7 cách khen để không làm hư trẻ

Không phải lời khen nào cũng mang lại hiệu quả như mong đợi. Nếu không khéo léo, lời khen của cha mẹ có thể gây tác dụng ngược, khiến trẻ trở nên ỷ lại hoặc tự cao, theo Psychology Today.

1. Khen ngợi quá trình: Phụ huynh nên khen ngợi sự nỗ lực, chiến lược và quá trình của trẻ thay vì khen những đặc điểm con người như trí thông minh, thể lực hoặc vẻ đẹp. Nghiên cứu cho thấy khen ngợi quá trình sẽ nâng cao động lực nội tâm và sự kiên trì của trẻ trước những thách thức. Trong khi đó, khen ngợi đặc điểm có xu hướng khiến trẻ tập trung nhiều hơn vào lỗi lầm của mình, dễ dàng bỏ cuộc và đổ lỗi cho bản thân.

2. Sử dụng lời khen mang tính hỗ trợ thay vì kiểm soát: Nghiên cứu cho thấy lời khen ngợi nên hỗ trợ sự tự chủ của trẻ và khuyến khích chúng đánh giá bản thân. Ví dụ, cha mẹ có thể nói "Có vẻ như con rất thích điều đó" thay vì "Bố mẹ rất vui khi con ghi bàn".

3. Tránh sử dụng lời khen so sánh: Khi cha mẹ sử dụng lời khen để so sánh trẻ với người khác, về lâu dài, trẻ bắt đầu tập trung vào việc so sánh mình với người khác thay vì khám phá và phát triển những điểm mạnh riêng của mình. Việc so sánh cũng có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các anh chị em hoặc giữa trẻ với bạn bè, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, trẻ cũng có thể cảm thấy áp lực phải đạt được thành tích cao hơn người khác để được cha mẹ khen ngợi, dẫn đến căng thẳng và lo âu.

4. Sử dụng lời khen cụ thể thay vì chung chung. Nghiên cứu cho thấy lời khen với thông tin cụ thể giúp trẻ học cách cải thiện hành vi của mình trong tương lai. Ví dụ, bạn có thể nói "Con giỏi lắm vì đã cất đồ chơi vào thùng khi chơi xong". Điều này giúp trẻ học được một kỳ vọng cụ thể. Nếu bạn chỉ nói "Giỏi lắm", chúng có thể không biết bạn đang đề cập đến điều gì.

5. Sử dụng ngôn ngữ hình thể khi khen ngợi: Cha mẹ có thể sử dụng cử chỉ một cách tự nhiên và chân thành như đập tay, giơ ngón tay cái, ôm, vuốt tóc... để khuyến khích con cái. Cử chỉ kết hợp với lời nói tạo nên một thông điệp rõ ràng và dễ hiểu hơn. Trẻ sẽ dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của lời khen và cảm thấy được động viên. Nghiên cứu cũng chỉ ra cử chỉ thậm chí có thể rất hiệu quả trong việc trẻ tự đánh giá bản thân.

6. Lời khen thật lòng: Nghiên cứu cho thấy khi trẻ cảm thấy cha mẹ đang khen quá nhiều hoặc quá ít về thành tích của chúng, chúng có nhiều khả năng bị trầm cảm và giảm thành tích học tập. Ngoài ra, lời khen quá mức như "Đó là bức vẽ đẹp nhất mà mẹ từng thấy" có thể khiến trẻ tự cao, phụ thuộc vào lời khen ngợi...

7. Tránh khen kèm dự đoán: Việc đưa cho trẻ em những dự đoán không thực tế hoặc hơi cường điệu có thể khiến bé cảm thấy mình không hoàn thành được nhiệm vụ khi không làm đúng dự đoán của cha mẹ. Thay vì nói "Con làm bài tốt lắm, con sẽ đứng đầu lớp ở kỳ thi này", cha mẹ nên nói "Con làm bài tốt lắm, hãy cố gắng phát huy ở kỳ thi này"

Ngọc Bích

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-cach-khen-de-khong-lam-hu-tre-post1494093.html