7 chiến lược phát triển giao thông TP.HCM

Năm 2021 là năm bản lề để TP.HCM thực hiện bảy chiến lược nhằm thay đổi cục diện giao thông TP trong năm năm tới.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết ngay từ đầu năm 2021, ban đã xác định bảy chiến lược phát triển giao thông TP trong năm năm tới. Theo đó, sẽ có bảy nhóm dự án tương ứng với bảy chiến lược quan trọng này.

Năm 2021-2025, ngành giao thông TP.HCM sẽ tập trung vào giải pháp giảm kẹt xe khu vực cảng Cát Lái (quận 2). Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: ĐT

Năm 2021-2025, ngành giao thông TP.HCM sẽ tập trung vào giải pháp giảm kẹt xe khu vực cảng Cát Lái (quận 2). Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: ĐT

Kỳ vọng thay đổi cục diện giao thông TP

Ông Lương Minh Phúc cho biết các dự án trọng điểm trong năm 2021 và năm năm tới sẽ được Ban giao thông phối hợp với Sở GTVT để thực hiện. Theo đó, bảy chiến lược phát triển giao thông TP sẽ được phân chia theo nhóm cụ thể như sau:

Thứ nhất là nhóm dự án trọng điểm. Đây là nhóm bao gồm các dự án cao tốc, vành đai, cửa ngõ có vai trò quan trọng đối với mạng lưới giao thông TP. Trong năm nay, Ban giao thông trình HĐND TP về chủ trương đầu tư cho tám dự án thuộc nhóm này. Tiêu biểu là các dự án khép kín vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng các tuyến đường cửa ngõ TP như quốc lộ (QL) 50, QL52, QL1A...

Thứ hai là nhóm dự án tập trung vào các điểm nóng về giao thông của TP.HCM. Điển hình ở đây là hai điểm nóng khu vực Tân Sơn Nhất và Cát Lái. Đối với điểm nóng Tân Sơn Nhất, điển hình có dự án kết nối đường Trần Quốc Hoàn với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ GTVT sẽ xây dựng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án tại khu vực sân bay sẽ được khởi công đồng bộ trong thời gian tới như đường Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa...

Đối với điểm nóng Cát Lái, TP sẽ khởi công đồng loạt ở đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, đường liên cảng mới đi dọc bờ sông..., từ đó từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực này.

Thứ ba là các dự án hoàn thiện trục Bắc - Nam để nối kết khu Nam với trung tâm TP. Trong đó, Ban giao thông đang chuẩn bị đầu tư cho dự án cầu đường Nguyễn Khoái đi từ quận 7 qua quận 4 và tới quận 1. Trong định hướng tương lai sẽ có dự án cầu đường Bình Tiên, cầu Phú Định; hoàn thiện đường trục Nguyễn Hữu Thọ đi xuống cảng Hiệp Phước (Nhà Bè); hoàn thiện trục đường 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát... Tất cả dự án này là chiến lược giảm tải áp lực giao thông cho phía nam TP.

Nhóm thứ tư là hoàn thiện mạng lưới giao thông cho đô thị sáng tạo phía đông. Đây là chiến lược đầu tư các dự án giao thông cho khu vực TP Thủ Đức. Trong đó, khu vực nút giao An Phú, đường D7, trục đường nối kết với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Thứ năm, phát triển xe buýt nhanh (BRT) kết nối với tuyến metro số 1. Tuyến giao thông này sẽ cùng với metro trở thành bộ khung chủ lực để phục vụ khu đô thị TP Thủ Đức trong tương lai với vai trò vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Từ đó, hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng.

Thứ sáu, tập trung vào giao thông thủy. Sẽ có 10 dự án nạo vét, chỉnh trang tuyến sông trên địa bàn TP. Các dự án sẽ tạo điều kiện cho tàu trên 5.000 tấn được vào các cảng, phục vụ chiến lược phát triển giao thông thủy của TP.

