Mưa lũ khủng khiếp tàn phá miền Bắc, gần 100 người chết và mất tích

Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ khiến nhiều người và xe cộ rơi xuống sông; Các tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai... chìm trong biển nước sau bão Yagi.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 18h ngày 9/9, bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất đã khiến 98 người chết, mất tích (58 người chết, 40 người mất tích), 746 người bị thương.

Hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng cho 5 địa phương

100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 được dành hỗ trợ 5 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ổn định đời sống cho người dân, bao gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng.

Cao Bằng lại sạt lở, 7 người chết, 4 người mất tích

Tối 9/9, trả lời PV Báo điện tử VTC News, một lãnh đạo huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) cho biết, trên địa bàn ghi nhận thêm vụ sạt lở khiến nhiều người chết và mất tích.

"Trong thôn Lũng Súng từ sáng tới giờ không liên lạc. Gần nhất là tin nhắn lúc 16h6 ngày 9/9 từ trong xã báo ra, đã tìm thấy 7 thi thể, còn 4 người mất tích", lãnh đạo huyện Nguyên Bình nói.

Theo thông tin sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tính đến 19h ngày 9/9, mưa lũ khiến 17 người chết, 12 người bị thương, khoảng 16 người mất tích.

Đợt mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ khi nào giảm?

Ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, các sông nhỏ ở miền núi phía Bắc hiện nay đang ở mức báo động 2, báo động 3 và tiếp tục dao động ở mức cảnh báo này trong 6 - 12 giờ tới.

"Tác động của lũ trên diện rộng nên toàn bộ vùng núi phía Bắc nhiều khu vực xảy ra ngập lụt diện rộng. Để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản, người dân cần đặc biệt theo sự chỉ đạo của cơ quan phòng chống thiên tai và chính quyền địa phương để đảm bảo công tác di dân và công tác phòng chống được đảm bảo theo yêu cầu", ông Đại nói.

Lũ lụt tàn phá nhiều tỉnh miền Bắc.

Cũng theo ông Đại, hiện nay, hầu hết các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đang được cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Hôm nay và ngày mai 10/9, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn rất cao, đặc biệt các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Lai Châu.

"Đêm nay và ngày mai tiếp tục mưa diện rộng ở trung du và vùng núi phía Bắc, người dân cần tránh di chuyển hoặc di chuyển đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng", ông Đại cảnh báo.

Người hùng cứu người trong vụ sập cầu Phong Châu

Ngay sau khi thấy cầu Phong Châu bị sập, anh Ngô Văn Khanh (26 tuổi) lập tức chạy về hướng bờ sông, kịp thời nhảy xuống đò, bơi ngược dòng cứu người gặp nạn.

Sạt lở đất kinh hoàng ở Yên Bái

4 ngôi nhà bị vùi lấp, 2 người mất tích trong vụ sạt lở đất ở Yên Bái.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 18h ngày 9/9, có 71 người chết, mất tích (49 người chết, 22 người mất tích) do bão Yagi, sạt lở đất, lũ quét và lũ cuốn.

Hàng nghìn ngôi nhà ở Yên Bái chìm trong biển nước

Chiều 9/9, phóng viên Báo điện tử VTC News có mặt tại đường Trần Hưng Đạo (phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái). Tại khu vực này, nước tiếp tục dâng cao, dòng nước chảy siết. Lòng đường ngập từ 1 - 2m.

Các lực lượng chức năng như công an, quân đội đang tích cực hỗ trợ di chuyển những người dân về nơi an toàn.

Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt tại phường Hồng Hà ngập sâu trong biển nước.

Công an tỉnh Yên Bái sử dụng xuồng máy để cứu hộ người dân.

Ông Phạm Ngọc Trang, Chủ tịch UBND phường Hồng Hà, TP.Yên Bái cho biết, hiện phường đang là một trong những địa phương ngập lụt nhiều nhất.

Cũng theo ông Trang, hơn 1.600 căn nhà trong tổng số hơn 2.000 căn bị ngập. Đến thời điểm này, phường đã di chuyển hơn 250 người về nơi tránh lũ an toàn.

Người dân di dời tài sản đến nơi an toàn.

Phố Yên Bái biến thành sông

Nước ngập tới ngang người tại Yên Bái.

