63/63 tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho hay, tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 2 năm 2017-2018, cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại.
Ngày 13 -12- 2019 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em tổ chức Hội thảo Tổng kết chiến dịch “Lan tỏa yêu thương 2019 – Yêu thương đẩy lùi bạo lực” và Đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất,tinh thần trẻ em”.
Sự kiện thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội về Quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tài trợ, với sự tham gia của đại diện Cục Trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội trung ương, cùng hơn 150 đại biểu gồm trẻ em, phụ huynh, đại diện các trường học, cơ quan, tổ chức xã hội, và đông đảo người quan tâm.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Chúng tôi rất hy vọng rằng, các thông điệp rất cụ thể của chiến dịch “Không đánh con”, “Không quát mắng con”, “Cùng con tìm giải pháp”, “Giáo dục tích cực”, “Đồng hành cùng con” và các thử thách 21 Ngày lan tỏa yêu thương của chiến dịch có ý nghĩa với cha mẹ, thầy cô.
Chúng ta vẫn nói “Vì lợi ích của trẻ” “Yêu trẻ” nhưng đó chỉ là lời nói suông, chỉ là tình yêu rỗng ruột nếu chúng ta không tìm cách thay đổi, và xây dựng một môi trường an toàn, không có bạo lực, xâm hại trẻ em ngay trong chính gia đình, trường học và cộng đồng của mình.
Chúng ta hãy hướng đến những cách giáo dục tích cực để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có”.
Ông Vương Đình Giáp, Giám đốc thực thi chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi việc thực hiện những phương pháp giáo dục tích cực để trẻ được sống trong tình yêu thương, được phát triển toàn diện, phát huy được hết những tiềm năng của mình.
Tham gia đối thoại, nhóm trẻ em tiêu biểu đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam chia sẻ có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị đánh mắng nhưng chủ yếu vì cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, và có các biện pháp giáo dục, đồng hành với chúng con, cũng chưa tin tưởng chúng con. Nhóm trẻ em cũng đưa ra thông điệp tới người lớn là: Hãy giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương, Dạy trẻ không dọa trẻ, và Trẻ nên người không phải bởi đòn roi.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho hay, tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 2 năm 2017-2018, cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3% trong các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận xử lý.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, 63/63 tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em, nơi xảy ra các hành vi xâm hại là cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình.
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn ở mức cao, trung bình mỗi năm có hơn 6.000 trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tình trạng tai nạn, thương tích trẻ em và tử vong do tai nạn thương tích cũng ở mức cao, đặc biệt là tử vong do tai nạn giao thông và đuối nước.
Đáng nói, còn thiếu quy chuẩn và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, trong khi những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần từ sức ép học hành, thi cử, Internet, mạng xã hội… có xu hướng tăng.
Theo bà Nga, trong thời gian tới, giải pháp đặt ra là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về bảo đảm và thực hiện quyền trẻ em, trong đó ưu tiên phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng quy trình tư pháp thân thiện với trẻ em; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em; tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành về thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em với các bộ, ngành và địa phương…