Thứ bảy là tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cao năng lực giao thông ở các tuyến giao thông nội đô như nút giao, cầu vượt và hoàn thiện các hệ thống đường đô thị ở các quận, huyện.

Ông Phúc cho biết: Năm 2021 là năm bản lề để khởi công hàng loạt dự án trong bảy nhóm chiến lược nói trên. “Giao thông sẽ thay đổi và hoàn thiện hơn một bước sau khi đưa các dự án trên vào hoạt động.

Cần thay đổi bốn vấn đề để phát triển

Tuy nhiên, theo ông Phúc, phải cần tới năm năm (2021-2025) để thực hiện bảy chiến lược phát triển giao thông nói trên.

Đồng thời, để bảy chiến lược giao thông được thực hiện một cách thuận lợi, ông Phúc cho rằng có bốn vấn đề cần phải thay đổi. Cụ thể là thay đổi về vốn, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và năng lực của các đơn vị thi công.

“Bên cạnh vốn ngân sách thì chúng ta cần có cơ chế về nguồn vốn mới, bao gồm từ nguồn xã hội hóa. Hy vọng trong năm 2021 sẽ mở ra một hướng mới với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được ban hành. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư tốt hơn cho ngành giao thông” - ông Phúc nói.

Đối với quy chế phối hợp giữa các đơn vị, Ban giao thông cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị từ lập, trình duyệt dự án đến thiết kế, thi công dự án. “Ban giao thông mong muốn phối hợp thuận lợi với các đơn vị chức năng. Từ đó rút ngắn được thời gian thực hiện các dự án, sớm đưa các dự án vào hoạt động” - ông Phúc kỳ vọng.

Cũng theo ông Phúc, công tác giải phóng mặt bằng là một nút thắt lớn mà nếu năm năm tới chúng ta không có cách làm khác thì rất khó để có thể hoàn thành các chiến lược đã đề ra.

“Trong nhóm các dự án vành đai, cửa ngõ, cao tốc thì chi phí bồi thường đã khoảng 20.000 tỉ đồng. Cùng với sự biến động về quy hoạch đất đai thì công tác bồi thường cần huy động sự tham gia của nhiều ngành chức năng cũng như các địa phương mới có thể đưa các dự án lớn sớm hoàn thành” - ông Phúc nhận định.

Ngoài ra, năng lực chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát... cũng cần được quan tâm nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành giao thông.•

Năm 2021 khởi công và hoàn thành 50 dự án
Ông Lương Minh Phúc cho biết: Năm 2021, dự kiến Ban giao thông sẽ khởi công 15 dự án và hoàn thành 35 dự án giao thông. Đối với các dự án khởi công, tiêu biểu có: Đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), đường Hoàng Hoa Thám, đoạn đường Cộng Hòa kết nối với Trần Quốc Hoàn, gói thầu tỉnh lộ 8, kênh ngang số 1, 2, 3 trên địa bàn quận 8…
Ngoài ra, Ban giao thông dự kiến khởi công thêm cầu Rạch Đỉa, các gói thầu về giao thông xanh... Các dự án này muốn khởi công được thì các địa phương phải bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Đồng thời, năm 2021 Ban giao thông sẽ hoàn thành các dự án trọng điểm như đường Nguyễn Hữu Cảnh, một nhánh cầu Bưng, phần đường chính cầu Bà Hom, nâng cấp đường Đồng Văn Cống, cầu Hang Ngoài, hạ tầng chín lô đất ở Thủ Thiêm và hai gói thầu ở trước Bến xe Miền Đông mới…
Đặc biệt, Ban giao thông sẽ cố gắng bàn giao một nhánh hầm Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Bên cạnh đó, nếu huyện Cần Giờ bàn giao được mặt bằng thì cầu Vàm Sát 2 cũng được hoàn thành.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/7-chien-luoc-phat-trien-giao-thong-tphcm-959521.html