7 giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế biển
Nam Định đang từng bước tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân theo hướng phát triển bền vững.
Trong cuộc trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đức Việt (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Nam Định, đã chia sẻ về những nỗ lực của tỉnh trong việc phát triển kinh tế biển bền vững với quyết tâm cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU, nhằm nâng cao giá trị hải sản Việt Nam.

Ông Trần Đức Việt
. Phóng viên: Những quyết sách của tỉnh Nam Định về phát triển kinh tế biển hiện nay là gì, thưa ông?
+ Ông Trần Đức Việt: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết 05 ngày 18-6-2021 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 81 ngày 16-7-2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm và các ngành kinh tế biển”.
Tỉnh Nam Định ưu tiên đầu tư vào ba nhóm công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm: Không gian phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông và hệ thống đê điều, thủy lợi. Các ngành kinh tế biển được tập trung phát triển gồm bốn nhóm chính: Du lịch biển, kinh tế hàng hải, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản, cùng với công nghiệp ven biển.
Để đảm bảo phát triển kinh tế biển bền vững, tỉnh đã đề ra bảy nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Ngư dân Nam Định cập cảng sau một chuyến vươn khơi đánh bắt thủy hải sản. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả quy hoạch, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế ven biển; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và đô thị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối. Cùng với đó là xây dựng, phát triển kinh tế biển và ven biển thành cực tăng trưởng mới của tỉnh; quan tâm bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới bền vững; tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ven biển.

Ngư dân vui mừng sau chuyến ra khơi.

Tàu cá vươn khơi đánh bắt.
. Làm sao để nâng cao giá trị gia tăng trong thời gian tới, thưa ông?
+ Thời gian tới, tỉnh tiếp tục củng cố và mở rộng tổ chức sản xuất trên biển, gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh cũng khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ tàu cá và khu neo đậu tránh trú bão.
Để phát triển kinh tế biển bền vững và lâu dài, tỉnh đang triển khai định hướng giảm khai thác và tăng cường nuôi trồng, hình thành các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Toàn cảnh vùng nuôi trồng thủy sản huyện Giao Thủy, Nam Định.

Tàu cá neo đậu ở cảng cá Ninh Cơ nhìn từ trên cao.
. Về việc gỡ thẻ vàng IUU, đến thời điểm hiện tại, tỉnh nhà đã đạt được những kết quả gì?
+ Nam Định đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) theo Chỉ thị 32 của Ban Bí thư. Tỉnh kiên quyết không cho tàu cá ra khơi nếu không đủ thủ tục, trang thiết bị theo quy định, đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc khai thác thủy sản và giám sát sản lượng.
Từ tháng 10-2023 đến tháng 3-2025, tỉnh đã xử lý 186 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 6,4 tỉ đồng. Tỉnh cũng yêu cầu các tàu không đủ điều kiện giải bản và không cho ra khơi, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác chống khai thác IUU.
. Xin cảm ơn ông.
Nguồn PLO: https://plo.vn/7-giai-phap-trong-tam-de-phat-trien-kinh-te-bien-post844352.html