65 người tị nạn Rohingya được tìm thấy trên con tàu đắm ngoài khơi Thái Lan
Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin quan chức Hải quân Thái Lan hôm nay (12/6) cho biết 65 người tị nạn Rohingya đã được tìm thấy trên con tàu đắm ngoài khơi nước này.
Những người tị nạn Rohingya được tìm thấy trên con tàu đắm ngoài khơi Thái Lan. (Ảnh: AFP)
Con tàu được phát hiện vào sáng 11/6 trong Vườn quốc gia đại dương Tarutao ở Satun - một tỉnh vùng biên ở miền Nam Thái Lan, cách biên giới Myanmar khoảng 400 km.
Theo Phó Đô đốc Khan Deeubol – phát ngôn viên Hải quân Thái Lan, có 31 phụ nữ và 5 trẻ em trong số những người Rohingya trên chiếc thuyền bị đắm vừa được tìm thấy.
1 người đàn ông Thái Lan và 5 công dân Myanmar cũng được phát hiện cùng nhóm người Rohingya, tuy nhiên qua xác minh đây chỉ nhà những ngư dân đang đánh cá trong khu vực và không có mối liên hệ nào với những người trên con tàu đắm.
6 người đàn ông hiện đã bị tạm giữ để chờ thẩm vấn vì có hành vi đáng ngờ. Một quan chức tỉnh Satun cho hay, ban đầu nhóm này bị điều tra theo hướng tổ chức nhập cư bất hợp pháp tuy nhiên cuộc điều tra sau đó đã được mở rộng.
“Nhà chức trách không loại trừ khả năng đây là hoạt động buôn người”, một nguồn tin của Bộ Chỉ huy An ninh Nội địa Thái Lan (ISOC) tại tỉnh Satun nói với AFP.
Cuộc khủng hoảng di cư người Rohingya bắt đầu từ năm 2015. Hàng trăm nghìn người dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo sinh sống ở đất nước Phật giáo Myanmar đã chạy sang Bangladesh, vì chính phủ Myanmar không công nhận họ là công dân và coi là người nhập cư trái phép.
Khoảng 740.000 người tị nạn Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar đến trú ngụ tại các trại ở bên kia biên giới Bangladesh sau khi quân đội Myanmar bị Liên Hợp Quốc và Mỹ cáo buộc tiến hành đàn áp “diệt tộc” lên cộng đồng người Rohingya vào tháng 8/2017. Myanmar bác bỏ cáo buộc này, nói rằng quân đội chỉ tổ chức trấn áp phiến quân Rohingya tấn công các đồn cảnh sát.
Không ít người tị nạn Rohingya rơi vào tầm ngắm của những kẻ buôn người khi đang trên đường tìm đến các “miền đất hứa” ở Malaysia hoặc Thái Lan.
Mặc dù Myanmar và Bangladesh đã ký thỏa thuận hồi hương người tị nạn Rohingya vào tháng 11/2018 tuy nhiên, cho đến nay hầu như không ai tình nguyện quay về.
Phương Đặng
(Theo AFP)