60 ngày trước bầu cử Mỹ: Hai nền tảng chính sách đối lập
Trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết, có lẽ không ngạc nhiên gì khi hai ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris đưa ra những chính sách hoàn toàn đối ngược, cho thấy hai viễn cảnh hoàn toàn khác về một nước Mỹ dưới họ.
Lời tòa soạn: Chưa đầy 2 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ quyết định bầu ai trở thành Tổng thống tiếp theo. Mọi con mắt đang hướng về Mỹ trong thời điểm đầy căng thẳng trước bầu cử. Với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, VietNamNet xin giới thiệu với độc giả “cẩm nang” 5 bài viết để hiểu về những diễn biến chính trị tại Mỹ hướng tới cuộc bầu cử này.
Xem Phần 1: Bầu cử Mỹ sẽ diễn ra như thế nào?
Xem Phần 2: Một cuộc bầu cử không có tiền lệ
Kamala Harris
Khi Hillary Clinton tranh cử Tổng thống năm 2016, bà đã có hơn 200 đề xuất chính sách riêng biệt. Năm 2020, Joe Biden yêu cầu có một nhóm đặc nhiệm viết một bản dự thảo chính sách dài 110 trang cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Trong khi đó, mặc dù chỉ còn ít hơn 2 tháng trước ngày bầu cử, Phó Tổng thống Harris vẫn chưa công bố các chính sách bà dự định sẽ triển khai nếu trở thành Tổng thống. Thay vào đó, chiến dịch tranh cử vào phút chót của bà Harris đang chủ yếu được thúc đẩy bởi thiện cảm và sự nồng nhiệt của Đảng Dân chủ dành cho bà, tập trung vào việc tiếp tục và mở rộng các chính sách được giới thiệu dưới chính quyền Biden-Harris.
Harris định hình chiến dịch tranh cử của mình như một “sự lựa chọn giữa tự do và hỗn loạn”, dựa trên các lý tưởng về “tự do” và “tương lai”
Trong một vài bài phát biểu, bà đã nhấn mạnh vào các vấn đề như chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm thiểu bất bình đẳng, và bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp lao động. Một trong những chính sách bà cam kết sẽ thúc đẩy là để mở rộng tín dụng thuế trẻ em (Child Tax Credit) và tăng các khoản hỗ trợ cho các gia đình có trẻ sơ sinh, nhằm hỗ trợ các gia đình có thu nhập trung bình và thấp để nuôi dạy con cái. Bà cũng sẽ thúc đẩy Tín dụng thuế thu nhập (Earrned Income Tax Credit) và gia hạn các khoản trợ cấp bảo hiểm y tế từ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng (ACA).
Harris cũng cam kết sẽ giảm bớt gánh nặng giá cả sinh hoạt, bao gồm chi phí thực phẩm và bất động sản - một vấn đề chính quyền Biden đã bị chỉ trích nặng nề sau khi giá cả tăng vọt tại Mỹ trong suốt 3 năm qua. Về vấn đề nhập cư, Harris ủng hộ một cách tiếp cận “nhân đạo” hơn so với các chính sách dưới thời Trump, đồng thời nhấn mạnh việc cải cách để tạo con đường nhập cư hợp pháp cho người tị nạn, đặc biệt là những người thuộc chương trình Dreamers. Trong các vấn đề đối ngoại, bà Harris vẫn đề cập rất ít, nhưng dự định sẽ tiếp tục khung chính sách của ông Biden, tập trung vào việc duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ toàn cầu.
Ngoài ra, bà đã định hình chiến dịch tranh cử của mình như một “sự lựa chọn giữa tự do và hỗn loạn”, dựa trên các lý tưởng về “tự do” và “tương lai”. Chiến dịch của Harris đã tìm cách làm nổi bật kinh nghiệm của bà với tư cách là một cựu Tổng chưởng lý và công tố viên để “khởi tố vụ án” chống lại Trump bằng cách theo đuổi 34 bản án ông hiện đang phải đối mặt với.
