60 năm thăng trầm của phi cơ B-1B Lancer, kỵ binh ném bom từ Mỹ
Với tầm bay hơn 9.000 km, mang theo 56 tấn bom đạn các loại, máy bay ném bom B-1B Lancer có thể tấn công ở bất kỳ đâu trên thế giới và được đánh giá là 'kỳ quan công nghệ' của Mỹ.
Cuối tháng 4, Không quân Mỹ liên tục điều máy bay ném bom chiến lược bay thẳng từ lục địa Mỹ đến làm nhiệm vụ ở châu Á. Ngày 22/4, Không quân Mỹ điều động máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay từ căn cứ ở bang South Dakota đến Nhật Bản để tập trận cùng không quân nước này.
Ngày 28/4, 2 máy bay ném bom B-1B tiếp tục được điều động để tuần tra trên Biển Đông. Chuyến làm nhiệm vụ khứ hồi đến Biển Đông kéo dài trong 32 giờ, chứng minh khả năng hoạt động xuyên lục địa của không quân chiến lược Mỹ.
Theo Airforce Technology, Rockwell B-1 Lancer là loại máy bay ném bom chiến lược do Rockwell International (nay thuộc Boeing) chế tạo vào đầu thập niên 1970. Mục tiêu của chương trình là phát triển loại máy bay ném bom tốc độ cao tương tự B-58 Hustler và có khả năng mang tải trọng vũ khí như B-52 Stratofortress.
B-1 được dự định thay thế cho B-58 và B-52 để trở thành lực lượng chủ lực trong không quân chiến lược của Mỹ.
Hai lần bị hủy bỏ
Chương trình B-1 được khởi động vào những năm 1960, nhưng đã bị trì hoãn bởi sự ra đời của máy bay ném bom chiến thuật tầm trung F-111. Tuy nhiên, khi tổng thống Richard Nixon nhậm chức, ông đã quyết định giảm số lượng F-111, vì chúng không có tầm bay xa và sự linh hoạt.
Chương trình B-1 được khởi động lại. Vào tháng 4/1969, chương trình chính thức được đặt tên là B-1A Lancer (Kỵ binh). Máy bay có thiết kế kiểu “cánh cụp - cánh xòe” cho phép bổ nhào tấn công ở độ cao thấp, một tính năng mà B-52 dù hiệu quả nhưng không làm được.
Thiết kế “cánh cụp - cánh xòe” cũng giúp cho máy bay cất, hạ cánh với đường băng ngắn hơn, trong khi vẫn có thể mang tải trọng vũ khí lớn. Nguyên mẫu B-1A thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 23/12/1974.
Năm 1976, phi công Liên Xô Viktor Belenko, đào tẩu sang Nhật Bản cùng chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-25 Foxbat, đã tiết lộ một số tính năng mới trên mẫu tiêm kích đánh chặn MiG-31 đang phát triển với radar “look-down/shoot-down” (nhìn xuống/bắn xuống), có thể tấn công tên lửa hành trình.
Điều này khiến những máy bay được thiết kế để xâm nhập không phận ở độ cao thấp như B-1 có thể dễ dàng bị nhìn thấy và bắn hạ, khiến chương trình B-1A ngày càng bị nghi ngờ. Chương trình B-1 liên tục bị các chính trị gia chỉ trích và ông Jimmy Carter đã sử dụng nó như một công cụ vận động tranh cử.
Năm 1977, sau khi nhậm chức tổng thống, ông Carter đã cho đánh giá lại toàn bộ chương trình. Bên cạnh đó, máy bay ném bom B-52 đã được nâng cấp với tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không, cho phép tấn công Liên Xô mà không cần tiến vào không phận.
Ngày 30/6/1977, tổng thống Carter tuyên bố hủy bỏ chương trình B-1A và khởi động chương trình máy bay ném bom công nghệ tiên tiến (ATB), dẫn đến sự phát triển của máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit.
Năm 1981, tổng thống Ronald Reagan quyết định hồi sinh chương trình B-1 với một số nâng cấp để phù hợp với tình hình mới, khi Liên Xô đã đạt được một số thành tựu về phòng không và radar.
Chương trình được gọi là B-1B, với một số nâng cấp gồm tăng trọng lượng cất cánh từ 179 tấn của B-1A lên 216 tấn, cập nhật hệ thống tác chiến điện tử mới và công nghệ cảm biến cho phép tấn công chính xác mục tiêu bằng vũ khí dẫn đường công nghệ cao.
Tìm một vị trí trong thế giới mới
Vào tháng 12/1998, 7 năm sau những phát súng cuối cùng của Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, các phi công Mỹ một lần nữa bay nhiệm vụ chiến đấu trên lãnh thổ Iraq, trong nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của B-1B Lancer.
Sau nhiều thập kỷ phát triển, bị hủy bỏ, tái khởi động, rồi lại ngồi dự bị thêm 13 năm nữa, cuối cùng Bone (biệt danh của máy bay) đã có cơ hội để thể hiện năng lực của nó.
“Thất bại không phải là một lựa chọn tối hôm đó”, trung tá Gordon Greaney, sĩ quan điều hành vũ khí trên chuyến bay hôm đó nhớ lại.
