7 loại thực phẩm thân thiện với người bệnh tiểu đường
Hầu hết chúng ta đều yêu thích các món ăn ngọt hoặc có chứa nhiều carbohydrate. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn tiền tiểu đường hay đã mắc tiểu đường, điều quan trọng cần làm là kiểm soát mức đường huyết từ chế độ ăn để không đẩy đường huyết đến mức nguy hiểm sức khỏe.
Trong trường hợp tiền tiểu đường, chúng ta vẫn có thể kiểm soát đường huyết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày. Trái lại, nếu đã bị tiểu đường, việc uống thuốc để kiểm soát đường huyết là điều cần thiết.
Các loại hạt có chỉ số đường huyết thấp, đặc biệt là hạt hạnh nhân - Ảnh minh họa
Trên thực tế, không có loại thực phẩm, thảo dược hay sản phẩm bổ sung nào có thể hạ giảm đường huyết nhưng một số thực phẩm tốt cho người tiểu đường vì chúng không làm tăng mức đường huyết khi hấp thu.
Một số thực phẩm làm đường huyết tăng cao, gọi là các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp tốt cho người cần kiểm soát đường huyết .
Dưới đây là các thực phẩm không làm tăng mức đường huyết trong cơ thể:
1. Quả bơ
Quả bơ chứa các chất béo không bão hòa đa (PUFA) và không bão hòa đơn (MUFA), giúp cải thiện hoạt tính của insulin; cải thiện huyết áp và làm giảm viêm nhiễm, tăng cảm giác no sau khi ăn.
Quả bơ có chỉ số đường huyết thấp giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa - tên gọi chung cho các yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường.
2. Tỏi
Bạn có thể ăn tỏi hàng ngày mà không lo tăng đường huyết. Tỏi cũng là thực phẩm giúp giảm đường huyết cao.
Theo nghiên cứu, ngoài tỏi, củ hành cũng có công dụng tương tự nhờ chứa hợp chất allicin, làm cho hai loại gia vị này có mùi hăng nồng đặc trưng.
3. Các loại rau cải có màu xanh sậm
Các loại rau cải màu xanh sậm có hàm lượng chất xơ cao cùng một số dưỡng chất quan trọng khác; đặc biệt là magnesium và vitamin A, giúp giảm mức đường huyết.
Hấp thu khoảng 1,35 khẩu phần rau cải xanh mỗi ngày, chúng ta sẽ giảm được 14% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 - theo nghiên cứu.
4. Hạt chia
Hạt chia chứa nhiều chất xơ và các chất béo khỏe mạnh cho cơ thể, bên cạnh các chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và calcium.
Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung hạt chia hàng ngày giúp giảm mức cholesterol xấu LDL và triglycerid - hai yếu tố gây nguy hiểm cho sức khỏe khi ở mức cao. Hạt chia không gây tăng đường huyết vì chỉ số GI của loại hạt này là 1.
5. Hạnh nhân và các loại hạt khác
Các loại hạt có chỉ số đường huyết khác nhau nhưng đều có mức GI thấp. Hạt hạnh nhân có chỉ số GI bằng 0, đặc biệt tốt cho chế độ ăn của người tiểu đường nhờ công dụng điều hòa đường huyết và ngăn đường huyết tăng cao sau khi ăn uống.
Ăn khoảng 57g hạt hạnh nhân mỗi ngày có thể giảm mức tăng đường huyết và mức insulin. Hạt hạnh nhân cũng làm tăng hoạt tính của insulin ở người tiền tiểu đường.
Tuy nhiên, hạt điều lại có chỉ số đường huyết cao nhất, 22.
6. Ngũ cốc nguyên cám
Nếu bạn quan ngại về đường huyết, nên cẩn thận với các thực phẩm có chứa carb. Về nguyên tắc chung, ngũ cốc nguyên cám tốt hơn ngũ cốc tinh chế.
Ngoài chứa nhiều dưỡng chất hơn ngũ cốc tinh chế, loại nguyên cám còn chứa nhiều chất xơ, các chất hóa học thực vật có lợi. Bánh mì ngũ cốc nguyên cám có chỉ số GI trong khoảng 51, do vậy bạn vẫn cần tiêu thụ có chừng mực.
7. Cà phê
Mỗi ngày 1 tách cà phê có lợi cho sức khỏe. Một số nghiên cứu gợi ý uống cà phê, loại có caffeine hay đã trích xuất caffeine đều giúp giảm khoảng 10% nguy cơ tiểu đường tuýp 2.
Bạn cần lưu ý, không cho thêm đường, sữa, kem béo hay chất tạo ngọt vào cà phê. Để quản lý tiểu đường, bạn cần hấp thu các thực phẩm có mức GI thấp, dưới 55.
Huệ Trần
(theo The Healthy)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//yhocsuckhoe/2020/06/25/3fd4d3/