Lũ sông Cầu vượt đỉnh

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, vào lúc 13h, ngày 9/9, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm, tại trạm thủy văn Gia Bẩy đạt mức 2850 cm, cao hơn 150 cm so với Báo động cấp III (BĐIII: 2700 cm) và đã cao hơn 36cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959 và hiện còn đang tiếp tục có xu thế tăng chậm.

TP Thái Nguyên ngập sâu và đã cao hơn 36cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959

Lực lượng chức năng di dời người dân đến nơi an toàn.

4 người ở Lào Cai tử vong do sạt lở núi

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ huyện Si Ma Cai cho biết sáng 9/9, tại xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai xảy ra sạt lở núi vùi lấp 3 ngôi nhà. Các lực lượng chức năng đã ngay lập tức triển khai các phương án cứu hộ. Sau 20 phút đã cứu được cháu Sùng A Nh., sinh năm 2021, cháu bị gãy chân và được đưa đi cấp cứu. Còn lại, 4 người trong gia đình cháu Nh. (gồm bố, mẹ, chị gái và em gái) đều tử vong

Sạt lở núi nghiêm trọng tại xã Sán Chải làm 4 người tử vong

Lực lượng chức năng kịp thời giải cứu cháu Sùng A Nh. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Tỉnh Thái Nguyên kích hoạt toàn bộ phương án "4 tại chỗ", ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân để khắc phục bão số 3. Đây là chỉ đạo của ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trong cuộc kiểm tra tại đập Thác Huống (TP Thái Nguyên) lúc 7h sáng nay (9/9).

Theo Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên, trong 24 giờ tới, lũ trên sông Cầu vẫn đang tiếp tục lên chậm dần và đạt đỉnh. Tại trạm thủy văn Gia Bẩy đỉnh lũ có khả năng xuất hiện vào trưa 9/9 ở mức 2.850cm, cao hơn 150cm so với báo động cấp III (2.700 cm). Tại trạm thủy văn Chã đỉnh lũ có khả năng đạt mức báo động cấp III (1.000 cm) vào chiều tối ngày mai 10/9.

Chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giao Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông.

Lực lượng chức năng thị xã Sapa, Lào Cai đang nỗ lực tìm kiếm thi thể cuối cùng bị mất tích trong vụ sạt lở khiến nhiều người tử vong chiều 8/9.

Vào khoảng 13h ngày 8/9, tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xảy ra sạt lở lớn từ trên núi cao khiến đất đá tràn xuống khu dân cư vùi lấp 4 ngôi nhà của 4 gia đình với tổng số 26 nhân khẩu. Thông tin từ UBND thị xã Sapa, vụ sạt lở khiến 5 người tử vong, 9 người bị thương, 1 người mất tích.

Sáng 9/9, UBND thị xã Sapa đã huy động gần 200 người gồm các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ tại các xã ít ảnh hưởng thiên tai để hỗ trợ Mường Hoa tìm kiếm nạn nhân cuối cùng bị mất tích.

Tại hiện trường, khối lượng lớn đất lở từ núi cao đã tràn xuống khu vực khu dân cư, ruộng và suối Mường Hoa.

Chiều 9/9, trả lời PV Báo điện tử VTC News, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, lực lượng chức năng cứu được 3 người trong vụ sập cầu Phong Châu. "Hiện vẫn chưa thống kê được số người gặp nạn vì thời điểm sự việc xảy ra rất nhanh, nước chảy siết. Các nạn nhân được đưa tới điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông", lãnh đạo huyện Tam Nông thông tin.

Ông Phan Trường Sơn, khu 10 Hương Nội, Tam Nông, Phú Thọ vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu sáng nay.

Lời kể của nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu.

Một xe khách lưu thông trên quốc lộ 34 hướng từ huyện Bảo Lâm đi TP Cao Bằng, khi đến xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình) bị khối đất đá lớn từ taluy dương sạt lở vùi lấp. Thời điểm bị nạn, trên xe có hàng chục người.

Sạt lở khiến lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận được với hiện trường chiếc xe khách gặp nạn. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Ông Trịnh Sỹ Tài - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện chưa xác định chính xác trên xe có bao nhiêu người vì công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do quốc lộ 34 sạt lở nặng nhiều đoạn.

