60 năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã trở thành cái nôi nghệ thuật lớn của miền Bắc, là cánh chim đầu đàn của ngành Tuồng cả nước
Sáng 9/9, tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam. Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa chúc mừng Nhà hát nhân sự kiện này.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Dương Duy Biên và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ VHTTDL, các thế hệ diễn viên, người lao động của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam đã ôn lại chặng đường 60 năm của Nhà hát kể từ hai nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật Tuồng là Quang Tốn và Bạch Trà đặt nền móng. Trải qua một số lần đổi tên cũng như những năm tháng chiến tranh các nghệ sĩ của Nhà hát đã không ngại khó, ngại khổ phục vụ đồng bào, chiến sĩ để khích lệ động viên tinh thần. 60 năm hình thành, xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã hội tụ được nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng, tâm huyết. 60 năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Huân chương lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Tuy nhiên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho biết hiện nay nghệ thuật Tuồng đang đứng trước một số khó khăn như khán giả trẻ thưa vắng. Đứng trước những khó khăn này, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã và đang có những nỗ lực thay đổi, chuyển mình để nghệ thuật Tuồng được yêu thích, đến gần hơn với công chúng đương đại trong và ngoài nước…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL gửi tới Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng toàn thể viên chức, diễn viên lời chúc mừng.
Cùng ôn lại chặng đường cách đây 60 năm Đội Tuồng Bắc Trung ương nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam được thành lập được Đảng và Nhà nước giao trọng trách bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc. Bộ trưởng nhìn nhận, 60 năm qua Nhà hát đã luôn kế thừa vốn nghệ thuật Tuồng truyền thống quý báu của cha ông, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để sáng tạo nên nhiều tác phẩm, nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà.
Bộ trưởng đánh giá cao những phấn đấu sáng tạo không ngừng của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên của nhà hát Tuồng Việt Nam. Trên chặng đường 60 năm qua Nhà hát đã thực sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn của miền Bắc, là cánh chim đầu đàn của ngành Tuồng cả nước, hội tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên tài năng, tâm huyết.
Lịch sử truyền thống 60 năm qua của Nhà hát đã tạo nên nguồn động lực không chỉ cho sáng tạo nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là dịp để khích lệ, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ góp phần phát triển và gìn giữ nghệ thuật Tuồng được coi là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để Nhà hát ngày càng vững mạnh và đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động nghệ thuật, Bộ trưởng đề nghị: Cần xây dựng kế hoạch và những giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết 23/2008 của Bộ Chính trị về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết TW9 khóa XI về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Nhà hát phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, không ngừng đoàn kết phấn đấu cùng nhau khắc phục những khó khăn, chú trọng đào tạo các nghệ sĩ có trình độ cao về chuyên môn để nâng cao chất lượng trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, cũng như dàn dựng được nhiều vở diễn có chất lượng để tiếp tục phục vụ nhân dân ngày càng có hiệu quả hơn.
Tiếp đến, Nhà hát cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao nhằm tuyên truyền giới thiệu rộng rãi hơn nữa nhân dân trong nước, đặc biệt đối với khán giả trẻ, khán giả nước ngoài. Nêu cao vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật Tuồng truyền thống để xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành Tuồng cả nước.
Bộ trưởng cũng đề nghị Nhà hát cần vững bước đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của cán bộ , văn nghệ sĩ. Tiếp tục phấn đấu xây dựng Nhà hát là đơn vị nghệ thuật mẫu mực, đáp ứng được lòng yêu mến của khán giả, phục vụ nhân dân mọi miền đất nước.
Bộ trưởng tin tưởng rằng Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công mới trên con đường sáng tạo, nghệ thuật, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho là bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc.
Tại Lễ kỷ niệm, các nghệ sĩ gạo cội như NSND Mẫn Thu, nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp cũng đã kể lại những kỷ niệm xúc động, lửa nghề đầy tâm huyết cũng như chặng đường đến với nghệ thuật Tuồng.