60 năm nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những vết thương hằn sâu, dai dẳng. Từ ngày 10/8/1961, trong thời gian 10 năm, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa dioxin xuống diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, làm 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân.

Nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8/1961 - 10/8/2021)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở thị xã Sa Pa. Ảnh: Hoàng Thu

Thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không còn thiên chức làm mẹ, nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng giờ, từng ngày quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Hàng trăm nghìn nạn nhân đang phải sống trong cảnh khó khăn. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le về kinh tế, đau đớn thể chất, day dứt về tinh thần. Không ít gia đình có đến bảy, tám nạn nhân; lại có gia đình cả ba thế hệ đều là nạn nhân da cam. Cho đến nay, họ vẫn là người “nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.

Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được lấy là Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với ý nghĩa cùng sẻ chia với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin và thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chung tay đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. Theo đó, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Tỉnh Lào Cai hiện có 1.692 người bị nhiễm chất độc da cam, trong số đó có khoảng 1.300 người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường và 392 con đẻ của họ bị ảnh hưởng. Phần lớn các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn không thể bù đắp, xoa dịu nỗi đau, họ rất cần sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lào Cai được thành lập ngày 4/12/2013 với nhiều hoạt động hiệu quả, mục đích là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ nạn nhân và gia đình vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng; thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận động nguồn lực của xã hội, tổ chức, cá nhân chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; tích cực tham gia các hoạt động của Trung ương Hội trong công cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, chống chiến tranh hóa học, chiến tranh hủy diệt toàn cầu.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã làm tốt công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Toàn tỉnh đã có 3 huyện, thị xã, thành phố và 13 xã, phường thành lập tổ chức hội với gần 700 hội viên. Các tổ chức hội hoạt động hiệu quả, mỗi hội viên là tấm gương sáng trong gia đình, là công dân tích cực, gương mẫu tại khu dân cư.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công là nạn nhân da cam. Trong những năm qua, Hội đã vận động nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân được gần 2 tỷ đồng xây dựng 2 nhà tình nghĩa, hỗ trợ cấp 25 xe lăn, cho 16 nạn nhân vay vốn sản xuất với số tiền 130 triệu đồng. Trong các ngày lễ, tết, 10/8 hằng năm, Hội đều có quà tặng cho các nạn nhân với trên 1.500 suất/năm.

Nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự sẻ chia, tương trợ giữa các hội viên, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật, phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, giúp đỡ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, điển hình là ông Phạm Văn Chiến (Bảo Hà, Bảo Yên), ông Bùi Huy Kha (thị xã Sa Pa), ông Vũ Xuân Đình (huyện Bát Xát), ông Trần Bá Tưởng (huyện Bắc Hà), ông Trịnh Khắc Giao, ông Hoàng Văn Túc (huyện Bảo Thằng), ông La Văn Bằng, bà Lục Thị Ing, bà La Thị Phiên (huyện Văn Bàn)…

Từ những sẻ chia, tương trợ và nghị lực của chính nạn nhân, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được nâng lên đáng kể nhưng hậu quả họ đang gánh chịu khó có thể bù đắp. Đã 60 năm Việt Nam phải hứng chịu thảm họa da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học.

Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh mong muốn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, cá nhân, các nhà hảo tâm trong tỉnh bằng tấm lòng nhân ái chung tay đóng góp, ủng hộ, nhận giúp đỡ, chăm sóc trực tiếp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345812-60-nam-noi-dau-da-cam