Tuy nhiên, việc thiếu một nền tảng chính sách cụ thể chỉ hai tháng trước ngày bầu cử đã gây ra hàng loạt chỉ trích từ các đối thủ chính trị và một phần cử tri, thậm chí là những người trong Đảng Dân chủ đang mong chờ một chương trình nghị sự rõ ràng hơn từ bà Harris. Đây có thể là một chiến lược nhắm giữ tính linh hoạt của bà Harris trước những biến động chính trị, hoặc để tập trung vào việc đối đầu trực tiếp với các chính sách mà Donald Trump đưa ra, thay vì tự mình đưa ra các đề xuất dễ bị tấn công là không đủ cánh tả hay thiên tả quá mức. Tuy nhiên, điều này cũng đã đặt bà Harris vào thế phòng thủ, cho phép các đối thủ dễ dàng chỉ trích sự mơ hồ trong chiến dịch tranh cử của bà.
Donald Trump
Trái ngược với Harris, Donald Trump đã công bố nền tảng chính sách chi tiết nếu ông quay trở lại Nhà Trắng, mang tên Agenda 47, với mục tiêu đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu thế giới và bảo vệ các giá trị bảo thủ truyền thống, nhằm “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trump đã đưa ra 20 cam kết chính trong Agenda 47, bao gồm các biện pháp nặng tay về kiểm soát nhập cư, tạo công ăn việc làm, phát triển quân đội, cũng như là cắt giảm thuế và các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế và giảm lạm phát - một thứ ông cho rằng chính quyền Biden-Harris đã hoàn toàn thất bại.
Chương trình nghị sự của Trump bao gồm các cải cách văn hóa và giáo dục nhằm chống lại cuộc chiến tranh văn hóa đang diễn ra tại Mỹ, mà ông đổ lỗi cho “các hệ tư tưởng cánh tả cấp tiến”. Ông đề xuất cắt giảm tài trợ liên bang cho các trường dạy lý thuyết chủng tộc phê phán (critical race theory) hay thúc đẩy tư tưởng giới tính cấp tiến. Ngoài ra, một trong 20 cam kết của Trump đi thẳng vào một vấn đề văn hóa thường xuyên được đề cập tại Mỹ - liệu đàn ông chuyển giới có được tham gia vào các giải đấu thể thao phụ nữ hay không.
Giống với nhiệm kỳ đầu tiên, Trump cũng cam kết sẽ tập trung mạnh mẽ vào các vấn đề luật pháp và trật tự, nhằm triển khai các chính sách thực thi pháp luật chặt chẽ, tiêu diệt các băng đảng ma túy, chống bạo lực băng đảng, và tăng hình phạt đối với tội phạm bạo lực. Ông đặt mục tiêu khôi phục “luật pháp và trật tự” ở các thành phố lớn, cáo buộc chính quyền Biden và các thị trưởng Dân chủ ở những nơi như Los Angeles và San Francisco là đã hoàn toàn mất kiểm soát khả năng đảm bảo an ninh trật tự tại đây, dẫn đến nạn vô gia cư và tội phạm tràn lan.
Một trong 20 cam kết của Trump đi theo lập trường bảo hộ, khẳng định rằng ông sẽ chấm dứt việc thuê ngoài và biến Mỹ trở thành một “cường quốc sản xuất”, thông qua việc giảm thuế và bãi bỏ các quy định hành chính ông cho là cản trở sự phát triển nền kinh tế. Trump cũng muốn biến Mỹ trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, có lẽ bằng cách đảo ngược các quy định về môi trường để cho phép khai thác các nguồn năng lượng không tái tạo dễ dàng hơn. Điều này có thể thấy rõ trong một cam kết khác của Trump, rằng ông sẽ chấm dứt những nỗ lực chuyển nước Mỹ sang sử dụng xe điện bằng cách cắt bỏ các quy định “tốn kém và tạo gánh nặng” cho người tiêu dùng.
