7 dấu hiệu suy thận thường gặp
Suy thận là căn bệnh ngày càng phổ biến với số lượng người mắc đang có xu hướng tăng nhanh. Vậy làm sao nhận biết được các dấu hiệu suy thận để có biện pháp khắc phục an toàn, hiệu quả, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm?
7 dấu hiệu bệnh suy thận thường gặp
Suy thận là tình trạng chức năng thận suy giảm dưới mức bình thường. Khi bị tổn thương do nhiều nguyên nhân, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước và khoáng chất trong cơ thể, gây hại cho người bệnh. Dưới đây là 7 dấu hiệu suy thận thường gặp:
Phù nề
Khi thận bị suy giảm chức năng, các chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể và gây ra hiện tượng phù, đặc biệt là vùng cổ chân, bàn chân, bàn tay, cổ, mặt,…
Mệt mỏi
Đột nhiên bạn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn,… rất có thể là do thận đang gặp vấn đề. Bởi khi thận bị suy, các tế bào hồng cầu vận chuyển khí oxy ít làm việc (tình trạng thiếu máu), khiến cơ và não bộ suy nhược.
Buồn nôn
Các chất thải tích tụ trong cơ thể không được đào thải ra ngoài nên người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn liên tục. Bên cạnh đó, hơi thở còn có thể xuất hiện mùi amoniac hoặc vị kim loại.
Ngứa, phát ban ở da
Điều này xảy ra là do khi thận bị suy, sự tích tụ các chất thải trong máu gây viêm và ngứa ở nhiều mức độ, có thể sẽ nặng hơn ngứa dị ứng.
Thay đổi hơi thở và vị giác
Bạn cảm thấy hơi thở nông hơn, khó hít sâu; Trong miệng luôn cảm thấy vị khác lạ, hơi thở có mùi; Ăn không thấy ngon,…
Cảm giác lạnh liên tục
Khi cơ thể bị thiếu máu do các vấn đề liên quan tới thận, bạn sẽ có cảm giác lạnh ngay cả khi trong phòng ấm. Đặc biệt, sốt và ớn lạnh là những triệu chứng thường gặp khi bạn bị viêm thận.
Nước tiểu bất thường
Một trong những triệu chứng sớm nhất phát hiện bệnh suy thận là những thay đổi khi đi tiểu. Cụ thể, người bị suy thận sẽ xuất hiệu dấu hiệu sau:
- Nước tiểu có màu vàng đậm hoặc thay đổi màu.
- Đi tiểu nhiều về đêm mặc dù không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
- Buồn tiểu nhưng đi tiểu lại không được nhiều, tiểu rắt, tiểu buốt.
- Đi tiểu ra máu.
- Căng tức vùng bàng quang, đi tiểu khó khăn.
>>> Xem thêm: 4 nguyên tắc “vàng” giúp phòng ngừa suy thận do tiểu đường hiệu quả TẠI ĐÂY.
Suy thận nguy hiểm như thế nào?
Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng đến hầu hết bộ phận trong cơ thể. Tuy nhiên, có rất nhiều người xem nhẹ suy thận giai đoạn đầu vì nghĩ nó chưa ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nếu như bạn không chữa trị một cách dứt điểm, suy thận sẽ ngày càng tiến triển sang các giai đoạn sau, nặng hơn và rất nguy hiểm.Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm:
- Gây giữ nước, huyết áp cao hoặc xuất hiện dịch trong phổi (phù phổi).
- Sự gia tăng đột ngột nồng độ kali trong máu (tăng kali máu), có thể làm giảm khả năng hoạt động của tim và đe dọa đến tính mạng.
- Bệnh tim và mạch máu (tim mạch).
- Làm xương yếu dần, tăng nguy cơ loãng xương, khiến xương dễ gãy.
- Giảm chức năng tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản.
- Gây thiệt hại cho hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật.
- Khi suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối, người bệnh cần phải chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
>>> Xem thêm: Suy thận có di truyền không TẠI ĐÂY.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-dau-hieu-suy-than-thuong-gap--n172937.html