60 tỉnh, thành đã công bố lịch cho học sinh nghỉ học
(CAO Cập nhật đến tối 28-2, đã có 60 tỉnh, thành công bố lịch cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại.
Theo đó, hầu hết các tỉnh, thành đều cho học sinh các bậc mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm từ 1 đến 2 tuần; bậc THPT, giáo dục thường xuyên đi học lại từ 2-3.
Một địa phương đáng chú ý như Vĩnh Phúc - tâm dịch thời gian qua cũng cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm một tuần để phòng tránh dịch, học sinh THPT đi học lại từ 2-3.
Tại TPHCM, trong ngày 28/2, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị trường học tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh về việc đi học trở lại. Phiếu khảo sát (điện tử) có 3 lựa chọn là cho học sinh đi học lại ngày 2/3, ngày 16/3 và đầu tháng 4/2020. Các trường sẽ thống kê các phiếu khảo sát và báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để lãnh đạo TP tham khảo trước khi đưa ra quyết định cho học sinh đi học lại.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đề xuất bậc mầm non, học sinh nghỉ đến hết 15/3, ngày 16/3 trẻ lớp lá đi học lại nhưng không ăn sáng, các lớp khác sẽ có thông báo sau.
Bậc Tiểu học, học sinh nghỉ đến hết 15/3, ngày 16/3 học sinh lớp 5 đi học lại nhưng không tổ chức bán trú, thời gian đi học lại của các lớp khác tùy thuộc vào tình dịch bệnh và sẽ có thông báo sau.
Với khối Trung học cơ sở, ngày 2/3 học sinh lớp 9 đi học lại nhưng không tổ chức bán trú, ngày 16/3 học sinh các lớp khác đi học lại bình thường.
Đối với khối Trung học phổ thông, ngày 2/3 học sinh lớp 12 đi học trở lại nhưng chỉ học một buổi, ngày 16/3 học sinh các lớp còn lại đi học lại bình thường.
Liên quan đến việc thực hiện thu học phí và các khoản thu khác trong thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có văn bản yêu cầu chỉ thu học phí và các khoản thu khác trong thời gian thực học, học phí không được quá 9 tháng đối với cơ sở giáo dục phổ thông.
Riêng đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, nhiều trường Đại học tại TPHCM đã quyết định cho sinh viên tiếp tục nghỉ học từ 1-2 tuần. Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP cho sinh viên toàn trường dời lịch học tập học kỳ II năm học 2019 - 2020 đến hết ngày 15/3/2020. Trường Đại học Công nghệ TP cũng thông báo toàn bộ sinh viên - học viên sẽ tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15/3. Trường Đại học Tôn Đức Thắng thông báo tiếp tục tạm dừng tập trung học tại các cơ sở của trường và hoãn việc tổ chức thi giữa kỳ Học kỳ II năm học 2019-2020 từ ngày 2/3/2020 cho đến hết ngày 8/3. Các trường khác như Đại học Ngân hàng, Trường Đại học Nông lâm TP, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP… cũng tiếp tục cho sinh viên nghỉ thêm 1 tuần, đến hết ngày 7/3.
Tại Hà Nội, tối 28/2, tại phiên họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã quyết định cho học sinh tất cả các trường từ Mầm non đến Trung học Phổ thông trên địa bàn thành phố tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8/3. Riêng 180.000 học sinh của 284 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ đi học ngày 2/3. Các trường quốc tế có văn bản đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cam kết đảm bảo các điều kiện, có thể đi học trở lại để đảm bảo khung chương trình quốc tế.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, Hà Nội đã phun khử trùng, khử khuẩn các trường học 5 lần, tuy nhiên thành phố cũng chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đảm bảo môi trường an toàn, phụ huynh an tâm.
Trước đó, chiều 27/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký văn bản gửi các tỉnh thành đề nghị cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS cả nước nghỉ thêm 1-2 tuần để phòng chống Covid-19, học sinh cấp THPT và học viên giáo dục thường xuyên đi học từ ngày 2/3.
Thời gian kết thúc năm học 2019-2020 là trước ngày 30/6; tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước 15/8; thi THPT quốc gia từ 23 đến 26/7, chậm hơn một tháng so với mọi năm.
Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 22 triệu học sinh. Như vậy, nếu các địa phương thực hiện theo kiến nghị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, thì chỉ có khoảng 2,6 triệu học sinh THPT, giáo dục thường xuyên đi học từ ngày 2/3, số còn lại thuộc các cấp học tiếp tục nghỉ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh được nghỉ kéo dài vì dịch truyền nhiễm.