7 kiệt tác buồn bã nhất thế giới

Khi nhìn vào những kiệt tác của Picasso hay Edward Hopper, nhiều người như thấy chính mình trong lúc cô đơn, tuyệt vọng. Dưới đây là 7 tác phẩm buồn bã nhất, theo Daily Art.

At Eternity's Gate (1890) - Van Gogh: Theo Daily Art, đây có lẽ là bức tranh buồn bã nhất theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một ông già ngồi trên ghế gục mặt xuống, hai tay ôm đầu dường như đang khóc vì xúc động hoặc tuyệt vọng tột độ. Đây là một cảnh đau đớn, ẩn ý sự giằng xé tinh thần của Van Gogh vào thời điểm đó. Tuy nhiên, bức tranh được đặt tựa đề At Eternity's Gate (Tại ngưỡng cửa vĩnh hằng) như muốn nhen nhóm lên chút hy vọng. Con người có thể đang đau khổ nhưng rồi sẽ tìm được giây phút yên bình nhờ đức tin và bước vào cánh cổng cõi vĩnh hằng sau khi qua đời.

La Madeleine (1868-1869) - Paul Cézanne: Tác phẩm La Madeleine (Nỗi buồn) của họa sĩ hậu ấn tượng Paul Cézanne thể hiện cảm giác đau đớn thuần khiết khi mất đi một người thân yêu. Nhân vật trong tranh là Mary Magdalene, nhân vật nổi tiếng trong Kinh thánh. Màu sắc xanh - trắng - xám lạnh lẽo kết hợp với dáng điệu ủ rũ thể hiện cảm xúc của Magdalene khi nghe tin về sự ra đi của một người quan trọng với mình. Thêm vào đó, yếu tố sọ người biểu tượng cho sự u sầu, mất mát càng khiến bức tranh u ám hơn.

Christina's World (1948) - Andrew Wyeth: Bức tranh nổi tiếng của Andrew Wyeth mô tả Christina, người phụ nữ mặc chiếc váy màu hồng nằm lẻ loi trên bãi cỏ, nhìn về phía trang trại đằng xa. Cô dường như đang gượng dậy để tiến lên phía trước nhưng không thành. Trong lòng người xem có thể xuất hiện nỗi cảm thông với sự bất lực và vô vọng của cô gái trong tranh. Tác phẩm dường như muốn thể hiện những phiền não tâm lý trong chúng ta thông qua nỗi đau của Christina.

La Mélancolie (1785) - Louis-Jean-Francois Lagreneé: Bức tranh vẽ từ năm 1785 thể hiện nỗi u sầu đầy chất thơ, lãng mạn. Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trên nền tối, chống cằm và đặt tay lên đùi trầm lặng. Nét mặt cho thấy cô đang có điều vướng bận trong lòng nhưng tư thế buồn bã trông đẹp dịu dàng.

The Old Guitarist (1903-1904) - Picasso: Đây là kiệt tác của Picasso trong Thời kỳ xanh (1901-1904) vẽ một nhạc sĩ nghèo mù lòa. Bảng màu xanh lam của bức tranh cùng dáng vẻ ủ rũ, những ngón tay dài ốm yếu càng khắc sâu thêm hoàn cảnh bi thương của nhân vật đang chơi đàn trên đường phố Barcelona (Tây Ban Nha).

In a Café (L’Absinthe) (1875-1876) - Edgar Degas: Bức tranh của danh họa người Pháp không hẳn là nỗi buồn nhưng khiến người xem có cảm giác nặng nề khi khắc họa nỗi cô đơn và mệt mỏi của chủ thể chính. Nữ diễn viên Ellen Andree cũng là bạn của Degas ngồi rầu rĩ, gương mặt chán nản, cánh tay buông thõng tủi thân. Một ly absinthe đặt trên bàn trước mặt cô. Đây là loại rượu từng bị nhiều nước cấm vì có nồng độ cồn cao đi kèm điều tiếng gây rối loạn tâm thần, kích thích các hành vi phạm tội. Người đàn ông ngồi bên cạnh Ellen đang hút tẩu và nhìn sang hướng khác một cách xa lạ, càng làm tăng thêm sự đơn độc của người phụ nữ. Bức tranh là một hình ảnh buồn vì nhiều người trong chúng ta có thể liên tưởng đến cảm giác buồn bã và trống rỗng giữa đám đông.

Nighthawks (1942) - Edward Hopper: Edward Hopper nói về Nighthawks: “Có lẽ một cách vô thức, tôi đang vẽ nên sự cô đơn của một thành phố lớn”. Trong quán ăn đêm, 3 khách hàng ngồi ở quầy đối diện với 1 người phục vụ, mỗi người dường như đang chìm đắm trong suy nghĩ và tách biệt khỏi nhau. Người xem có thể thắc mắc về các nhân vật, mối quan hệ của họ trong thế giới này. Bố cục tranh chặt chẽ và kiệm chi tiết: không có lối vào quán, không có mảnh vụn trên đường phố. Thông qua các khối hình học hài hòa và ánh sáng rực rỡ của đèn điện trong quán ăn, Hopper đã tạo ra một khung cảnh thanh bình, đẹp đẽ nhưng đầy bí ẩn.

Theo An Yên/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-kiet-tac-buon-ba-nhat-the-gioi-post1480208.html