7 giải Nhất được trao tại Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023
Sau một tuần tranh tài sôi nổi, tối 30/9, Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023 đã chính thức bế mạc tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu. Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết: Cuộc thi lần này có nhiều tiết mục, trích đoạn và phần biểu diễn đặc sắc. Các nghệ sĩ, diễn viên đã phô diễn, thể hiện tài năng và lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng của nghệ thuật cải lương; khắc họa sâu sắc về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và sự tinh tế trong văn hóa nghệ thuật của cha ông ta từ xưa tới nay.
Từ thực tế cuộc thi, Cục Nghệ thuật biểu diễn thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên của loại hình nghệ thuật cải lương nói riêng, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung.
“Thông qua cuộc thi, tôi mong muốn và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật cải lương tiếp tục chú trọng, tăng cường đầu tư hơn nữa, có cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật cải lương, nhất là các tài năng trẻ”- ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.
Đánh giá về chất lượng nghệ thuật cuộc thi, đạo diễn Ca Lê Hồng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: Từ cuộc thi, xuất hiện nhiều diễn viên có chất giọng đẹp làm say đắm người nghe. Tuy nhiên, tài năng của diễn viên cải lương đòi hỏi phải hài hòa giữa ca và diễn, ca trong diễn và diễn trong ca phải có sự nhuần nhuyễn tinh tế.
“Một số diễn viên có giọng tốt nhưng chưa làm chủ được nên khi đổ vọng cổ không giữ được cao độ; tập trung quá sức vào phần ca, phần sau đuối sức dẫn đến cao độ non, chông chênh, sai nhịp…” - Đạo diễn Ca Lê Hồng cho biết.
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi chia sẻ kinh nghiệm, để có những phần dự thi thành công, trước hết phải chọn được trích đoạn hay, nhiều đất diễn, phù hợp với diễn viên dự thi; phải có người hướng dẫn, đạo diễn, dàn dựng giỏi nghề, nhất là với những trích đoạn độc diễn; và quan trọng nhất là khả năng, sự sáng tạo của nghệ sĩ, diễn viên dự thi, phải có bản lĩnh làm chủ trong ca diễn, từ mở đầu đến cao trào và kết thúc phải luôn giữ được phong độ…
Chung cuộc, ban tổ chức trao 7 giải Nhất, 14 giải Nhì cho các thí sinh có phần dự thi đạt kết quả tốt nhất.
7 Giải Nhất được trao cho các diễn viên: Phạm Hải Đăng (Nhà hát Cao Văn Lầu); Lê Thị Hồng Giang (Nhà hát Tây Đô); Nguyễn Văn Khởi (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Phạm Thị Ngọc (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa); Trần Phương Trang (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai); Đỗ Thị Kim Oanh (Đoàn Cải lương Hải Phòng); Quách Thị Diễm Ngọc (Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt).