65 năm quy hoạch Thủ đô Hà Nội (1954 - 2019): Hướng tới đô thị xanh, bền vững, hiện đại
Trong suốt chặng đường lịch sử, Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội cũng như của đất nước. 65 năm qua, Hà Nội đã chuyển mình, đổi mới, phát triển đồng bộ và luôn xứng đáng với vị thế là Thủ đô.
Giai đoạn 1954 - 1975
Năm 1954, Hà Nội chỉ rộng 152km2 với 8 quận, huyện, với dân số 37 vạn người ở nội thành và 16 vạn dân ngoại thành. Sau ngày giải phóng, Hà Nội tập trung khôi phục kinh tế phát triển sản xuất. Để xây dựng Hà Nội xứng với tầm vóc là Thủ đô của cả nước, ngày 20/4/1961 Quốc hội khóa II Kỳ họp thứ 2 phê chuẩn Nghị quyết của Chính phủ mở rộng TP Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội được mở rộng lên 586.13km2 (nội thành 37km2, bao gồm 4 khu phố là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng với 363 khối phố. Ngoại thành 549km2 gồm 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm với 103 xã, 3 thị trấn). Số dân 913.428 người (nội thành: 436.820 người, ngoại thành: 449.608 người).
Từ năm 1960 bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế, Hà Nội xây dựng một số cụm công nghiệp, một số công trình kiến trúc lớn như trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, giải quyết nhu cầu về nơi ở thích hợp. Nhiều khu lao động, xóm nghèo như ở An Dương, Tương Mai, Phúc Tân đã được cải thiện môi trường sống hoặc xây dựng mới.
Một số khu công nghiệp xây dựng mới như Thượng Đình, Minh Khai… đã tạo ra được cơ cấu mới cho Thủ đô để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt là một số khu nhà tập thể như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… được xây dựng với mô hình tiểu khu nhà ở xã hội chủ nghĩa. Cùng việc xóa nạn mù chữ, nhiều trường đại học (ĐH) lớn ra đời như ĐH Tổng hợp, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Nông lâm… Một số bệnh viện cũ đã được cải tạo nâng cấp, một số bệnh viện mới được ra đời như Bệnh viện Việt Nam Cuba, Bệnh viện Y học dân tộc…
Ngay ở giai đoạn này, T.Ư và TP đã khẳng định cần phải xây dựng theo quy hoạch và sớm có Quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho việc xây dựng. Bộ Chính trị đã xem xét và ra Nghị quyết 18/NQ-TW về phát triển Thủ đô. Trong lúc công việc bộn bề, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến quy hoạch Thủ đô. Ngày 16/11/1959 khi xét quy hoạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước và lưới điện tránh cản trở đi lại của người dân”.
Trong 10 năm trở lại đây, công tác quy hoạch, quản lý đô thị được quan tâm đầu tư. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng. Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành; nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư. Quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Dự án trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, cải tạo sông hồ… Nhờ đó, quy mô và diện mạo đô thị của TP đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh.
Năm 1961, Quy hoạch chung Thủ đô với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô đã được phê duyệt với quy mô dân số 1 triệu dân với khoảng 20.000ha đất xây dựng. Hướng phát triển không gian TP chủ yếu về phía Nam và phía Tây có một phần phía Đông Bắc (khu vực Gia Lâm).
Khi cuộc chiến ở miền Nam ác liệt, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, việc xây dựng phát triển Hà Nội có những khó khăn, chú trọng đến phân tán dân cư, xây dựng phải xem xét tới yếu tố an ninh quốc phòng. Thêm vào đó, Hà Nội còn bị đe dọa bởi thiên tai lũ lụt (đợt lũ 8/1971 mức nước sông Hồng lên tới 12,5m).
Tháng 11/1968, Mỹ tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom phá hoại miền Bắc, song Hà Nội cũng chỉ được 3 năm khôi phục kinh tế thì Mỹ quay trở lại thực hiện chiến tranh phá hoại, và phải đến tháng 12/1972, sau khi thất bại trận Điện Biên Phủ trên không Mỹ mới phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhiều xí nghiệp của T.Ư và địa phương bị đánh phá đã được xây dựng lại.
Tháng 2/1973 cầu Long Biên được nối liền. TP đã được xây dựng mới và sửa chữa mở rộng gần 100 xí nghiệp, một số công trình giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cầu Đuống, Cảng Phà Đen, Sân bay quốc tế Nội Bài, Cầu Thăng Long.
Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng cần xem xét lại hướng phát triển của Thủ đô đã xác lập trong quy hoạch được duyệt năm 1961. Nhiều phương án về luận chứng phát triển Thủ đô đã được nghiên cứu, cuối cùng đồ án quy hoạch được duyệt (1974) định hướng Hà Nội cũ với 40 vạn dân, phát triển Thủ đô ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai gắn kết Hà Nội với khu vực xung quanh như Xuân Mai, Sơn Tây…
Thời kỳ 1975 - 1986
Cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng đã mở ra giai đoạn mới phát triển của cả nước, của Thủ đô. Yêu cầu mới đòi hỏi lại phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các chuyên gia Liên Xô đã cùng chuyên gia nước ngoài nghiên cứu Quy hoạch chung điều chỉnh. Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt số 163/CP ngày 17/7/1976, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 quy mô dân số là 1,5 triệu dân.
Ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường, các TP vệ tinh xung quanh Hà Nội làm chức năng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nghỉ mát: Xuân Mai - Sơn Tây - Ba Vì - Vĩnh Yên - Tam Đảo - Bắc Ninh. Với định hướng như vậy, tháng 12/1978, Chính phủ đã có quyết định mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và 1 số xã của tỉnh Hà Sơn Bình… Thủ đô Hà Nội có diện tích đất tự nhiên là 2.136km2 với dân số 3,5 triệu người.
Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, phát triển đô thị gắn với an ninh quốc phòng được quán triệt trong quy hoạch với phát triển chủ yếu Hà Nội là ở phía Nam sông Hồng. Để phù hợp với tình hình trên, lại phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung.
Các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu điều chỉnh tổng mặt bằng Quy hoạch Thủ đô tới năm 2000 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 100/TTg ngày 24/4/1982. Theo đồ án quy hoạch này, dân số Thủ đô nội thị là 1,5 triệu người với quy mô đất đai là 100km2, vùng ngoại thị được mở rộng với 11 huyện thị.
Ngày 21/1/1983, Bộ Chính trị T.Ư Đảng (khóa V) ra Nghị quyết 08-NQ/TW về công tác Thủ đô Hà Nội đã xác định: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế. Mặc dù có những khó khăn nhất định song đây cũng là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị cao nhất là nhà ở có những kết quả đáng kể.
Nếu như năm 1980 xây dựng chỉ đạt 50.000m2 nhà ở thì thời kỳ 1981 - 1985 đã xây dựng được 450.000m2 nhà ở cùng với hạ tầng xã hội cần thiết như nhà trẻ, trường học, công trình công cộng. Do có những khó khăn trong GPMB xây dựng kết cấu hạ tầng nên quy hoạch được duyệt năm 1982 đã có điều chỉnh định hướng về không gian (năm 1984).
Những thành tựu trong thời kỳ đổi mới
Căn cứ vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Khóa VIII (năm 1991), ranh giới Hà Nội được điều chỉnh và chuyển lại 7 huyện thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc. Với điều chỉnh này quy mô đất đai tự nhiên của Hà Nội còn 924km2 với yêu cầu “đổi mới” và để phù hợp với quy mô điều chỉnh. Tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu lại.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định 132/CT ngày 18/4/1992 đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Thủ đô Hà Nội đến năm 2010. TP Hà Nội chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng với chỉ tiêu đất đô thị bình quân là 43,7m2/người lên 54m2/người.
Quá trình thực hiện quy hoạch chung phê duyệt năm 1992 đã thấy được những tồn tại như: Mối quan hệ với vùng, chưa lường hết được nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung. Trong nghiên cứu quy hoạch điều chỉnh lần này, các chuyên gia quy hoạch trong nước với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức trong nước và cả nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ…) đã tập trung để hoàn chỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTG ngày 20/6/1998.
Mục tiêu của quy hoạch lần này nhằm xây dựng Thủ đô vừa dân tộc, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến. Sau quy hoạch chung, TP đã triển khai quy hoạch chi tiết đồng bộ cho các quận, huyện, xã, phường trọng điểm, các quy hoạch công nghiệp, làng nghề… đã xác lập trên 200 khu đô thị ứng với quỹ đạo khoảng 2.500ha. Quy hoạch tôn tạo, chỉnh trang một số khu đặc trưng trung tâm chính trị Ba Đình, khu Thành cổ, Khu Di tích Cổ Loa…
Về tổ chức không gian Hà Nội, sau 10 năm thực hiện đã có nhiều đổi thay. Hà Nội khang trang hơn, hiện đại hơn, hạ tầng kỹ thuật có nhiều đột phá, nhiều thành tựu song cũng còn những tồn tại cần quan tâm. Đó là mối quan hệ giữa phát triển mới với bảo tồn quỹ di sản đã hình thành hàng nghìn năm, gắn với chỉnh trang các khu cũ cần được giải quyết hài hòa để hội nhập mà không mất đi bản sắc.
Để giải quyết tồn tại, tạo tiềm năng phát triển, phương án mở rộng Hà Nội đã được Chính phủ cho phép nghiên cứu. Sau nhiều nghiên cứu, so sánh các phương án, Quốc hội đã có Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/7/2008 hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) với quy mô diện tích 3.344km2 (đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, dân số 6.232.940 người).
Việc lựa chọn mở rộng không gian, mở rộng địa giới Hà Nội trước hết là yêu cầu khách quan song cũng là ý chí, là nguyện vọng mong muốn của người dân Hà Nội và định hướng của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, thuận lợi trong hội nhập với khu vực thế giới.
Sau hơn hai năm nghiên cứu với sự tham gia của các đơn vị tư vấn trong nước và một số đơn vị nước ngoài, các Hội xã hội nghề nghiệp liên quan, đóng góp của Nhân dân cả nước, ý kiến phản biện của trong nước, tổ chức của Australia, của vùng Ile-de-France (Pháp), ý kiến của T.Ư, Quốc hội... Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg/ ngày 26/7/2011. Mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” với mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn…
Để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (2013). Đến nay, hệ thống quy hoạch về cơ bản đã phủ kín toàn địa bàn với các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch ngành cùng với hơn 70 quy hoạch chi tiết. Đây là nỗ lực lớn không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng.
Trong phát triển đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng được xem là khâu đột phá với những kết quả khả quan về đường giao thông. Về ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành chính quyền điện tử được triển khai. Hạ tầng xã hội nhất là hệ thống y tế, trường học, thương mại dịch vụ đã được nâng cao chất lượng.
65 năm qua, Hà Nội tự hào về những kết quả đã đạt được trong quy hoạch và phát triển đô thị song cũng đang đứng trước thách thức mới để vươn lên. Hy vọng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thủ đô và cộng đồng dân cư, Hà Nội sẽ có tầm vóc mới vị thế xứng đáng với cả nước, khu vực và thế giới.