60 năm Hãng phim truyện Việt Nam: Ngổn ngang trăm mối
Hãng phim truyện Việt Nam tròn một hoa giáp, thế nhưng nghệ sỹ tề tựu về lễ kỷ niệm 60 năm thành lập sáng 24/12 dường như chung tâm trạng vui không trọn vẹn.
Nỗi niềm nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm 60 năm Hãng phim truyện Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tổ chức sáng 24/12 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, quy tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam. NSND Hoàng Cúc rạng rỡ trò chuyện với nghệ sĩ Lê Dũng Nhi, chị bảo bận không dự buổi lễ tại hãng phim hôm 6/12 và đùa bạn bè là “đến để nhìn mọi người khóc à”. Quả thực lễ kỷ niệm diễn ra tại số 4 Thụy Khuê hôm ấy do nghệ sĩ đứng ra tổ chức nặng trĩu tâm tư và không ít nước mắt.
Hàng trăm nghệ sỹ, cán bộ công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam qua nhiều thế hệ được mời về lễ kỷ niệm sáng 24/12. Một số nghệ sĩ gạo cội phía Nam như NSND Trà Giang, Minh Đức được mời nhưng không thể thu xếp công việc. Những tên tuổi gạo cội quen thuộc phía Bắc có mặt khá đầy đủ như NSND Hoàng Cúc, NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSƯT Ngọc Thu, Diệu Thuần, Vũ Đình Thân, Trần Lực, Hữu Mười, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.
NSND Hoàng Cúc thuộc biên chế Nhà hát Kịch Hà Nội, nhưng chị coi Hãng phim truyện như ngôi nhà thứ hai vì gắn bó trong một số bộ phim như Tướng về hưu, Kiếp phù du… “Tôi rất xúc động, dù không nhớ hết các thế hệ trước nhưng nhìn bạn bè cùng trang lứa như Ngọc Thu, Dũng Nhi, Trịnh Thanh Nhã..., kỷ niệm xưa ùa về chỉ muốn khóc. Và nhớ những đạo diễn gạo cội như cố đạo diễn, NSND Hải Ninh.
Lễ kỷ niệm 60 năm đáng ra phải là ngày trọng đại. Tuy thế nghệ sĩ tới đây với tâm thế không bình thường, gặp nhau ôn lại chuyện xưa có phần hồ hởi đấy nhưng trong lòng ai cũng gợn sóng. Tôi nhìn thấy trong mắt mọi người niềm đau không biết xưởng phim bề dày 60 năm lừng lững liệu có bị lãng quên không”, Hoàng Cúc chia sẻ.
Nhiều nghệ sĩ bày tỏ phức cảm pha trộn giữa niềm tự hào và nỗi đau xót trong dịp này.
NSND Nguyễn Thanh Vân từng nói về di sản gần 400 tác phẩm là “mồ hôi nước mắt thậm chí xương máu vì nhiều nghệ sĩ hi sinh ở chiến trường”, di sản đó níu giữ nghệ sĩ hiện tại với hãng phim. Chính vì thế họ đau xót khi thương hiệu bị định giá 0 đồng khi cổ phần hóa. Chủ trương cổ phần hóa là tất yếu, nhưng quá trình thực hiện lại đầy bất cập.
Không ngoài dự đoán, nghệ sĩ tỏ rõ tâm thế bất hợp tác khi được mời vào khán phòng để dự buổi lễ ôn lại truyền thống 60 năm. Họ chọn cách phản ứng khá gay gắt và có phần hơi quá trong lễ kỷ niệm. Khi đại diện Bộ VHTTDL mời nghệ sĩ lên nhận kỷ niệm chương, một nhóm giăng băng rôn yêu cầu lãnh đạo Bộ VHTTDL giải quyết vấn đề cổ phần hóa hãng phim in dòng chữ: “Cổ phần hóa là: Không việc làm, không lương, không bảo hiểm”.
Thêm hy vọng
Nghệ sĩ, nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc vì khúc mắc cổ phần hóa hãng phim chưa được giải quyết dứt điểm. Hơn năm nay họ bị cắt lương, cắt bảo hiểm. Những hứa hẹn trước khi cổ phần hóa về công việc và thu nhập không được thực hiện nên càng thất vọng. Sau khi Chính phủ có kết luận thanh tra về cổ phần hóa hãng phim tháng 9 năm ngoái, VIVASO xin thoái vốn, tuy nhiên tới nay chưa thực hiện được.
Xung quanh câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, quá trình thoái vốn của VIVASO đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục. Trước đó, lãnh đạo VOV rục rịch kế hoạch tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam, tuy nhiên tới nay tất cả đều chưa có chuyển biến. Ông Tạ Quang Đông khẳng định nghệ sĩ của hãng phim cần môi trường sáng tạo có tính đổi mới đột phá. “Quá trình đưa hãng phim đi tiếp chặng đường mới sẽ có sự ủng hộ xứng đáng từ phía các bộ ngành”, ông Tạ Quang Đông nói.
“Hãng phim truyện Việt Nam tròn một hoa giáp. Đáng ra với lịch sử tương đương đời người như vậy, đây phải là một trong những thời điểm nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của hãng tổ chức buổi lễ hoành tráng, mời lãnh đạo Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL tới dự chứ không phải Bộ VHTTDL đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm. Việc lãnh đạo Cục và Bộ mời nghệ sĩ cán bộ nhân viên đến cũng là họp mặt có thể xem như tín hiệu ấm áp gửi đi thông điệp có chút hy vọng. Lễ kỷ niệm vào ngày Giáng sinh, nên với tư cách nghệ sĩ tôi tin vào đất nước, vào lịch sử hãng phim đi liền các cuộc chiến tranh, công cuộc xây dựng xã hội. Tôi cũng tin vào chính mình, vào lớp trẻ của các anh chị em ở hãng”, NSƯT Bùi Tuấn Dũng nói với Tiền Phong.
Đạo diễn Những người viết huyền thoại phân trần, lâu nay mọi người dường như hiểu lầm về nghệ sĩ hãng phim: Thực tế hơn 20 năm nay nghệ sĩ không phụ thuộc vào tiền đầu tư của nhà nước. Phần tiền hỗ trợ của nhà nước thêm phần vào lương và chế độ của nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên. Họ vẫn tồn tại, mang các hợp đồng về hãng chứ cứ đà vài năm mới có một phim đặt hàng thì không thể nuôi quân.
“Nhà nước phải luôn tỉnh táo về vấn đề cổ phần hóa, nếu không muốn biến cổ phần hóa thành cơ hội tham nhũng chính sách. Nếu chưa thực hiện được thì nên chờ thời điểm thích hợp để cổ phần hóa, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước. Cổ phần hóa là tất yếu, cần mang lại hiệu quả và lợi ích cho nhà nước, sự ấm no và an toàn cho nghệ sĩ và cán bộ của các đơn vị nghệ thuật”.Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng
Hãng phim truyện Việt Nam thành lập ngày 7/12/1959, với tác phẩm đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng - Chung một dòng sông. Suốt 60 năm qua, hãng có được 65 Bông sen vàng tại các kỳ liên hoan phim quốc gia, và nhiều giải thưởng quốc tế. Có 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 Giải thưởng Nhà nước cho các nghệ sỹ của hãng phim.