, nhắc nhớ bài thơ, nhà thơ âu cũng là việc nên làm.
“Tôi viết bài thơ Xuân
Nghìn chín trăm sáu mốt
Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương rọt long lanh…
Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?”
Bài thơ viết đêm 21/1/1961, mở đầu dung dị, mộc mạc nhưng đã mang trong ý và tứ triết lý của quy luật tự nhiên, cuộc sống và thời đại… Thơ Tố Hữu mang hơi thở nóng hổi của cuộc đấu tranh cách mạng mà Đảng và nhân dân của ông đang thực hiện; nói cách khác là ông luôn đưa hiện thực cuộc sống vào thơ.
Chúng ta cùng trở “Cái nền vật chất” đã làm nên hồn cốt bài thơ: Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ II họp tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Dù có phải đốt cháy Trường Sơn cũng phải giành bằng được độc lập, tự do cho dân tộc”… Kháng chiến chống Pháp thành công, đất nước vẫn chưa liền một dải. Cách mạng miền Nam chìm trong máu lửa… Năm 1960, bằng phong trào Đồng khởi, bằng Nghị quyết 15 với nội dung Giải phóng miền Nam phải bằng con đường vũ trang cách mạng. Sau gần 10 năm, năm 1960, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III được họp giữa Thủ đô Hà Nội, đã xác định nhiệm vụ cho Cách mạng miền Nam là đấu tranh lật đổ chế độ tay sai và đuổi can thiệp Mỹ ra khỏi bờ cõi. "Cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp Giải phóng miền Nam”. Miền Bắc hậu phương lớn của miền Nam xây dựng Chủ nghĩa Xã hội với nhiều định hướng đột phá… "Cách mạng XHCN ở miền Bắc có vai trò quyết định đối với sự phát triển của cách mạng cả nước”. Cùng với đó là những thắng lợi của 5 năm sau chiến thắng và Kế hoạch 3 năm (1958-1960), “Miền Bắc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh”… Trong cái mạch xúc cảm đó, Tố Hữu đã tạc vào thơ: Năm năm với bấy nhiêu ngày/Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều (Ba mươi năm đời ta có Đảng - 1960). Rồi trong bối cảnh cả miền Bắc như một công trường rộn ràng xây dựng; bằng cảm hứng thi nhân, Tố Hữu lại khéo léo đưa vào "Bài ca Xuân 61" những định hướng, mục tiêu lớn của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ( 1961-1965) mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III đã đề ra.
"Bài ca Xuân 61", với 7 đoạn, 122 câu, Tố Hữu đã đạt đỉnh cao của thi sỹ + sử thi. Sau đoạn mở đầu rất Việt Nam “Dã từ năm cũ bâng khuâng? Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường”… Rồi tiếp theo là đoạn 12 câu thơ duyên dáng như một tiểu cảnh thơ tình đã giúp cho toàn bài thơ trở nên lãng mạn: "Chào Xuân đẹp có gì vui đấy/Hỡi em yêu mà má em đỏ dậy?/Như buổi đầu hò hẹn say mê”… 27 câu tiếp theo mang âm hưởng trường ca sử thi, sâu sắc, cao đẹp, lay động tâm hồn. "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu/Trải qua một cuộc bể dâu/Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều/Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu?/Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng?/Ôi tiếng của cha ông thuở trước/Xin hát mừng non nước hôm nay/Một vùng trời đất trong tay/ Dẫu chưa toàn vẹn, đã bay cờ hồng”… Nhìn về triết lý chuyện xưa, người xưa, nhà thơ đề cao những phẩm chất cao đẹp, phương châm sống cho hôm nay: "Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người, sống để yêu nhau/Đảng cho ta trái tim giầu/Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”…
Những câu thơ tiếp theo, Tố Hữu đưa vào "Bài ca Xuân 61" bức tranh đẹp của công cuộc xây dựng đất nước: "Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm/Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội/Như hôm nay giữa công trường đỏ bụi/Những đoàn xe vận tải nối nhau đi/Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì/ Trên đất nước reo vui bao tiếng gọi…” Ca ngợi cuộc sống xây dựng miền Bắc, Tố Hữu cũng như 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn hướng về miền Nam ruột thịt, lo cho đồng bào phải sống trong kìm kẹp của Mỹ Ngụy, mừng cách mạng miền Nam có những thắng lợi mới. "Mấy hôm nay như đứa nhớ nhà/Ta vẩn vơ hoài, rạo rực vào ra/Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng/Miền Nam dậy, hò reo náo động”...
60 năm đã qua, nhà thơ lớn Tố Hữu rồi cả những nghệ sỹ tài danh Châu Loan, Trần Thị Tuyết đã thể hiện bài thơ "Bài ca Xuân 61" hào sảng, lay động hàng triệu con tim, lời ru bao giấc ngủ con trẻ giờ đang phiêu diêu miền cực lạc. Nhưng câu thơ kết của "Bài ca xuân 61" thì vẫn còn đó là mục tiêu phấn đấu “Hòa bình - Ấm no - Cho Con người - Sung sướng - Tự do".
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/60-nam-bai-ca-xuan-61-post111814.html