60 năm phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô: Hiến trọn thanh xuân cho đất nước
'Thế hệ chúng tôi, những cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô đã sống, làm việc, học tập, lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước...', bà Long Thị Vy Phúc, cựu đội viên phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô xúc động ôn lại kỷ niệm.
Ngày 10/8, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Hội Cựu TNXP Thành phố, Ban Liên lạc Cựu TNXP Tháng 8 Thủ đô tổ chức chương trình Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống phong trào Thanh niên xung phong tình nguyện Tháng 8 Thủ đô (15/8/1963 - 15/8/2023).
Dự chương trình có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội và đại biểu cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô.
Tại diễn văn kỷ niệm, ông Trần Hữu Mai - Trưởng ban liên lạc Cựu TNXP Tháng 8 Thủ đô cho biết, cách đây 60 năm, vào mùa Thu năm 1963, với tinh thần thanh niên sẵn sàng “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”, dưới sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, Đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội đã phát động “Phong trào vận động thanh niên Thủ đô xung phong tình nguyện đi xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi”.
Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của thanh niên Thủ đô. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Đoàn, hàng nghìn thanh niên Hà Nội là những học sinh vừa tốt nghiệp lớp bảy, lớp mười; những giáo sinh mới tốt nghiệp Trung cấp sư phạm; những thanh niên đang làm việc trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đã xung phong tình nguyện đi tham gia xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi.
Sáng 15/8/1963, tại ga Hàng cỏ Hà Nội đã tiễn gần 1.000 đội viên TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô, được biên chế thành 12 “Đội Thanh niên Tháng 8 Thủ đô” đầu tiên, lên đường tham gia lao động sản xuất và công tác ở các tỉnh miền núi từ Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, đến các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Sau đó, những tháng cuối năm 1963 và 1964, phong trào thanh niên Thủ đô xung phong tình nguyện đi xây dựng kinh tế văn hóa miền núi vẫn được tiếp tục tổ chức, cho đến khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc thì tiếp đến các phong trào khác như Ba sẵn sàng, TNXP chống Mỹ cứu nước. Và ngày 15/8/1963 đã trở thành ngày truyền thống của phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô đi xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi (1963-1964).
Ông Mai cho hay, các cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị như lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội khác như: tham gia dạy bổ túc văn hóa cho đồng bào các dân tộc nơi đóng quân, tổ chức sinh hoạt văn nghệ quần chúng với nhiều hình thức phong phú như “Hội diễn văn nghệ công trường” với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.
“Có thể nói, phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô năm xưa, đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng thời kỳ đó và làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ thanh niên tuổi trẻ hôm nay, trong các phong trào thanh niên tình nguyện, lập nghiệp và giữ nước”, ông Trần Hữu Mai nói.
Bồi hồi ôn lại kỷ niệm, bà Long Thị Vy Phúc, cựu đội viên phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 xúc động cho biết, bà được cử lên Nông trường Quốc doanh Tô Hiệu - tỉnh Sơn La. “Từ những thanh niên học sinh Hà Nội tuổi còn rất trẻ, quen với phố phường và ánh đèn thành phố, chúng tôi tiếp cận với những khu nhà tranh vách nứa, không điện, không nước máy, không rạp chiếu bóng, không hàng quà rong… Những ngày đầu tham gia lao động sản xuất ở Nông trường thực sự là những thử thách to lớn đối với chúng tôi”, bà Phúc nhắc lại ký ức thời thanh xuân sôi nổi.
Bà cho hay, những công việc mới mẻ, vất vả như lên rừng chặt gỗ, chặt nứa, tự làm lán trại để ở, khai hoang lấy đất trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, chăn nuôi gà, lợn… đã rèn luyện ý thức và nghị lực để các đội viên vượt qua tất cả và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
“Thế hệ chúng tôi, những cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô đã sống, làm việc, học tập, lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào về những năm tháng đẹp đẽ ấy”, bà Phúc nói.
Tại chương trình kỷ niệm, để ghi nhận những đóng góp của các đồng chí hội viên cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô có thành tích tiêu biểu trong thời gian qua, Hội Cựu TNXP Thành phố trao tặng Giấy khen cho 24 gương hội viên tiêu biểu.