Các cơ quan chức năng đang huy động công an, quân đội khẩn trương tiếp cận, tìm kiếm ô tô và nạn nhân.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đang triển khai lực lượng gồm nhiều phương tiện, tàu, cùng 40 cán bộ, chiến sĩ; Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) triển khai lực lượng, phương tiện đến cứu hộ, cứu nạn nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Khoảnh khắc cầu Phong Châu sập, xe tải rơi xuống sông.

Khoảnh khắc sập cầu Phong Châu, Phú Thọ

Khoảnh khắc sập cầu Phong Châu. Video: Người dân cung cấp

Một số nơi ở Yên Bái bị cô lập bởi nước lũ dâng cao.

Một số nơi ở Yên Bái bị cô lập bởi nước lũ dâng cao.

Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ

Ông Quách Hải Lý - Chủ tịch huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết khoảng 10h sáng 9/9, cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng nối giữa huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao của tỉnh này bị sập. Theo thông tin ban đầu, nhiều xe máy ô tô bị rơi xuống sông, hiện chưa xác định rõ số lượng và thiệt hại về người và tài sản.

Sập cầu Phong Châu, Phú Thọ sáng 9/9.

Nhiều huyện ở Bắc Giang ngập trong biển nước

Theo thông tin Báo Bắc Giang, đến 5h sáng 9/9, nước trên sông Lục Nam tại thị trấn Chũ là 14 m; tại Trạm Thủy văn Đồi Ngô lúc 7h là 6,7 m; tại Trạm Thủy văn Cầu Sơn là 16,7 m.

Nước trên sông Lục Nam (đoạn qua xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam) chụp lúc 8h sáng nay. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Trên sông Thương, tại Trạm Thủy văn Phủ Lạng Thương lũ dâng cao đến gần 5,5 m. Trên sông Cầu cũng đang ở mức báo động 2 và tiếp tục có xu hướng lên cao. Hiện 100% các hồ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đều đạt dung tích thiết kế.

Khu vực hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), hồ lớn thứ hai của cả nước hiện nay mực nước đang xấp xỉ tràn. Đêm 8/9, lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương quyết định cho điều tiết xả tràn để giảm áp lực mực nước lòng hồ.

Tại huyện Yên Thế, hiện nay, nước lũ tràn về gây ngập một phần diện tích ở tổ dân phố Dinh Tiến, thị trấn Bố Hạ và các xã Đồng Tiến, Đông Sơn, Canh Nậu. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có mặt giúp người dân di dời tài sản đến khu vực an toàn.

Ông Hoàng Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) xác nhận, khoảng 7h ngày 9/9, nước từ sông Hà Thanh tràn vào 4 thôn của xã Đông Hải (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) gây ngập lụt.

Lũ quét kinh hoàng ở Bình Liêu - Quảng Ninh.

Hà Giang: Mưa lũ gây ngập lụt, thiệt hại nhà ở, hàng trăm ha hoa màu

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3, toàn tỉnh Hà Giang có mưa vừa, mưa to đến rất to. Hiện trên các sông, suối của tỉnh mực nước đang tiếp tục dâng lên cao.

Cầu tràn xã Bằng Lang bị nước lũ cuốn trôi làm cho tuyến Tỉnh lộ 183 chia cắt, phương tiện không lưu thông được. (Ảnh: Báo Hà Giang).

Tại huyện Quang Bìn, các xã vùng thấp như Vĩ Thượng, Xuân Giang, Bằng Lang, Hương Sơn, Yên Hà, thị trấn Yên Bình ngập úng cục bộ. Cầu tràn trung tâm xã Bằng Lang bị nước lũ cuốn trôi làm cho tuyến tỉnh lộ 183 bị chia cắt, người và phương tiện không thể lưu thông được.

Ngoài ra, mưa lũ đã gây sạt lở nhà ở ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc. Hiện nay, các địa phương đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Dự báo trong những giờ tới, toàn tỉnh Hà Giang vẫn có mưa vừa, mưa to đến rất to, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp, địa hình sườn đất dốc

Mưa lũ ở Tuyên Quang khiến 2 người mất tích

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, trong 24 giờ qua (từ 5h ngày 8/9 đến 5h ngày 9/9), các khu vực trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như Hùng Mỹ: 220mm, Kiên Đài: 210mm (Chiêm Hóa); Sơn Phú: 205mm, Khâu Tinh: 194mm (Na Hang); Trung Minh: 250mm (Yên Sơn)...