Ngày 17/12/1998, 2 chiếc B-1B vượt qua biên giới Iraq, họ được cảnh báo về 3 trận địa phòng không dọc theo đường bay. Những viên đạn của pháo phòng không Iraq xé toạc bầu trời trong nỗ lực bắn hạ chiếc B-1B trên đầu họ.
Khi các máy bay ném bom tiếp cận được mục tiêu, cửa khoang bom nhanh chóng được mở, hàng chục quả bom nặng 225 kg được thả xuống mục tiêu, trước khi máy bay chao cánh để bay trở về nhà. Phải đến một ngày sau, các phi công mới biết rằng nhiệm vụ của họ đã thành công.
Đó là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của B-1B Lancer, không chỉ là một máy bay chiến đấu mà là nền tảng có thể đảm nhiệm nhiều chức năng hơn so với mục đích ban đầu của nó là tấn công hạt nhân.
Sau khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START-I) được ký kết vào năm 1995, tất cả B-1B đều được phi hạt nhân hóa. Dù quá trình này đã bắt đầu từ hơn 20 năm trước, nhiều quốc gia và tờ báo trên thế giới vẫn xem B-1B là máy bay ném bom hạt nhân.
Vai trò hạt nhân cũ của B-1B đã khiến nó phải ở ngoài cuộc trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, nhưng việc loại bỏ khả năng tấn công hạt nhân đã giúp B-1B trở thành máy bay ném bom thông thường.
Việc bổ sung cảm biến nhắm mục tiêu gắn ngoài Sniper do Lockheed Martin sản xuất đã sớm cho phép B-1B sử dụng thế hệ bom thông minh mới. Không giống những quả bom rơi tự do mà B-1B lần đầu ném xuống Iraq trong chiến dịch Cáo sa mạc, Lancer bây giờ có thể ném loại bom dẫn đường chính xác.
Khả năng mang nhiên liệu và vũ khí cực kỳ ấn tượng của B-1B khiến nó trở thành một “anh hùng” trong các nhiệm vụ chiến đấu tầm xa, từ Iraq đến Syria. Lancer có thể lảng vảng trên khu vực mục tiêu trong nhiều giờ, cung cấp thông tin trinh sát thời gian thực cho trung tâm chỉ huy và binh lính trên mặt đất.
Những cải tiến công nghệ cho phép B-1B có thể tấn công thông qua hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser của bộ binh trên mặt đất, hoặc ném những quả bom thông minh đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ vài mét.
Sự kết hợp giữa trinh sát và tấn công chính xác đã giúp B-1B nhanh chóng trở thành phương tiện được yêu thích trong các nhiệm vụ hỗ trợ trên không. Năm 2018, Boeing đã giới thiệu gói nâng cấp với tháp pháo có thể mở ra thu vào để biến B-1B từ một máy bay ném bom thành pháo hạm tương tự vai trò của AC-130U.
Kẻ đánh bom không giống ai
Từ những năm Thế chiến II, Mỹ đã thay đổi chiến lược chiến đấu trên không, từ sự thống trị về số lượng chuyển sang thống trị về công nghệ. Dù B-1B đã cất cánh hơn 40 năm trước, các bản cập nhật công nghệ và nâng cấp giúp Lancer vẫn là một kỳ quan công nghệ thời hiện đại.
Tuy là máy bay ném bom hạng nặng, Lancer có thể bay với tốc độ siêu thanh hơn 1.300 km/h. Cung cấp lực đẩy cho cỗ máy nặng 216 tấn là 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102.
Một trong những tính năng “điên rồ” nhất của B-1B là khả năng bay men theo địa hình.
“Chúng tôi có thể sử dụng radar để bay men theo địa hình giữa các dãy núi”, thiếu tá Coyote Laney, phi công huấn luyện bay thuộc phi đội ném bom 28 nói với Popular Mechanics.
Ở độ cao đó, hầu hết hệ thống radar phòng không đều gặp khó khăn trong việc phân biệt B-1B với địa hình xung quanh, đặc biệt với địa hình đồi núi.
“Thật điên rồ khi bay ở độ cao 60 m, nhưng chúng tôi có thể làm điều đó vào ban đêm hoặc trong điều kiện không thể nhìn thấy gì... tỷ lệ sai sót trong khi bay ở độ cao này rất thấp”, thiếu tá Laney nói.
Không quân Mỹ đã tuyên bố ý định cho B-1B nghỉ hưu để ủng hộ máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ tiếp theo B-21 Raider, nhưng có vẻ như B-1B sẽ còn tiếp tục phục vụ trong thời gian dài tới.
Tháng 4/2018, B-1B đã chứng minh vai trò mới đó là bắn 19 đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm JASSM vào mục tiêu ở Syria. Tầm bắn mở rộng và khả năng tàng hình của JASSM làm cho nó trở thành một sự bổ sung quan trọng cho kho vũ khí của B-1B.
Đặc biệt, tên lửa chống hạm tầm xa LRASM đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu trên B-1B vào năm 2018. “Điều đó làm cho chúng tôi trở thành nền tảng chống hạm hàng đầu”, thiếu tá Laney nói.
Hai đời tổng thống và rất nhiều hỏa lực phòng không đã cố gắng để giết chết Lancer, nhưng không ai có thể kéo nó xuống mặt đất. B-1B tiếp tục thống trị bầu trời và trở thành cỗ máy chiến tranh đặc biệt.