Donald Trump đi theo lập trường bảo hộ, khẳng định rằng ông sẽ chấm dứt việc thuê ngoài và biến Mỹ trở thành một “cường quốc sản xuất”, thông qua việc giảm thuế và bãi bỏ các quy định hành chính ông cho là cản trở sự phát triển nền kinh tế.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Trump hứa hẹn với cử tri là sẽ đưa ra các chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt và thuế quan để bảo vệ nền kinh tế khỏi sự cạnh tranh “không công bằng” từ Trung Quốc, đồng thời tăng sức ép buộc Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế do Mỹ đặt ra. Ông cũng cam kết sẽ đàm phán lại hoặc rút khỏi các hiệp định thương mại ông cho rằng không công bằng với Mỹ, một thứ Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu khi rút khỏi CPTPP và đàm phán lại hiệp định thương mại Bắc Mỹ. Trump cũng cam kết sẽ “ngăn chặn Thế chiến thứ 3” bằng cách đem hòa bình trở lại cho Châu Âu và Trung Đông, ám chỉ đến mong muốn chấm dứt xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhanh nhất có thể.
Dự án 2025 (Project 2025)
Gần đây, chiến dịch tranh cử của Donald Trump đã bị gắn liền với Dự án 2025 (Project 2025) của Tổ chức Heritage Foundation, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thay đổi sâu rộng bộ máy chính quyền liên bang Mỹ nếu Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong năm 2024. Mặc dù Trump đã lên tiếng rằng ông không ủng hộ dự án này, thậm chí còn nói “một vài đề xuất của Dự án 2025 quá cực đoan”, nhiều cá nhân từng làm việc trong chính quyền Trump đang tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai dự án. Điều này khiến Trump bị truyền thông Mỹ và các đối thủ chính trị gắn kết chiến dịch tranh cử của ông với Dự án 2025, nói rằng nếu Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông sẽ giới thiệu các chính sách dựa trên Dự án để “hủy hoại nước Mỹ”.
Tổ chức Heritage Foundation tự mô tả mình là một “nhóm nghiên cứu bảo thủ” với sứ mệnh “xây dựng và thúc đẩy các chính sách công dựa trên nguyên tắc về doanh nghiệp tự do, chính phủ hạn chế, tự do cá nhân, các giá trị truyền thống của người Mỹ, và nền quốc phòng vững mạnh”. Nỗ lực trị giá 22 triệu USD này bao gồm một cuốn sổ tay 1,000 trang được Tổ chức Heritage mô tả là “cơ hội cuối cùng của Tổng thống bảo thủ tiếp theo để cứu nền cộng hòa của chúng ta”.
Một trong những điểm cốt lõi của Dự án 2025 là để củng cố quyền lực cho nhánh hành pháp, bằng cách áp dụng lý thuyết “hành pháp đơn nhất” (unitary executive theory), cho phép Tổng thống có toàn quyền kiểm soát nhánh hành pháp. Dự án đề xuất tái phân loại hàng chục nghìn công chức liên bang, biến công việc của họ thành các vị trí được nhánh hành pháp bổ nhiệm để có thể sa thải và cho phép thay thế bằng những người trung thành với Tổng thống hay sẵn sàng triển khai các chính sách cánh hữu. Điều này nhằm xóa bỏ vấn đề được Dự án 2025 coi là “bộ máy chính quyền quá tự do và thiếu trách nhiệm”. Dự án 2025 còn đặt mục tiêu giải thể hoặc cắt giảm mạnh quyền lực của các cơ quan như Bộ Giáo dục, Bộ An ninh Nội địa, và giảm thiểu các quy định về biến đổi khí hậu để thúc đẩy năng lượng hóa thạch.
