7 cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam
Nằm tại những địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam, 7 cột cờ này thu hút đông du khách check-in.
1. Cột cờ Lũng Cú nằm ở tỉnh nào?
Lạng Sơn
Yên Bái
Hà Giang
Cột cờ Lũng Cú là địa điểm thu hút du khách check-in khi đến Hà Giang. Theo trang thông tin Biên phòng Việt Nam, công trình thiêng liêng nơi điểm cực Bắc đất nước này có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ hiện tại cao hơn 30 m, kiểu dáng bát giác, trang trí trống đồng Đông Sơn, trên đỉnh là quốc kỳ diện tích 54 m2. Ảnh: Duy Hiệu.
2. Cột cờ Hà Nội thuộc phạm vi Di sản Văn hóa Thế giới nào?
Khu trung tâm Hoàng thành Kính Thiên - Hà Nội
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
Khu trung tâm Hoàng thành Tây Đô - Hà Nội
Cột cờ Hà Nội, hay Kỳ đài, là một trong những công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận năm 2010. Ảnh: Vũ Minh Quân.
3. Là công trình hoàn thành năm 1843 dưới thời Nguyễn, từng bị đạn bom phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng nguyên trạng vào năm nào?
1987
1997
2007
Cột cờ Nam Định là di tích quốc gia ở TP Nam Định. Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Nam Định, công trình được hoàn thành năm 1843 dưới thời Nguyễn, nằm ở trung tâm thành cổ Nam Định. Từng bị đạn bom phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng theo đúng nguyên trạng vào năm 1997. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định.
4. Cột cờ thiêng liêng nào nằm ở Quảng Trị?
Cột cờ Hiền Lương
Cột cờ Thành Cổ
Cột cờ Cam Lộ
Cột cờ Hiền Lương thuộc di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải tại tỉnh Quảng Trị. Ngoài cột cờ, nơi đây còn có cầu Hiền Lương, nhà Liên hợp, các bến đò, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất"... Với những giá trị đặc biệt, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Phongnha Explorer.
5. Kỳ đài Kinh thành Huế (Thừa Thiên - Huế) có bố cục thế nào?
Đài cờ gồm 3 tầng hình chóp cụt chồng lên nhau
Cột cờ cao gần 40 m
Gồm cả 2 phần trên
Kỳ đài nằm chính giữa mặt nam Kinh thành Huế, được xây đầu thời vua Gia Long. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, công trình gồm 2 phần: đài cờ đồ sộ 3 tầng hình chóp cụt chồng lên nhau, cao hơn 17 m; cùng cột cờ cao gần 40 m. Ảnh: Gia Linh.
6. Cột cờ Thủ Ngữ nằm tại quận nào của TP.HCM?
Quận 1
Quận 3
Quận 5
Cột cờ Thủ Ngữ nằm tại quận 1, TP.HCM ngày nay. Theo thông tin giới thiệu của Sở Du lịch TP.HCM, Cột cờ Thủ Ngữ có lịch sử hơn 150 năm, được dựng ở khu vực ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, từng giữ chức năng báo hiệu cho tàu thuyền ra vào sông. Gần đây công trình được trùng tu, thêm điểm tham quan cho người dân và du khách. Ảnh: James Clark.
7. Công trình Cột cờ tại Mũi Cà Mau khánh thành vào năm nào?
1999
2009
2019
Công trình Cột cờ tại Mũi Cà Mau được khánh thành nhân Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019. Ngoài công trình này, du khách đến Khu du lịch Mũi Cà Mau tại cực Nam đất nước còn có thể check-in với cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, tượng Mẹ… Ảnh: Quang.Quang.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-cot-co-noi-tieng-o-viet-nam-post1187233.html