7 bức tranh khỏa thân gây ồn ào nhất

Trong suốt nhiều thế kỷ, những bức tranh khỏa thân vấp phải vô số chỉ trích, dù là tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Pablo Picasso hay Titian, theo Daily Art.

Venus of Urbino (1538) - Titian: Ngay cả nhà văn Mark Twain cũng từng chê tác phẩm nghệ thuật này là "bức tranh ghê tởm nhất mà thế giới sở hữu". Mọi chuyện bắt nguồn từ vị trí đặt bàn tay trái nhạy cảm của nhân vật nữ, chưa kể tới ánh mắt bạo dạn, dáng nằm lả lơi của cô. Thậm chí có những đồn đoán rằng đây là bức chân dung của một kỹ nữ. Dù tranh mang tên Venus of Urbino (Thần Vệ nữ của thành Urbino), một số sử gia nghệ thuật cho rằng họa sĩ Titian khắc họa một người phụ nữ trần tục chứ không phải là thần Vệ nữ. Nếu nghĩ theo hướng đó, chắc hẳn người xem sẽ phần nào bớt khắt khe với tác phẩm.

Rokeby Venus (1647-1651) - Diego Velázquez: Đây là bức tranh khỏa thân hiếm hoi còn sót lại của Diego Velázquez, nghệ sĩ người Tây Ban Nha sống vào thế kỷ 17. Tòa án Tây Ban Nha đã đưa ra lệnh ngăn cấm những tác phẩm “suy đồi” như vậy. Nhưng Velázquez, họa sĩ của Vua Philip IV, vẫn bất chấp để hoàn thành bức họa. "Kiếp nạn" đầu tiên xảy ra với Rokeby Venus vào năm 1914 khi người phụ nữ tên là Mary Richardson dùng dao rạch không thương tiếc bức tranh. Gần 40 năm sau, Richardson mới thú nhận bà ta phá hủy tác phẩm vì khó chịu khi những người đàn ông cứ nhìn chằm chằm vào tranh suốt cả buổi. Tới năm 2023, hai nhà hoạt động khí hậu lại dùng búa đập vỡ lớp kính bảo vệ của Rokeby Venus đang để tại Phòng trưng bày Quốc gia (Anh).

The Nude Maja (1795-1800) - Francisco Goya: The Nude Maja (Maja khỏa thân) là một phần của loạt 2 bức tranh, trong đó tác phẩm thứ 2 là The Clothed Maja (Maja mặc đồ) của Francisco Goya. The Nude Maja bị coi là "bức tranh khỏa thân nữ có kích thước bằng người thật tục tĩu trong nghệ thuật phương Tây", miêu tả rõ ràng các chi tiết trên cơ thể người. Cả hai bức tranh của Goya chưa bao giờ được trưng bày công khai trong suốt cuộc đời của nghệ sĩ người Tây Ban Nha. Khi những định kiến về ảnh khỏa thân dần bớt đi, sóng gió vẫn tiếp tục đến với The Nude Maja. Cơ quan bưu chính Tây Ban Nha đã chấp thuận bộ tem in tác phẩm này nhưng chính phủ Mỹ vẫn trả lại tất cả thư có dán tem đó.

Le Déjeuner sur l'herbe (1863) - Édouard Manet: Nếu bức tranh Le Déjeuner sur l'herbe (Bữa trưa trên thảm cỏ) vẽ phụ nữ khỏa thân trong một bối cảnh khác, Manet đã không bị chỉ trích nhiều tới vậy. Nhưng ông lại tạo nên sự đối lập giữa nhân vật nữ thoải mái ngồi ăn trưa với 2 người đàn ông vận trang phục lịch sự, chỉnh tề. Manet bác bỏ những chỉ trích rằng tranh của mình thiếu đứng đắn và vẫn tìm được nơi trưng bày bất chấp sự khước từ của nhiều salon. Ngày nay, bức họa không chỉ được đánh giá cao bởi tư tưởng táo bạo của nghệ sĩ người Pháp mà còn nhờ cách chuyển màu tinh tế giữa phần sáng và tối trong tranh.

Olympia (1863-1865) - Édouard Manet: Trong cuộc đời mình, Manet dường như quá quen với những lời đàm tiếu, phẫn nộ. Khi bức Olympia của ông trưng bày tại Paris Salon năm 1865, các nhà phê bình vào thời điểm đó mô tả tác phẩm sơn dầu này là "thô tục". Tất cả chỉ vì ánh mắt nhìn thẳng không ngại ngùng của nhân vật nữ khỏa thân. Vóc dáng cùng các chi tiết trong tranh cho thấy đây là một cô gái làng chơi. Người hầu đưa cô gái một bó hoa, được cho là quà tặng của khách hàng, không phải là cảnh tượng thường được mô tả trong nghệ thuật thời đại của Manet.

Les Demoiselles d'Avignon (1907) - Pablo Picasso: Bức tranh của Picasso gây ra sự phẫn nộ rộng khắp khi được triển lãm lần đầu tiên vào năm 1916. Các nhà phê bình và người xem mô tả tác phẩm là "vô đạo đức". Picasso không chỉ tạo xáo động mạnh mẽ bởi hình ảnh 5 cô gái mại dâm trong tranh mà còn do cách thể hiện nhân vật phi truyền thống. Những người phụ nữ được tạo hình góc cạnh, không nữ tính và không hề ngại ngùng khi khỏa thân. Ngay cả trong những năm gần đây, tác phẩm này vẫn đứng giữa ranh giới của lời ca ngợi là tác phẩm lập thể tiêu biểu và cáo buộc Picasso thể hiện thái độ kỳ thị phụ nữ. Một số người cho rằng, họa sĩ người Tây Ban Nha vẽ những cô gái này chỉ để phục vụ mục đích thu hút cái nhìn của nam giới.

Grande Odalisque (1814) - Jean Auguste Dominique Ingres: Những người cùng thời với Ingres coi tác phẩm này là dấu hiệu cho thấy họa sĩ người Pháp đã bứt phá khỏi chủ nghĩa tân cổ điển chuyển hướng sang chủ nghĩa lãng mạn. La Grande Odalisque gây ra tranh cãi không phải vì chủ đề khỏa thân mà bởi tỷ lệ giải phẫu cơ thể không chân thực. Một nhà phê bình nhận xét rằng người mẫu "không có xương, không có cơ, không có máu, không có sự sống". Nhưng ngày nay, các chuyên gia lại cho rằng việc kéo dài cơ thể một cách phi lý của Ingres là có chủ ý.

Theo An Yên/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-buc-tranh-khoa-than-gay-on-ao-nhat-post1493073.html