62 nghìn người được tiếp cận các thông tin rủi ro khí hậu

Hợp phần 'Thông tin và dữ liệu rủi ro thiên tai' được triển khai đã hỗ trợ người dân khu vực vùng thấp trũng ven biển thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai nâng cao năng lực, khả năng nhận thức, hiểu biết để ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Thả bóng để theo dõi hướng và tốc độ của gió tại Trạm Khí tượng nông nghiệp Lạng Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Thả bóng để theo dõi hướng và tốc độ của gió tại Trạm Khí tượng nông nghiệp Lạng Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), với 28 tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là khu vực miền Trung có địa hình hẹp, các con sông ngắn và dốc, đường bờ biển dài, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai như bão, siêu bão và lũ lụt. Hàng năm, thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, riêng thiệt hại về kinh tế chiếm khoảng 15% GDP. Việt Nam cũng là quốc gia chịu nhiều tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu hỗ trợ người dân các tỉnh ven biển chuẩn bị tốt và tiếp cận thông tin cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiên tai, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã phối hợp với Quỹ Khí hậu xanh, Chính phủ Việt Nam lắp đặt hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai sớm. Đây là Hợp phần “Thông tin và dữ liệu rủi ro thiên tai” thuộc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” được triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau từ năm 2017 đến tháng 7/2024.

Theo đó, dự án đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về lập kế hoạch đánh giá rủi ro thiên tai tại các địa phương được hưởng lợi. Cán bộ và nhân dân địa phương có cơ hội chia sẻ và học hỏi về rủi ro biến đổi khí hậu, kết hợp với quá trình đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các kiến thức bản địa và dữ liệu khoa học từ các gói thông tin rủi ro đã xây dựng, cập nhật. Từ đó năng lực của cộng đồng được tăng cường, giúp áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, lồng ghép các giải pháp giảm thiểu rủi ro vào quá trình lập kế hoạch và phân bổ ngân sách hằng năm. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ xây dựng, lắp đặt 24 Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển với chiều dài 254 km, có 41 xã, thị trấn ven biển và cận ven biển, tỉnh thường xuyên bị thiệt hại về tài sản do nhiều loại hình thiên tai gây ra, đặc biệt là dông, lốc, sạt lở bờ biển, bờ sông, triều cường... Các dự báo về thiên tai và khí hậu những năm gần đây cho thấy khả năng xảy ra các cơn bão, dông, lốc lớn, kèm theo nước dâng cao làm sạt lở nghiêm trọng bờ biển, bờ sông. Hợp phần “Thông tin và dữ liệu rủi ro thiên tai” được triển khai đã hỗ trợ người dân khu vực vùng thấp trũng ven biển thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai nâng cao năng lực, khả năng nhận thức, hiểu biết để ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Cà Mau có hai Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm được lắp đặt tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) và xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi). Theo ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, được hoàn thành và bàn giao tháng 5/2022, Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm đã hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống thiên tại trên địa bàn xã.

Xã Đất Mũi có 37 km bờ biển, 90% người dân làm nghề biển, 260 phương tiện khai thác trên biển nên những thông tin về thời tiết, khí hậu được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm. Trạm thu tín hiệu gắn camera cảm biến tiếp nhận thông tin về hướng, tốc độ gió, lượng mưa… sẽ truyền về máy chủ đặt tại UBND xã với đèn màu xanh là bình thường, cam là cảnh báo vượt ngưỡng cho phép và đỏ là vượt ngưỡng cho phép. Từ những thông tin cảnh báo sớm hiện tượng thời tiết bất thường, chính quyền xã thông báo trên người dân qua hệ thống phát thanh, ứng dụng zalo của các nhóm phòng chống thiên tại các ấp, nhóm chủ tàu thuyền… Cùng với các hệ thống cảnh báo khác của Trung ương và địa phương, chính quyền và nhân dân xã Đất Mũi chủ động các biện pháp phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mục tiêu của Hợp phần “Thông tin và dữ liệu rủi ro thiên tai” là 20 nghìn người dân được tiếp cận các thông tin rủi ro khí hậu nhưng với sự nỗ lực của các bên tham gia kết quả đã vượt xa với 62 nghìn người. Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, kết quả này góp phần hiệu quả trong việc xây dựng năng lực ứng phó với thiên tai cho cá nhân, cộng đồng và tổ chức để chuẩn bị tốt hơn, có thông tin đầy đủ lập kế hoạch ứng phó thiên tai.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/62-nghin-nguoi-duoc-tiep-can-cac-thong-tin-rui-ro-khi-hau-20240828120633488.htm