60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh: Phát triển ngay trong chiến tranh, bom đạn; hình thành diện mạo mới (Kỳ I)

Nhìn lại chặng đường 60 năm phát triển, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tỉnh Quảng Ninh luôn giữ vững truyền thống 'Kỷ luật-Đồng tâm', vượt lên mọi khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Khẩu đội pháo cao xạ đóng trên đồi cao ở thị xã Hồng Gai đã bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu 5/8/1964. (Ảnh Tư liệu tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Khẩu đội pháo cao xạ đóng trên đồi cao ở thị xã Hồng Gai đã bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu 5/8/1964. (Ảnh Tư liệu tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Trong suốt chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay (1963-2023), Quảng Ninh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Từ những khó khăn thời kỳ đầu khi mới thành lập, đến những gian khổ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rồi chiến tranh biên giới...

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đoàn kết phát huy truyền thống “Kỷ luật-Đồng tâm” của Vùng mỏ bất khuất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh luôn vượt qua mọi khó khăn thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong từng giai đoạn.

Tìm hiểu những tài liệu lịch sử, có thể thấy rằng, trong thời kỳ chiến tranh bom đạn, bên cạnh việc anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tỉnh Quảng Ninh vẫn tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo đời sống, giữ vững an ninh chính trị, duy trì, nâng cao các hoạt động văn hóa xã hội…

Viết lên truyền thống hào hùng

Chính quyền non trẻ khi vừa thành lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, quân và dân Quảng Ninh còn phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Ninh đã đánh thắng giặc Mỹ ngay trận đầu, bắn rơi 3 máy bay phản lực siêu âm, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên - Trung úy Anvaret.

Ngày 5/8/1964 đã trở thành ngày đánh thắng trận đầu của Quân chủng Phòng không- Không quân Việt Nam, trong đó quân và dân Quảng Ninh đã góp phần xứng đáng viết lên truyền thống hào hùng đó.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế cũng cho thấy những dấu hiệu rất tích cực. Trong năm 1964, Quảng Ninh còn hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.

Ngày 2/2/1965, Quảng Ninh vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác đã có buổi nói chuyện thân mật với đồng bào trong cuộc mít-tinh tại sân trường cấp III Hòn Gai. Trên đường đi, Bác cũng dừng chân tại trường cấp I Phạm Hồng Thái (huyện Đông Triều), đồi thông Yên Lập (Uông Bí) để trò chuyện với nhân dân, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại nơi đây.

Hai thời tổng thống Mỹ Johnson và Nixon cũng là hai thời kì Quảng Ninh bị đánh phá ác liệt. Quân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã chiến đấu, đánh trả 7.417 đợt máy bay vào dội bom xả đạn, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại, bắn chìm nhiều tàu chiến, diệt và bắt nhiều giặc lái của Mỹ.

Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, công nhân và nông dân cùng các tầng lớp lao động trong tỉnh vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, nâng cấp 117 km đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, rèn luyện thân thể.

Trong bối cảnh này, mọi lĩnh vực hoat động trên đất mỏ không những giữ được ổn định mà còn tiếp tục phát triển. Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1975 của tỉnh Quảng Ninh đạt 2.169 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với năm 1965 (giá cố định 1970). Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1975 bằng 1,21 lần so với năm 1965.

Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội theo cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976). Song, ngay tức thì, đất nước ta lại đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.

Trong bối cảnh chung của đất nước, Quảng Ninh đã tự tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng vạn thợ mỏ vẫn bám tầng, bám máy để sản xuất thật nhiều than cho nền kinh tế quốc dân. Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập đoàn tàu viễn dương để buôn bán với nước ngoài; xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ.

Một góc thị xã Hòn Gai xưa. (Ảnh tư liệu - Nguồn: BQN)

Một góc thị xã Hòn Gai xưa. (Ảnh tư liệu - Nguồn: BQN)

Những bước tiến lớn

Thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986), tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Việc thực thi cơ chế chính sách đổi mới đã tạo cho Quảng Ninh một diện mạo mới và bước phát triển nhanh chóng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân từ 9,6%/năm giai đoạn 1986-1995 lên 12,65%/ năm trong giai đoạn 1996 - 2005, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm từ 18 đến 20% năm…

Bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã về thăm và làm việc tại Quảng Ninh.

Trong buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu các lực lượng vũ trang và giám đốc các công ty than, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: "Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, trên cơ sở đó để từng bước đổi mới, cả trong nếp nghĩ, cách làm nhằm tháo gỡ khó khăn..."

Có thể nói, đây chính là phương châm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh trong thời kỳ này. Và đây cũng là cơ sở, tiền đề để Quảng Ninh vượt qua khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70-80% về ngân sách, đến năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…

Phát huy truyền thống “Kỷ luật-Đồng tâm”, công nhân ngành than tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp của miền Bắc. Năm 2005 đánh dấu một mốc son của ngành khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khai quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam.

Sản lượng khai thác than được tăng lên đáng kể. Nếu như năm 1964 sản lượng than chỉ đạt trên 1 triệu tấn; hơn 30 năm sau, năm 1995 con số này chỉ ở mức 7,6 triệu tấn, thì năm 2011, tập đoàn đã khai thác được 48,2 triệu tấn với doanh thu đạt trên 93 ngàn tỷ đồng.

Giai đoạn 2006-2011, tỉnh Quảng Ninh có mức tăng trưởng cao với mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 12%/năm, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của cả nước là 6,5%. GDP bình quần đầu người năm 2011 dạt 46,7 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần mức trung bình cả nước.

Tỉnh đã có bước tiến dáng kể trong việc dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nông nghiệp và khai thác than; ngành dịch vụ chiếm 37% tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh thu hút được khối lượng đầu tư lớn. Vốn đầu tư phát triển tăng gấp đôi từ 16,5 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 38,4 nghìn tỷ đồng năm 2011. Mức vốn đầu tư trung bình hàng năm đạt 96% GDP, lớn gấp 2,3 lần mức đầ tư trung bình của Việt Nam.

Tổng thu ngân sách nhà nước tăng hơn 5 lần từ 6,679 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 37,398 nghìn tỷ đồng năm 2011. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đạt những thành tựu nổi bật về y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường.

Mỗi bước tiến quan trọng như từng "viên gạch" góp phần xây dựng nên nền tảng vững chắc để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hội tụ và lan tỏa, phát triển bền vững trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

(Còn tiếp)

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/60-nam-ngay-thanh-lap-tinh-quang-ninh-phat-trien-ngay-trong-chien-tranh-bom-dan-hinh-thanh-dien-mao-moi-ky-i-236182.html