Mưa lớn kéo dài liên tục trong 24 giờ qua khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ngập cục bộ, một số tuyến giao thông bị sạt lở. (Ảnh: T.H)

Qua thống kế, mưa bão đã khiến 2 người mất tích (do lũ cuốn trôi); 141 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở đất taluy; 1.378,83 ha lúa, 348,1 ha ngô, 165,7 ha cây lâm nghiệp bị hư hại; 26 cây cột điện 0,4 Kv, 2 tuyến đường dây điện dài 4,2 km và 3 tuyến cáp quang bị hư hỏng.

Mưa lũ cũng khiến nhiều điểm giao thông bị ngập, sạt lở trên địa bàn huyện Na Hang, Sơn Dương. Tại xã Trung Hòa (huyện Chiêm Hóa), nước sông Gâm dâng cao đã gây ngập sâu tại đoạn đường khu vực thôn Tân Lập, thôn Tân Tiến.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 9/9 đến ngày 11/9, các khu vực trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 50-150mm. Riêng khu vực vùng núi cao phía Bắc của tỉnh gồm các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên có nơi mưa rất to.

Theo các Công điện của Bộ NN&PTNT, thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ 4 vào hồi 9h ngày 9/9 và mở thêm cửa xả đáy thứ 5 hồi 11h cùng ngày.

Dự kiến mực nước sông Lô tại thành phố Tuyên Quang lúc 9h ngày 9/9 ở cost 21,5m, dưới báo động I: 0,5m và mực nước có khả năng lên cao trên báo động I.

Ô tô lội nước, giao thông bị chia cắt ở Thái Nguyên

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 6h ngày 9/9), đã có 26 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó do bão 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 5 người.

Cơ quan chức năng cũng nêu thống kê thiệt hại cụ thể về người của từng địa phương: Lào Cai 6, Quảng Ninh 6 (gồm 1 chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 513, Quân khu 3 và 1 chiến sĩ công an Trại giam Quảng Ninh), Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hòa Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 2, Bắc Giang 1, Tuyên Quang 2.

Ảnh hưởng của mưa bão cũng làm 247 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 40, Hải Dương 5, Hà Nội 10, Bắc Giang 4, Bắc Ninh 7, Lạng Sơn 9, Lào Cai 9, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 2).

Sáng 9/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong đêm qua đến sáng nay ở vùng núi Bắc Bộ mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h tối qua đến 8h sáng nay có nơi trên 200mm như: Tân Phượng (Yên Bái) 324,2mm; Yên Đổ (Thái Nguyên) 281,6mm; Việt Tiến (Lào Cai) 243,4mm; Nấm Dẩn (Hà Giang) 230,4mm…

Bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá trên các khu vực. (Nguồn: NCHMF)

Hôm nay và ngày mai, khu vực phía Tây Bắc Bộ tiếp tục mưa rất to. Lượng mưa hôm nay từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Ngày mai từ 40-70mm, có nơi trên 100mm. Ngày và đêm 11/9, khu vực này tiếp tục có từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Khu vực vùng núi và trung du các tỉnh Đông Bắc Bộ hôm nay có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-90mm, có nơi trên 150mm. Ngày mai, khu vực này mưa từ 40-80mm, có nơi trên 120mm. Ngày và đêm 11/9, mưa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa hôm nay có mưa, mưa vừa, cục bộ xuất hiện mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 100mm. Ngày và đêm 10/9, khu vực này mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm. Ngày và đêm 11/9, mưa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước lúc 1h sáng nay trên sông Thao tại Yên Bái là 33,43m, trên BĐ3 1,43m; trên sông Lục Nam tại Lục Nam là 6,57m, trên BĐ3 0,27m. Sông Hoàng Long tại Bến Đế dưới BĐ3, sông Cầu tại Đáp Cầu dưới BĐ1, sông Thương tại Phủ Lạng Thương dưới BĐ2, sông Mã tại Lý Nhân trên BĐ1.

Cơ quan khi tượng cảnh báo, từ ngày 9 - 11/9, trên các sông khác ở Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt tại vùng trũng thấp ven sông ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc toàn bộ vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa. Trong đó cảnh báo mức độ tím (mức cao nhất) về lũ quét, sạt lở đất trên toàn bộ tỉnh Lào Cai, Yên Bái, phần lớn các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/truc-tiep-mua-lu-khung-khiep-tan-cong-nhieu-tinh-mien-bac-ar894721.html