'7 dám' chính là quan điểm, mục tiêu đối với công tác cán bộ

Đại tá Trần Hải Vinh, cán bộ hưu trí TP Cần Thơ: Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã có chỉ đạo rất sâu sắc về công tác cán bộ: '... Chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần '7 dám': 'Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung'.

Tôi thấy, đây chính là quan điểm, phương châm, mục tiêu, tiêu chuẩn đối với công tác cán bộ nói chung, cán bộ Quân đội nói riêng xuyên suốt quy trình tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện, thử thách, bố trí, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ hiện nay và trong tương lai. Đây cũng là một cách cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất cần thiết và rất quan trọng”. Công tác cán bộ phải có vai trò quyết định trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”... Tuy nhiên, theo tôi cần phải làm rõ và cụ thể hóa tinh thần “7 dám” cụ thể như sau:

Đại tá Trần Hải Vinh, cán bộ hưu trí TP Cần Thơ.

Đại tá Trần Hải Vinh, cán bộ hưu trí TP Cần Thơ.

“Dám nghĩ” phải thể hiện được cái tâm, cái tầm, cái trí của cán bộ. Nghĩ vì lợi ích chung của tập thể, của xã hội; suy nghĩ tích cực để có sáng kiến mới, hiệu quả chứ không phải “dám nghĩ" để đạt được lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tùy cấp thì “dám nghĩ” đến chiến lược, sách lược mang tính định hướng dài hạn của một cơ quan, đơn vị, của địa phương, ngành... Cán bộ cấp thừa hành thì “dám nghĩ” đến sáng kiến đề xuất biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả nhất.

“Dám nói” thể hiện được cái dũng của cán bộ, trên cơ sở những điều “dám nghĩ” tích cực. Tuy nhiên, “dám nói” nghĩa là phải nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng người cần nghe, nói trên tinh thần xây dựng, nói để phản biện xã hội để đạt được cái thống nhất chứ không phải đụng đâu nói đó, nói một cách tùy tiện, nói để thỏa mãn cái tôi.

“Dám làm” là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, đó cũng là thước đo bản lĩnh, năng lực triển khai thực hành nhiệm vụ được giao của cán bộ. Đối với cán bộ lãnh đạo thì “dám làm” là năng lực xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với các biện pháp tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, chính xác, phát huy được sức mạnh tập thể.

Đối với cán bộ thừa hành “Dám làm” là khả năng vận dụng linh hoạt cơ sở vật chất, tinh thần để thực hiện ý định của cấp trên một cách nhanh chóng, hiệu quả trên tinh thần phát huy năng lực cá nhân cũng như khả năng phối hợp nhóm, mưu trí sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong quá thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ, biến lý luận thành hiện thực cách mạng.

“Dám làm” còn phải được hiểu là phải làm đúng, làm đủ và hoàn thành nhiệm vụ được giao trên cơ sở khoa học, có sự tư duy tích cực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ... khác với dám làm liều, làm ẩu, làm cho qua việc, làm đối phó với cấp trên, làm chỉ vì lợi ích nhóm, lợi cá nhân.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Cần Thơ dọn vệ sinh môi trường giúp nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Cần Thơ dọn vệ sinh môi trường giúp nhân dân.

Lực lượng Dân quân tự vệ TP Cần Thơ di chuyển đồ giúp nhân dân do sạt lở bờ sông.

Lực lượng Dân quân tự vệ TP Cần Thơ di chuyển đồ giúp nhân dân do sạt lở bờ sông.

“Dám chịu trách nhiệm” chính là bản lĩnh chính trị của cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. “Dám chịu trách nhiệm” còn là sự thể hiện năng lực dám tiếp nhận phê bình, đóng góp từ tập thể, kể cả từ cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung biện pháp chỉ huy điều hành phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình.

Trong tình hình hiện nay, “Dám chịu trách nhiệm” còn là năng lực “dám từ chối”, “dám nói không” với tiêu cực.

“Dám đổi mới, sáng tạo” là sự đánh giá năng lực tổng hợp nền tảng tri thức khoa học với bản lĩnh chính trị tư tưởng của cán bộ. Đổi mới và sáng tạo là xu thế tất yếu khách quan của sự phát triển. Cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững chắc, nắm chắc xu thế phát triển sẽ mạnh dạn dám đổi mới, sáng tạo.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: “Cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên”. Đổi mới, sáng tạo trên cơ sở định hướng xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. “Dám đổi mới, sáng tạo” còn có thể hiểu là dám đổi mới về cách nghĩ, cách làm, dám thay đổi tư duy bảo thủ, tiêu cực; dám sáng tạo là cách thức vận dụng tri thức mới ứng dụng vào quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”: Quá trình đổi mới, thực hiện nhiệm vụ hiện nay, việc gặp phải những khó khăn, thử thách là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, yêu cầu cán bộ phải “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” là thước đo thực sự đối với bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo đối với cán bộ các cấp, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo điều hành. Thực sự chỉ những cán bộ qua rèn luyện, thử thách mới có thể đánh giá được. Đó là sự tổng hợp những cái “Dám” đã nêu ở trên.

Chính vì vậy, công tác cán bộ phải được quan tâm ngay từ khi tuyển dụng, tạo điều kiện để thử thách rèn luyện, trải qua quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức” để tuyển chọn cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Tránh trường hợp quy hoạch, phát triển thần tốc diện cán bộ “5C” như ở một số địa phương vừa qua.

QUANG ĐỨC (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/7-dam-chinh-la-quan-diem-muc-tieu-doi-voi-cong-tac-can-bo-733958