Có lẽ các đề xuất cực đoan nhất của Dự án 2025 nằm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dự án muốn suy yếu Medicaid, chương trình mà hơn 70 triệu người Mỹ thu nhập thấp dựa vào để có thể tiếp cận chăm sóc sức khỏe, do Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất không có bảo hiểm sức khỏe toàn dân. Tổ chức Heritage đề xuất áp đặt mức giới hạn trọn đời đối với các phúc lợi người dân có quyền tiếp cận dưới chương trình Medicaid và đưa ra các yêu cầu cụ thể về năng suất lao động để nhận được bảo hiểm. Ngoài Medicaid, Dự án 2025 cũng đưa ra những đề xuất cực đoan về quyền phá thai, cho rằng quan điểm của ông Trump rằng việc cho phép các tiểu bang tự quyết định về vấn đề này là chưa đủ, mà còn đề xuất loại bỏ bảo hiểm miễn phí đối với một số biện pháp tránh thai.
Sau khi Dự án 2025 nhận được sự chú ý của truyền thông Mỹ vào đầu năm nay, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng giữ khoảng cách xa nhất có thể khỏi Dự án 2025 trong các tuyên bố với công chúng. Một lý do chính có thể là lo ngại của Trump rằng Dự án 2025 sẽ gây hoang mang cho nhóm cử tri trung dung ông cần để giành chiến thắng. Dự án bị chỉ trích là có những đặc điểm chuyên chế, với ý định cho phép nhánh hành pháp của bộ máy nhà nước để kiểm soát toàn diện các cơ quan chính phủ, và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền dân chủ và phân quyền tại Mỹ. Một vài báo Mỹ thậm chí còn gắn nhãn “độc tài” đối với Dự án 2025, nói rằng nếu được triển khai, điều này sẽ không khác gì một “cuộc đảo chính” với nguy cơ định hình lại hệ thống chính trị và nền dân chủ Mỹ. Ngay cả trong Đảng Cộng hòa, một vài cá nhân đã chỉ trích các đề xuất cực đoan nhất của Dự án 2025.
Bằng cách gắn kết Trump với Dự án 2025, phe Dân chủ hy vọng sẽ làm khơi dậy lo ngại trong nhóm cử tri trung dung rằng Trump, dù có cố gắng tránh xa, vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi các cố vấn và cộng sự cũ của mình, những người đang tham gia vào dự án.
Cho dù nhiều đồng minh của ông đã đóng vai trò lớn trong việc phát triển bản dự thảo chính sách này, một số chính sách của Dự án 2025 cũng đi trái ngược với quan điểm của Trump trong những năm qua. Ví dụ, trong khi Trump nhấn mạnh việc xây dựng bức tưởng biên giới với Mexico như một giải pháp để kiểm soát làn sóng nhập cư trái phép, Dự án 2025 lại đề xuất một cách tiếp cận cực đoan hơn, chẳng hạn như loại bỏ chương trình Dreamers bao gồm 500,000 người nhập cư hoàn toàn hay ngừng cấp visa lao động tạm thời cho công dân từ nhiều quốc gia Nam Mỹ. Những đề xuất của Dự án 2025 đối với chăm sóc sức khỏe cũng khác biệt với những cam kết trước đây của Trump để bảo vệ Medicare và Medicaid.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi phe Dân chủ đang tận dụng Dự án 2025 như một vũ khí chính trị để tấn công Trump. Bằng cách gắn kết Trump với dự án này, phe Dân chủ hy vọng sẽ làm khơi dậy lo ngại trong nhóm cử tri trung dung rằng Trump, dù có cố gắng tránh xa, vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi các cố vấn và cộng sự cũ của mình, những người đang tham gia vào Dự án 2025. Những lập luận này có thể mang lại lợi thế chiến lược cho phe Dân chủ, nhất là khi họ cần củng cố hình ảnh của Trump như một mối đe dọa đối với các giá trị dân chủ cốt lõi.